Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới EU giảm tốc
Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sang tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU giảm tốc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm 2021 giảm từ 10 đến 12% so với nửa đầu năm 2021.
Đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng xuất khẩu tăng khá
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU trong tháng 7/2021 đạt 44,5 triệu USD, tăng 22,1% so với tháng 7/2020. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU đạt 396,9 triệu USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường EU trong 7 tháng đầu năm 2021, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng khá, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU đạt 331,7 triệu USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ là 2 mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là mặt hàng đồ nội thất văn phòng và đồ nội thất nhà bếp.
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm 2021 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khác như: Kim ngạch xuất khẩu gỗ, ván và ván sàn đạt 42,87 triệu USD, tăng 28,1%; Đồ gỗ mỹ nghệ đạt 4 triệu USD, tăng 101,2%; Cửa gỗ đạt 956 nghìn USD, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường EU đều tăng trưởng khá. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Đức đạt 80,3 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới EU. Tiếp theo là thị trường Pháp đạt 78,4 triệu USD, tăng 29,5%; Hà Lan đạt 63,4 triệu USD, tăng 50%; Bỉ đạt 40,5 triệu USD, tăng 55,7%...
Trong cơ cấu thị trường, Đức và Pháp là hai thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ rất tiềm năng. Đối với thị trường Đức, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức khả quan hơn, đạt 80,3 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chính xuất khẩu tới thị trường Đức trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức. Đức là quốc gia có dân số đông nhất và cũng là nền kinh tế phát triển năng động nhất của EU. Đức là cửa ngõ và có vị trí thuận tiện về logistics nên giảm thời gian đơn hàng vào các hệ thống tiêu thụ tại EU. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tiếp cận được vào thị trường Đức sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.
Đối với thị trường Pháp, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Pháp tăng trưởng mạnh. Tỷ trọng xuất khẩu gỗ sang thị trường này chiếm 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Pháp. Người Pháp là những người tiêu dùng lớn đối với đồ nội thất tại thị trường EU. Đặc biệt, hơn một năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người Pháp phải ở nhà nhiều hơn, vì vậy dành nhiều thời gian hơn để tân trang lại ngôi nhà và quan tâm nhiều tới các sản phẩm nội thất, nên doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới thị trường Pháp trong thời gian tới.
Xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ sang EU tăng khá (Ảnh minh họa: Khâu đóng gói đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Tiến Hưng)
Dự báo xuất khẩu giảm từ 10 đến 12% trong nửa cuối năm 2021
Mặc dù ngành gỗ của Việt Nam được hưởng ưu đãi theo EVFTA, nhưng từ khi hiệp định có hiệu lực đến nay, do dịch bệnh liên tục gây trở ngại cho nên xuất khẩu gỗ cũng gặp nhiều thách thức. Vì vậy sau một năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU vẫn chưa có nhiều bứt phá.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn còn nhiều cơ hội. Cụ thể, kinh tế toàn khối EU đang có xu hướng tích cực trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang mở cửa trở lại, chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và quỹ kích thích chung của EU được khởi động để hỗ trợ chính sách tiền tệ nới lỏng. Thị trường xây dựng hoạt động mạnh cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ tại EU tăng mạnh trong thời gian tới. Xu hướng phát triển nhanh chóng trong phương thức bán hàng trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, dễ dàng tương tác với người tiêu dùng EU, nắm bắt thị hiếu và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Lợi thế từ thuế quan để nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo Hiệp định EVFTA, từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí; tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước khiến tình hình sản xuất chế biến gỗ bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, đóng cửa nhà máy vì giãn cách xã hội…, điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU và cản trở đà tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này.
Theo số liệu ước tính từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 28,4 triệu USD, giảm 16,3% so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 425,3 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan đến từ các doanh nghiệp. Cụ thể, phần lớn doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực cạnh tranh yếu, giá sản phẩm còn cao, chất lượng thấp so tiêu chuẩn quốc tế. Ðồng thời, các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng, phát triển thương hiệu và chiến lược kinh doanh dài hạn. Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm 2021 giảm từ 10 đến 12% so với nửa đầu năm 2021.
Gỗ Việt
- Xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Hoa Kỳ: Liệu có cán mốc 10 tỉ USD?
- Dịch Covid-19 và thách thức trong việc tìm nguồn cung ứng phù hợp
- Ngành công nghiệp đồ nội thất Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh giãn cách
- Các hãng tàu thực hiện nghiêm quy định về việc công khai, niêm yết giá cước
- Mỹ tăng nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ từ thị trường Việt Nam
- VIFOREST đề nghị Bộ Y tế chấp thuận chủ trương trong việc liên hệ, xúc tiến các nguồn nhập khẩu vắc xin phòng, chống dịch Covid-19
- Trực diện xuất FOB và nhập CIF: Thiệt đơn, thiệt kép
- Việt Nam, Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về vấn đề tiền tệ
- Các tập đoàn kinh doan Hoa Kỳ kêu gọi Giám đốc Thương mại từ bỏ Thuế quan đối với Việt Nam
- Nửa đầu năm 2021, ngành gỗ gia tăng các dự án đầu tư mới
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu