Phân quyền trong Lâm nghiệp: Xu hướng trên thế giới và thực tế tại Việt Nam
Phân quyền trong quản lý tài nguyên là tiến trình Chính phủ trao các quyền có liên quan đến sử dụng và quản lý tài nguyên cho người dân và cộng đồng. Trên thế giới, phân quyền bắt đầu được thực hiện kể từ những năm 80, theo đó một số diện tích đất lâm nghiệp và rừng đã được Chính phủ giao cho người dân và cộng đồng. Tại nhiều quốc gia, phân quyền đã được minh chứng là cơ chế hiệu quả giúp bảo vệ tài nguyên rừng và cải thiện sinh kế cho các hộ dân và cộng đồng sống dựa vào rừng.
Tuy nhiên cho đến nay, sau hơn 30 năm kể từ khi phân quyền bắt đầu được thực hiện kết quả của phân quyền vẫn còn rất hạn chế với hầu hết đất lâm nghiệp vẫn đang được Nhà nước quản lý trực tiếp. Báo cáo của tổ chức Right and Resources Initiative công bố kết quả nghiên cứu về phân quyền tại 52 quốc gia nơi có tổng diện tích rừng lên tới trên 90% diện tích rừng của toàn thế giới cho thấy bức tranh ảm đạm: Năm 2002 tại các quốc gia này diện tích đất lâm nghiệp do Chính phủ quản lý là 77,9% trong tổng diện tích đất lâm nghiệp; đến năm 2013, con số này là 73%, giảm chưa được 5% sau hơn 10 năm thực hiện . Cũng theo Báo cáo này, năm 2012 diện tích đất lâm nghiệp thuộc sở hữu của hộ và cộng đồng chỉ chiếm 12,6% trong tổng diện tích đất lâm nghiệp, trong khi tổng diện tích đất được giao cho cộng đồng và hộ gia đình chỉ chiếm 2,9%. Hầu hết các diện tích rừng hiện nay vẫn thuộc sở hữu Nhà nước và điều này làm hạn chế tiếp cận đối với đất đai của các hộ và cộng đồng.
Sức ép lên tài nguyên rừng ngày càng lớn. Ưu tiên phát triển kinh tế đã làm nhiều diện tích rừng bị chuyển đổi sang diện tích cho các loại cây hàng hóa, như cọ dầu, cao su, cà phê hoặc đất phục vụ chăn nuôi. Tại một số quốc gia, một số dự án bảo tồn được thiết lập theo đó các diện tích rừng rộng lớn được đưa vào khoanh nuôi bảo vệ. Tạ những quốc gia này, chuyển đổi rừng hoặc khoanh nuôi bảo vệ rừng đã làm cho sinh kế của nhiều cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng tiêu cực.
Việt nam đang ở đâu?
Chính phủ Việt Nam thực hiện phân quyền trong lâm nghiệp từ giữa những năm 90. Cụ thể, chính sách giao đất giao rừng cho các hộ gia đình đã tạo điều kiện cho khoảng 1,4 triệu hộ gia đình được tiếp cận với 3,4 triệu ha đất lâm nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào diện tích đất của mình và thu được những lợi ích kinh tế từ trồng rừng hoặc phát triển các cây hàng hóa. Các hoạt động này có ý nghĩa trong việc tạo công ăn việc làm và tạo nguồn thu ổn định cho nhiều hộ gia đình. Giao đất cho hộ đã tạo động lực cho việc mở rộng diện tích rừng trồng, từ đó góp phần quan trọng nâng cao độ che phủ rừng. Nói cách khác, phân quyền thông qua giao đất cho hộ đã đạt được những kết quả quan trọng về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
Tuy nhiên đến nay một diện tích đất lâm nghiệp hiện vẫn đang được các công ty lâm nghiệp và các ban quản lý rừng thuộc Nhà nước quản lý. Sự tồn tại các công ty lâm nghiệp, đặc biệt là các công ty làm ăn không hiệu quả đã làm cản trở tiến trình phân quyền trong quản lý lâm nghiệp. Nói cách khác, sự tồn tại của các công ty này làm hạn chế cơ hội của các hộ gia đình và cộng đồng trong việc tiếp cận đất đai nhằm phát triển sản xuất. Hạn chế trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỉ lệ đói nghèo cao ở miền núi.
Sự tồn tại của các công ty lâm nghiệp cũng tạo cơ hội cho một số công ty tư nhân thực hiện chuyển đổi rừng sang cây hàng hóa. Chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cao su trong giai đoạn 2009-2011 là minh chứng điển hình, với nhiều diện tích rừng được quản lý bởi các công ty lâm nghiệp đã bị chuyển đổi. Hiện nay sức ép mở rộng diện tích các cây hàng hóa rất lớn, trong khi quỹ đất dành cho phát triển các loại cây này rất hạn chế, duy trì các công ty lâm nghiệp đặc biệt là các công ty quản lý rừng và đất lâm nghiệp không hiệu quả là cơ hội cho các công ty chuyển đổi rừng sang các diện tích cây hàng hóa. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên rừng, làm mất cơ hội cải thiện sinh kế cho người dân mà còn có nguy cơ tạo ra những bất ổn về xã hội do quá trình bất bình đẳng gây ra.
Làm gì tiếp theo?
Ngành Lâm nghiệp đang bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, với một trong những trọng tâm là chuyển đổi các công ty lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả sang các mô hình tổ chức sản xuất khác. Các nghiên cứu khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy hình thức lâm nghiệp hộ gia đình và cộng đồng có thể vừa góp phần bảo vệ được rừng, vừa cải thiện được sinh kế. Chuyển đổi các công ty lâm nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển lâm nghiệp hộ và cộng đồng có tiềm năng trong việc đạt được mục tiêu đúp. Bên cạnh đó, hình thức này có thể giúp tránh được rủi ro trong việc chuyển đổi rừng với quy mô lớn sang các loại cây hàng hóa trong tương lai.
Tô Xuân Phúc
Chuyên gia phân tích chính sách Forest Trend
Bài đăng trên tạp chí Gỗ Việt
- Ứng dụng gỗ cứng Hoa Kỳ trong kiến trúc: Tìm sự đồng điệu ở Việt Nam
- Chế biến dăm gỗ tăng mạnh
- Cú “bắt tay” của ngành gỗ và cao su
- Quy chế gỗ EUTR: Nhìn từ trường hợp của Vương Quốc Anh
- Tiến trình đàm phán FLEGT giữa Việt Nam và EU:Tìm điểm chung để ngành gỗ vươn xa
- Thực hiện chính sách về quản lý sử dụng đất tại Nông lâm trường: Vẫn còn nhiều nỗi lo
- 10 điều khiến người dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ Singapore
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh