Trực diện xuất FOB và nhập CIF: Thiệt đơn, thiệt kép
Doanh nghiệp Việt Nam chịu “thiệt đơn, thiệt kép” nhưng vẫn duy trì xuất khẩu theo giá FOB và nhập khẩu theo giá CIF, nó cho thấy sự hạn chế về năng lực.
Chưa đủ năng lực, nên nhiều doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam vẫn phải sử dụng hình thức mua CIF (mua tại cảng đến), bán FOB (bán tại cảng đi) nên thương quyền thuê phương tiện và đàm phán hợp đồng vận chuyển, thanh toán cước phí vận chuyển chủ yếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
Xuất FOB vẫn chiếm tới 80%
Phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dựa trên số liệu hải quan cho thấy, các hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đều lựa chọn phương thức xuất theo giá FOB. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ đạt trên 8,47 tỷ USD thì có 6,54 tỷ USD xuất theo giá FOB chiếm 77,1% tổng giá trị xuất, xuất theo phương thức CFR đạt 1,03 tỷ USD chiếm 12,2%, theo phương thức CIF chỉ chiếm 5,1% đạt 430,03 triệu USD, các phương thức khác chiếm 5,6% đạt 475,73 triệu USD.
Sang năm 2019, khi giá trị xuất khẩu của ngành đạt 10,33 tỷ USD thì tỷ trọng xuất khẩu theo phương thức FOB tăng mạnh, 26% so với năm trước đó và đạt 8,21 tỷ USD, chiếm tới 79,5% tổng giá trị xuất, xuất khẩu theo phương thức CFR chỉ chiếm 10,7%, đạt 1,10 tỷ USD, xuất theo phương thức CIF giảm xuống còn 4,3% đạt 443,84 triệu USD, theo các phương thức khác chiếm 5,5% đạt 568,53 triệu USD.
Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đạt con số trên 12,01 tỷ USD thì giá trị xuất khẩu mang lại theo phương thức FOB đã chiếm tới 81,4% tổng giá trị xuất, đạt 9,78 tỷ USD, trong khi xuất theo CFR, CIF và phương thức khác giảm xuống và chiếm tỷ lệ nhỏ lần lượt ở mức 10,5%; 3,8% và 4,2% với giá trị tương ứng đạt được là 1,26 tỷ USD; 460,41 triệu USD và 504,97 triệu USD.
Lựa chọn phương thức xuất khẩu theo FOB sẽ khiến doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu nhưng cũng phản ánh những hạn chế về năng lực của doanh nghiệp Việt.
Tỷ trọng xuất khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) theo giá FOB so với các phương thức khác
Theo thống kê của VIFOREST, tại các thị trường trọng điểm của ngành gỗ đã có sự thay đổi lớn về điều kiện giao hàng trong xuất khẩu. Phân tích từ dữ liệu thống kê cho thấy, thị trường chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ là Hoa Kỳ, hiện xuất theo giá FOB đang giảm từ mức chiếm 98% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này vào năm 2018, xuống còn 97,2% vào năm 2019 và 96,9% vào năm 2020. Nhật Bản, thị trường xuất khẩu chiếm từ 10-11% kim ngạch xuất khẩu của ngành, xuất theo giá CIF cũng đang gia tăng từ 25,4% vào năm 2018 lên 25,7% vào năm 2020. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn đứng thứ ba, chiếm từ 10-11% tổng kim ngạch xuất khẩu, xuất theo giá FOB sang thị trường này giảm mạnh từ 49% năm 2018, xuống còn 43,2% năm 2029 và năm 2020 chỉ ở mức 39,1%.
Các thị trường khác như Hàn Quốc, EU, Vương Quốc Anh, tỷ trọng xuất theo giá FOB cũng nằm trong xu hướng giảm lần lượt ở mức từ 43,3% năm 2018, xuống 41,3 % vào năm 2020 đối với thị trường Hàn Quốc và EU từ 79,7% năm 2018 xuống 75,5% năm 2020; Vương Quốc Anh từ mức 97,5% năm 2018 xuống 96,8% vào năm 2020.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) theo giá FOB sang các thị trường trọng điểm có xu hướng giảm
Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam đang “thiệt đơn, thiệt kép”khi duy trì xuất khẩu theo giá FOB và nhập khẩu theo giá CIF. Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, cho biết, các chủ hàng Việt Nam lại đang phải trả cho các hãng tàu đủ các loại phụ cước mà những loại phụ cước này thường không được quy định rõ ràng trong hợp đồng vận chuyển cũng như hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu. Điều này, dẫn đến một số bất cập về vấn đề thu phí cước của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam. Ông dẫn chứng, việc chưa có sự đồng thuận giữa hãng tàu và chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam mà chỉ có sự áp đặt một phía của chủ tàu. Đến nay, chưa có cơ quan quản lý các loại phụ cước này, bởi vì các loại phụ cước này không được đăng ký với một cơ quan chức năng nào tại Việt Nam mà do các chủ tàu đặt ra.
Ông Thông, người có hơn 30 năm làm việc trong ngành vận tải biển, các loại phụ cước này không được các hãng tàu thông báo trước cho các khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định, cũng như không được công khai minh bạch về các thành phần, yếu tố cấu thành nên các loại phụ cước này, thậm chí một số loại phụ cước không rõ ràng và hợp lý, khó hiểu đối với các chủ hàng Việt Nam chuyên mua CIF bán FOB.
Các hãng tàu biển nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hầu hết thông qua các công ty tại Việt Nam làm đại lý với hình thức đại lý thu hộ hãng tàu các phụ cước này. Trong khi đó, các đại lý, đại diện tại Việt Nam của các hãng tàu nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều không có quyền quyết định liên quan đến các vấn đề phụ cước này mà chỉ thực hiện theo lệnh và/hoặc thu hộ, theo chỉ thị của các hãng tàu nước ngoài không có trụ sở tại Việt Nam. “Mặc dù quan hệ gửi hàng và nhận chuyên chở là quan hệ kinh tế thị trường nhưng để phục vụ tính minh bạch và tránh cạnh tranh không lành mạnh thì thì cần cơ chế quản lý sát sao của Nhà nước”, ông Thông bình luận.
Cao Cẩm(Gỗ Việt số 135, tháng 7 năm 2021)
- Việt Nam, Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về vấn đề tiền tệ
- Các tập đoàn kinh doan Hoa Kỳ kêu gọi Giám đốc Thương mại từ bỏ Thuế quan đối với Việt Nam
- Nửa đầu năm 2021, ngành gỗ gia tăng các dự án đầu tư mới
- Thị trường Mỹ và EU hồi phục: Ngành gỗ tìm cơ hội mới
- Thị trường Hàn Quốc-Nhật Bản: Nhiều tiềm năng phát triển
- Ngành hàng viên nén nhiên liệu: Gia tăng dự án đầu tư
- Hàn Quốc tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng từ thị trường Việt Nam
- VIFOREST: Đề nghị Hiệp hội, Chi hội, doanh nghiệp hội viên ngành gỗ gửi đăng ký mua vắc-xin Covid-19 trước 17h ngày 6/6/2021
- Ngành gỗ đi tìm lời giải đáp: Cách mạng từ những điều đơn giản
- Rủi ro nguồn cung ngành gỗ dán
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu