Thị trường Mỹ và EU hồi phục: Ngành gỗ tìm cơ hội mới

01/07/2021 16:22
Thị trường Mỹ và EU hồi phục:  Ngành gỗ tìm cơ hội mới

Việc nước Mỹ thật sự trở lại đang mở ra cơ hội lớn cho thương mại toàn cầu, theo các báo cáo gần đây, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng tới 6,4% trong quý đầu tiên năm 2021 nhờ gói kích thích kinh tế và chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 hiệu quả. 

Theo các chỉ số, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục 90% so với thời điểm đại dịch bùng phát cách đây một năm nhờ tác động tích cực từ tỉ lệ tiêm chủng tăng nhanh chóng. Các hạn chế áp với doanh nghiệp đã được nới lỏng, ngày càng nhiều người Mỹ ra ngoài mua sắm, ăn uống và du lịch. Các gói hỗ trợ lớn của chính phủ liên bang cũng góp phần không nhỏ giúp bức tranh kinh tế sôi động trở lại. Trong vòng 3 tháng, đã có 2 gói cứu trợ với tổng trị giá gần 3.000 tỉ USD được thông qua giúp thúc đẩy thu nhập và chi tiêu của người dân. Đây là sự hỗ trợ rất quan trọng đối với nền kinh tế do chi tiêu của người dân chiếm tới 2/3 các hoạt động kinh tế. Kết quả là chi tiêu của người tiêu dùng đã tăng tới 10,7% Thị trường Mỹ và EU hồi phục: Ngành gỗ tìm cơ hội mới trong vài tháng vừa qua. Trong đó, chi tiêu chủ yếu gồm mua xe có động cơ, đồ gỗ nội thất, hàng hóa giải trí và đồ điện tử. 

Cùng lúc đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu và Anh cũng đang dần trở lại với các hoạt động kinh tế bình thường, cùng với các hoạt động du lịch và thương mại mở cửa sẽ tạo ra sức hút với các ngành xuất khẩu lớn. Tất cả những dấu hiệu này đã mang tới sự lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng. Đây là thời điểm mà ngành gỗ, các doanh nghiệp cần nắm bắt được cơ hội, khắc phục được tác động xấu của dịch Covid-19 đang bùng phát tại Việt Nam để tìm kiếm đơn hàng, và tăng cường sự hiện diện của ngành tại các thị trường lớn này.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, đây là thời  người tiêu dùng Mỹ bắt đầu lại cuộc sống thường nhật của họ, nghĩa là làm mới không gian sống của mình để thích hợp với những gì đang diễn ra hiện tại, họ đã bước ra bên ngoài và thay đổi nhịp sinh hoạt.

Cần có một dòng sản phẩm mới thích ứng với thị trường này. Nhưng khi nói đến cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam, cũng là lúc những đối thủ khác trên thương trường cũng nắm những cơ hội về sự mở cửa trở lại của Mỹ và châu Âu. Không chỉ ngành gỗ Việt Nam gặp phải sức cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực mà còn ngay trong chính nội tại, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng mức đầu tư, hoặc vấn đề lớn hơn là lợi dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế, gây ảnh hưởng tới ngành gỗ, đặc biệt gây nguy hại trong thời điểm khó khăn này khi các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia tổ chức Forest Trend, để hạn chế tình trạng gian lận xuất xứ đối với sản phẩm gỗ và lâm sản trong thời gian tới, đặc biệt từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không minh bạch, các địa phương cần cân nhắc các dự án không đáp ứng được công nghệ cao, bảo vệ môi trường; quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Hạn chế các nguồn vốn đầu tư không xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, mà mua hoặc thuê lại cơ sở vật chất của doanh nghiệp Việt Nam, sau đó lấy tư cách pháp nhân doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu.

Theo ông Lập, để tìm ra một dòng sản phẩm mới, hoặc tìm ra thị trường ngách trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, đòi hỏi rất nhiều công sức, tri thức, kinh nghiệm và sự chủ động của các doanh nghiệp, như năm ngoái, khi dòng sản phẩm tủ bếp, bàn ghế sofa đã mang về giá trị xuất khẩu lớn để ngành gỗ hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhưng cũng gần như ngay lập tức, bị một số doanh nghiệp có vốn FDI gây ảnh hưởng xấu như nhập khẩu bán thành phẩm hoặc chi tiết sản phẩm sau đó lắp ráp, thay đổi nhãn mác để xuất khẩu các sản phẩm có mức rủi ro cao cho thương hiệu và uy tín ngành gỗ Việt Nam. Và một lần nữa, khi nước Mỹ đang dần trở lại với trạng thái bình thường, ngành gỗ Việt Nam cần phải được bảo vệ trước những rủi ro này, và tránh lặp lại tình trạng tương tự khi chúng ta có dòng sản phẩm mới.

Mặt khác, ông Lập cũng cho biết thêm, cần hạn chế đầu tư vào sản xuất các mặt hàng trùng với đồ gỗ của Trung Quốc có nguy cơ bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, như: các mặt hàng sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ dán để sản xuất như panels, bàn và mặt bàn, ván sàn và các mặt hàng đã bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp (gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, bàn trang điểm, gỗ đã tạo khuôn hình, sản phẩm sofa khung gỗ), hay các dự án đầu tư sản xuất các loại sản phẩm gỗ, lâm sản đang hoặc có nguy cơ bị thị trường nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá.

Quang Huy (Gỗ Việt Số 134 Tháng 6 2021)