Rủi ro nguồn cung ngành gỗ dán
Ở Việt Nam, đầu vào của gỗ dán là nguồn gỗ rừng trồng, chủ yếu là gỗ keo từ các hộ gia đình và các công ty. Bên cạnh đó, nguồn cung gỗ dán từ nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức trong chuỗi cung ngành gỗ dán đang là vấn đề được đặt ra
Ở Việt Nam, đầu vào của gỗ dán là nguồn gỗ rừng trồng, chủ yếu là gỗ keo, gỗ cao su từ các hộ gia đình và một phần từ nguồn cây phân tán. Gỗ tròn từ nguồn này được đưa vào các cơ sở làm ván bóc, thuộc sở hữu của hộ gia đình và các công ty. Các miếng ván bóc sau đó được kết dính lại nhau, trải qua các công đoạn khác tạo thành gỗ dán. Gỗ dán sẽ được đưa vào xuất khẩu (80% tổng lượng cung) và làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhóm mặt hàng đồ gỗ khác.
Theo ước tính của Nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends, hiện tổng sản lượng gỗ dán sản xuất trong nước đạt khoảng 3,07 triệu m3. Khoảng 66% trong số này (2,03 triệu m3) được xuất khẩu trực tiếp. Phần còn lại được sử dụng trong nước. Tuy không nằm trong chuỗi cung gỗ dán nội địa, nguồn cung gỗ dán từ nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối Việt Nam. Sau khi được nhập khẩu, luồng cung này được hòa vào với nguồn cung được sản xuất trong nước, từ đó đi vào kênh sản xuất các mặt hàng như ván sàn, đồ gỗ xây dựng, đồ gỗ, tủ bếp và một số mặt hàng khác phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, gỗ dán là một trong 5 mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Hàng năm Việt Nam bỏ ra khoảng 170 triệu USD để nhập gần 400 nghìn m3 gỗ dán sử dụng cho chế biến đồ gỗ.
Còn nhiều rủi ro trong chuỗi cung ngành gỗ dán trong đó phải kể đến rủi ro từ khâu nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào tới khâu sản xuất ván bóc, rủi ro trong khâu từ sản xuất ván bóc tới gỗ dán. TS Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend - nhận định, thực tế hiện nay cho thấy đa phần các hộ gia đình mua gỗ tròn, chủ yếu từ các hộ trồng rừng, để sản xuất ván bóc là các hộ kinh doanh cá thể. Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, các hộ kinh doanh cá thể này phải đóng thuế khoán. Mức thuế khoán cho mỗi hộ được xác định thông qua hình thức điều tra/kê khai của các hộ kinh doanh, với các hộ có tổng doanh thu cả năm trên 100 triệu đồng thì bắt đầu phải đóng thuế. Mức thuế khoán bao gồm 2 phần, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Thông tư này cũng quy định mức thuế khác nhau đối với 2 loại hình hộ: Hộ chỉ đơn thuần tham gia vào kinh doanh (chuyên làm thương mại) mà không tham gia vào khâu sản xuất, và hộ tham gia vào khâu sản xuất. Cụ thể, theo quy định tại điểm b.1, khoản 2, điều 2 của Thông tư này, nếu hộ gia đình phân phối, cung cấp hàng hóa (chỉ chuyên làm thương mại), mức thuế khoán phải nộp là 1,5 % trong tổng doanh thu hàng năm, trong đó thuế giá trị gia tăng là 1%, thuế thu nhập cá nhân 0,5%. Nếu hộ gia đình tham gia sản xuất thì mức thuế khoán phải nộp là 4,5%, bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, mức thuế áp dụng cho 2 loại hình nhóm hộ là rất khác nhau, và việc áp dụng không phải lúc nào cũng rõ ràng và đồng nhất, đặc biệt trong bối cảnh các hộ tham gia vào khâu này đều có quy mô nhỏ, với năng lực quản lý và hiểu biết về các quy định của pháp luật còn hạn chế. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế, đối với cả 2 loại hình nhóm hộ gia đình việc áp dụng đúng các mức thuế khoán như Thông tư đã quy định là rất khó khăn. Bên cạnh đó, có thể nhiều hộ gia đình tham gia cả khâu thương mại và sản xuất. Trong trường hợp này, các quy định về mức thuế khoán theo Thông tư không thể áp dụng. Trên thực tế, có rất ít hộ gia đình hiện nay nộp khoản thuế theo Thông tư này quy định. Điều này có nghĩa rằng hộ không có bằng chứng về sự tuân thủ đối với quy định về thuế do cơ quan quản lý đưa ra. Đây là một trong những rủi ro cơ bản trong khâu đầu vào của chuỗi cung gỗ dán hiện nay.
Một vấn đề nữa được TS Tô Xuân Phúc nêu ra đó là hầu hết các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất ván bóc mua gỗ nguyên liệu (gỗ tròn) từ các hộ gia đình. Việc các hộ gia đình cung gỗ tròn cho các cơ sở sản xuất ván bóc trong bối cảnh thiếu các bằng chứng đảm bảo sự tuân thủ với các quy định về thuế hiện hành làm phát sinh rủi ro trong khâu này. Rủi ro trong khâu này đồng nghĩa với rủi ro trong tất cả các khâu còn lại của chuỗi cung, bao gồm cả các chuỗi cung sử dụng gỗ dán làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhiều công ty mua nguồn nguyên ván bóc đầu vào của các cơ sở chế biến là các hộ gia đình không có hóa đơn chứng từ cho nguồn nguyên liệu đầu vào. Để hợp thức hóa, một số công ty sản xuất gỗ dán phải tìm cách để hợp pháp hóa nguồn nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở ván bóc.
Gỗ dán hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác như ván sàn, đồ gỗ, tủ bếp… phục vụ xuất khẩu. Rủi ro trong các khâu đầu của chuỗi cung gỗ dán, bao gồm trong cả khâu sản xuất và pha trộn nguồn cung nhập khẩu và nội địa làm sản sinh ra rủi ro trong khâu xuất khẩu các mặt hàng sử dụng nguyên liệu gỗ dán. Đánh giá chi tiết thực trạng trong khâu gỗ nguyên liệu và ván bóc và các chính sách có liên quan để từ đó có sự điều chỉnh các cơ chế chính sách hiện này sát với thực tế hơn được các chuyên gia khuyến nghị. Bên cạnh đó, cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc nhập khẩu gỗ dán, thực trạng sản xuất gỗ dán trong nước. Các cơ quan quản lý có liên quan tăng cường kiểm tra giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa. Việc kiểm tra giám sát không chỉ dừng lại đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa, mà cần bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty có nguồn vốn sở hữu từ Trung Quốc.
Nguyễn Hạnh (Gỗ Việt số 133, tháng 05/2021)
- Gỗ dán: Còn nhiều dư địa phát triển
- Cảng Yatian tại Thẩm Quyến ngừng tiếp nhận container xuất khẩu hạng nặng sau khi phát hiện có Covid -19
- Ngành gỗ đề nghị Chính phủ được đặt mua 1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19
- VIFOREST: Đề xuất tăng cường thực hiện Nghị định 102 về kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu
- Sáng tạo để tăng giá trị sản phẩm gỗ
- Xuất khẩu tủ bếp vào Hoa Kỳ: Cần có bước đi thận trọng
- Doanh nghiệp gỗ trước sức ép tăng giá thành sản phẩm
- Cần siết chặt xuất khẩu sản phẩm ván bóc từ gỗ rừng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc
- VIFOREST đề nghị cung cấp thông tin về bằng chứng gỗ nhập khẩu hợp pháp
- Ngành gỗ với sức ép hoàn thuế giá trị gia tăng
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu