Xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Hoa Kỳ: Liệu có cán mốc 10 tỉ USD?
Kỳ vọng từ thị trường Hoa Kỳ sẽ mang về cho ngành Gỗ Việt 10 tỉ USD trong năm 2021 đang chịu áp lực rất lớn trong bối cảnh Covid-19 đang tiếp tục là yếu tố chính cản trở sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Sự phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ đang thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường này. Người tiêu dùng Hoa Kỳ bắt đầu trở lại với thói quen mua sắm của mình vào dịp cuối năm. Dự báo tổng nhu cầu đồ gỗ tại Hoa Kỳ có thể lên tới 100 tỉ USD trong năm 2021 khi nền kinh tế này được dự báo tăng trưởng 6-7%. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang chịu tác động tiêu cực khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ.
Vượt Trung Quốc xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ
Nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao sau những thay đổi chính trị và nền kinh dần phục hồi do dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát. Thống kê từ Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), cho thấy, năm 2020, Hoa Kỳ nhập trên 71,62 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ từ các nước trên thế giới, tăng 3% so với năm 2019. Trong nửa đầu năm 2021, giá trị đồ gỗ Hoa Kỳ nhập khẩu đạt 49,91 tỷ USD tăng 69% so với cùng kỳ 2020.
Việt Nam, một trong 5 nhà cung đồ gỗ hàng đầu cho Hoa Kỳ. Số liệu hải quan Việt Nam ghi nhận, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) sang Hoa Kỳ đạt 4,92 tỉ USD, chiếm trên 61,6% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, tăng 94,4% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, ghế ngồi (Hs 9401), đồ nội thất (Hs 9403) và gỗ dán là 3 nhóm mặt hàng có tỉ trọng xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ, chiếm 96% tổng giá trị xuất khẩu.
Hoa Kỳ trong nhiều năm là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 60% (tăng 99% so cùng kỳ năm 2020) trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), nhu cầu tiêu dùng tại nội địa của nước Mỹ như xây dựng, nhà ở ngày càng tăng cao, điều này thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm gỗ và đồ gỗ để phục vụ cho xu hướng tiêu dùng trong khi nguồn cung tại Hoa Kỳ không đáp ứng được nhu cầu.
Việt Nam là thị trường cung đồ nội thất lớn nhất sang Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: ITC)
Nằm trong nhóm hàng đồ nội thất, các mặt hàng như bộ phận đồ gỗ, nội thất phòng bếp (tủ bếp, tủ nhà tắm), nội thất phòng ngủ, nội thất bằng gỗ khác, có mức tăng trưởng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 661,97 triệu USD tăng 91% so với cùng kỳ năm 2020. Sự tăng trưởng này được chỉ ra ở biểu đồ các sản phẩm chính xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Các mặt hàng G&SPG chính Việt Nam xuất khẩu sang Hoa kỳ tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2021 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Một điểm đáng chú ý, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu xuất khẩu đồ gỗ nội thất vào thị trường Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2021, dù sự chênh lệch không lớn. Giá trị xuất khẩu đồ nội thất của Việt Nam đạt 4,65 tỉ USD, chiếm 29% thị phần, trong khi Trung Quốc đạt 4,53 tỉ USD chiếm 28% thị phần.
Cơ hội tăng thị phần
Thị trường Hoa Kỳ vẫn dành dư địa nhập khẩu gỗ từ Việt Nam. Dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất tủ bếp Hoa Kỳ (KCMA) cho thấy, tổng doanh số bán tủ trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 20,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó doanh số trong tháng 6/2021 tăng 14% so với tháng 6/2020 và tăng 6,1% so với tháng trước đó. KCMA dự báo doanh số bán tủ bếp năm 2021 sẽ duy trì ở mức cao.
Những tín hiệu tốt từ thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST cho đây là “cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ Việt tăng thị phần”. Đồ gỗ Việt Nam ngày càng được đánh giá cao tại thị trường Mỹ, với xuất xứ rõ ràng, mẫu mã phong phú và giá cạnh tranh. Giữa quý III và quý IV, thời điểm xuất khẩu gỗ tăng mạnh.
Ông Lập cho biết: “Đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu về nhiều” nhưng vẫn quan ngại “giá cước vận tải đang ngày càng tăng cao”. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các trung tâm chế biến gỗ lớn, đặc biệt là Bình và Đồng Nai kể từ hồi tháng 4/2021, khiến giá trị xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ chững lại trong tháng 7/2021, chỉ đạt 840,93 triệu USD giảm 19% so với tháng trước đó. Các mặt hàng xuất chính như ghế ngồi giảm 31% về giá trị so với tháng; đồ nội thất giảm 15%; gỗ dán giảm 15%. Số liệu trong 15 ngày đầu tháng 8 cho thấy, xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ tiếp tục giảm so với 15 ngày đầu tháng 7.
Xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ những tháng đầu năm 2021, có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 7/2021 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Gỗ Hạnh Phúc đang “cố gắng giữ đơn hàng", ông Lê Xuân Tân, Giám đốc Công ty Gỗ Hạnh Phúc, cho biết. Công ty này đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, lực lượng lao động buộc phải giảm trên 50%, thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” gặp nhiều khó khăn.
Kỹ nghệ Gỗ Hoa Nét, một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Dương đang xuất khẩu chính vào thị trường Hoa Kỳ. Năm 2020 xuất khẩu đồ gỗ của công ty này đạt gần 350 triệu USD, chiếm tới 3% tổng giá trị xuất của cả nước, nhưng trong tháng 7, khi phát hiện các ca F0 đầu tiên tại các xưởng sản xuất, công ty buộc phải dừng một số nhà máy để thực hiện giãn cách, khiến giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng.
Một khảo sát nhanh của các Hiệp hội Gỗ thực hiện ở 265 doanh nghiệp tại 3 trung tâm chế biến gỗ là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương cho thấy, 51% doanh nghiệp đã dừng sản xuất, 49% doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”, nhưng chỉ có 13% lao động hiện đang làm việc, 87% số lao động đã tạm nghỉ làm việc. Có thế thấy dịch bệnh đã tác động mạnh tới doanh nghiệp làm giảm nguồn lực lao động, năng xuất lao động, đơn hàng, chuỗi cung.
Trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp ngành Gỗ chính là vắc xin và các biện pháp phòng chống dịch bệnh hợp lý, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chỉ khi đó mới có thể bắt kịp tiến độ, và kỳ vọng xuất khẩu 10 tỉ USD vào thị trường Hoa Kỳ có thể sẽ trở thành hiện thực.
Vũ Huy (Gỗ Việt, số 136, tháng 8, 2021)
- Dịch Covid-19 và thách thức trong việc tìm nguồn cung ứng phù hợp
- Ngành công nghiệp đồ nội thất Malaysia bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh giãn cách
- Các hãng tàu thực hiện nghiêm quy định về việc công khai, niêm yết giá cước
- Mỹ tăng nhập khẩu đồ nội thất phòng ngủ từ thị trường Việt Nam
- VIFOREST đề nghị Bộ Y tế chấp thuận chủ trương trong việc liên hệ, xúc tiến các nguồn nhập khẩu vắc xin phòng, chống dịch Covid-19
- Trực diện xuất FOB và nhập CIF: Thiệt đơn, thiệt kép
- Việt Nam, Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về vấn đề tiền tệ
- Các tập đoàn kinh doan Hoa Kỳ kêu gọi Giám đốc Thương mại từ bỏ Thuế quan đối với Việt Nam
- Nửa đầu năm 2021, ngành gỗ gia tăng các dự án đầu tư mới
- Thị trường Mỹ và EU hồi phục: Ngành gỗ tìm cơ hội mới
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu