Hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19

16/09/2021 12:01
Hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, quyết định và ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh
Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước. Chính phủ đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kịp thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật hiện hành. 

Theo đó, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được miễn, giảm hơn 31,5 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền để tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ, cụ thể như: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021.  

Dự kiến, các giải pháp này thực hiện trong năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: Số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn dự kiến khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 3 nghìn tỷ đồng. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách nhà nước, các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước đã được triển khai thực hiện vừa qua theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 với tổng kinh phí ước tính trên 26 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, thể thao, vui chơi và giải trí, báo chí, truyền hình... Theo đó, việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021 là cần thiết.

Cân nhắc phạm vi áp dụng chính sách

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nêu rõ: Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với nội dung tiếp thu của Chính phủ. Đó là hoàn thiện chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng theo hướng bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “doanh nghiệp phải có tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020” vì các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch nên có lãi đã rất cố gắng; cần được hỗ trợ để tiếp tục vượt qua khó khăn, thống nhất chính sách đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14. Việc quy định như dự thảo không hợp lý với những doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 tăng so với năm 2020 vì bị tăng chi phí đầu vào, song thu nhập lại giảm. 

Có ý kiến đề nghị nên so sánh tổng doanh thu của năm 2021 với tổng doanh thu của năm 2019 (năm chưa chịu tác động bởi dịch); đề nghị việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải dựa trên 4 tiêu chí tác động của dịch bệnh: Vùng, khu vực; thời gian; ngành/lĩnh vực; mức thiệt hại để từ đó, đề xuất 3 mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng 30%, 50% và 100%.

Về giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng cho phép miễn toàn bộ số thuế phải nộp quý III và IV/2021, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với nội dung điều chỉnh này của Chính phủ. Đây là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 xảy ra, đa phần các hộ đã phải tạm dừng kinh doanh hoặc có doanh số bị ảnh hưởng đáng kể, trong khi cơ chế thu thuế đối với các hộ này dựa trên doanh số khoán được xác định từ đầu năm. Việc miễn toàn bộ số thuế của 2 quý cuối năm tương đương với mức giảm 50% số thuế phải nộp cả năm 2021 sẽ thuận lợi hơn trong quản lý thực hiện.  

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc phạm vi áp dụng chính sách theo hướng chỉ áp dụng đối với các địa bàn có thực hiện giãn cách xã hội, nhằm hạn chế tác động giảm thu đối với ngân sách cho những địa bàn tỉnh (quận, huyện) chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, do thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là số thu của ngân sách địa phương. 

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi… để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh.  

Đối với phạm vi áp dụng, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với việc Chính phủ loại trừ lĩnh vực “hoạt động xuất bản theo hình thức trực tuyến” ra khỏi phạm vi hỗ trợ, do đây là lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch bệnh; đồng thời đề nghị Chính phủ loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực ra khỏi phạm vi áp dụng.
Về miễn tiền chậm nộp, một số ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chính sách miễn tiền chậm nộp với các khoản tiền chậm nộp đã phát sinh cho đến thời điểm ban hành Nghị quyết, để không khuyến khích các đối tượng nộp thuế chây ỳ đối với nghĩa vụ thuế của năm 2021. 

Hỗ trợ chọn lọc, đúng đối tượng, tránh tràn lan

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng “không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách”.  

“Trên thực tế có những vùng, lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch COVID-19, thậm chí được hưởng lợi, có điều kiện phát triển hơn như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế, ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến... Trong khi đó, nguyên tắc thuế là tiền khai, hậu kiểm; chúng ta chỉ hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị tác động. Sau khi kê khai, cơ quan thuế sẽ cho các doanh nghiệp hưởng và sẽ hậu kiểm lại”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Biểu dương những chia sẻ, hỗ trợ của ngành Ngân hàng cho nền kinh tế đất nước trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát xem chính sách tín dụng lãi suất tiếp tục cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong danh sách ưu tiên như hàng không, vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ, các công ty lữ hàng, khách sạn, dịch vụ… đang gặp rất khó khăn về dòng tiền. 

“Xem xét hỗ trợ, tiếp tục giảm lãi suất cho một số lĩnh vực trên tinh thần “có chọn lọc, có mục tiêu, không đưa ra tràn lan các đối tượng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Tiếp thu và giải trình các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ điều chỉnh phạm vi áp dụng với các doanh nghiệp “hoạt động theo hình thức trực tuyến” của các doanh nghiệp số ra khỏi phạm vi hỗ trợ; nhất trí với giải pháp kê khai và hậu kiểm trong phạm vi Nghị quyết quy định sát thực tế, cần triển khai nhanh, phù hợp với thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, đặc biệt, những doanh nghiệp khó khăn, chậm nộp thuế, sẽ không bị phạt tiền. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với 4 nhóm chính sách theo tờ trình của Chính phủ; đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến được trao đổi để hoàn chỉnh các nội dung trên. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng với điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019 đã thể hiện tính thuyết phục của chính sách bởi nếu chỉ so với năm 2020 sẽ không thuyết phục. Đây cũng là mốc tiêu chuẩn để so sánh, giải quyết chính sách trong dài hạn. 

Đối với việc miễn thuế phải nộp của quý III, IV năm 2021 cho các hộ, cá nhân kinh doanh, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải chú ý tới các hộ, cá nhân kinh doanh, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số ý kiến đề nghị phải được phân định các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp theo lĩnh vực, vùng chính xác, phù hợp. 

Về giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát trong các lĩnh vực đang đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng để loại trừ không giảm cho một số hoạt động xuất bản phần mềm, các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ hàng hóa trên nền tảng trực tuyến. Đồng thời, Nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện để đảm bảo giảm thuế giá trị gia tăng đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về miễn tiền hỗ trợ phát sinh năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách khác để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch; lưu ý các chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp bị lỗ. 

Riêng vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội có ý kiến về gói hỗ trợ kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch COVID-19; lưu ý sử dụng cả hai kênh hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạm khóa về vấn đề hỗ trợ huy động lãi suất cho các doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ dựa trên chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, ưu tiên cho các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Theo Diệp Trương (TTXVN)