Quý I/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU tăng 6,1%
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, quý I/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU được nhận định có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn tăng khá trong 2 tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng chính xuất khẩu sang thị trường này đạt 104,3 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU đều có kim ngạch tăng trong 2 tháng đầu năm 2022, trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng.
Nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ là những dòng sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao, do đó các doanh nghiệp ngành gỗ đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường EU.
Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2022, gỗ, ván và ván sàn, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương xuất khẩu sang thị trường EU tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Đức luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam trong khối EU. Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 27 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Pháp đạt 23,6 triệu USD, giảm 1%; Hà Lan đạt 19,4 triệu USD, tăng 12,2%; Bỉ đạt 13 triệu USD, tăng 40,4%...
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Bỉ chiếm 10,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sang thị trường này ở mức cao.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, ước tính, tháng 3/2022 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU đạt 71,3 triệu USD, tăng 0,4% so với tháng 3/2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU tăng trưởng khả quan, do sức mua tại thị trường này đang phục hồi tốt. Trong đó, nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ đang có xu hướng tăng mạnh tại thị trường EU.
Theo số liệu thống kê từ Eurostats, trong năm 2021 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đạt 8,6 triệu tấn, trị giá 22,6 triệu Eur (tương đương 25,3 triệu USD), tăng 23,4% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với năm 2020. EU tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ...
EU nhập khẩu từ Việt Nam đạt 136,4 nghìn tấn, trị giá 492,5 triệu Eur (tương đương 551,6 triệu USD), tăng 3,6% về lượng, tăng 14,7% về trị giá so với năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu của EU trong năm 2021, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu của EU. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường này.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU có nhiều thuận lợi trong thời gian tới. Tuy nhiên doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng triệt để những cơ hội này để gia tăng thị phần tại EU. Trước tiên là cơ hội mang lại khi Trung Quốc quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid”, theo đó nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước này bị gián đoạn.
Tiếp theo, các nhà chế biến gỗ của EU đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ từ Nga do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, dẫn đến sức cạnh tranh giảm sút đáng kể, đây là cơ hội cho doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc vào thị trường này.
Không những vậy, nguồn nguyên liệu trong nước đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các bất ổn do nguồn gỗ nhập khẩu mang lại. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng ngày càng tăng, cộng với sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Cùng với đó, Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa EU và Việt Nam đang tác động rất thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0%. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam.
Hiện tại, nhiều công ty trong ngành gỗ đã nhận đơn hàng xuất khẩu sang EU tới hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp tục nhận đơn hàng trong quý IV/2022. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng nhanh nên giá thành sản phẩm rất cao, nhiều đơn hàng hợp đồng trước bị biến động giá nguyên liệu nên doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận và thậm chí thua lỗ.
Riêng đối với thị trường Bỉ, với hệ thống giao thông, cầu cảng hiện đại cùng ví trí thuận lợi Bỉ được coi là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực EU. Chính vì vậy, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Bỉ cũng rất lớn, vừa nhập khẩu tiêu thụ trong nước vừa tái xuất. Do đó, Bỉ là thị trường rất tiềm năng để các doanh nghiệp ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Mặc dù có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU, nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn diến biến phức tạp, cộng thêm những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây cũng đang ảnh hưởng cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và chi phí logistics. Điều này sẽ làm cản đà tăng trưởng của ngành gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới.
Gỗ Việt
- EU dự kiến thiếu gỗ sau khi xung đột giữa Nga và Ucraina
- Mỹ xuất khẩu gỗ cứng tới Ấn Độ tăng mạnh trong năm 2021
- Quý I/2022, nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm 36,2% về lượng
- Hoa Kỳ loại trừ 352 sản phẩm của Trung Quốc khỏi đánh thuế
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hàn Quốc tăng khá
- 11 nhóm sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
- Năm 2022, triển vọng ngành gỗ của Brazil rất tích cực
- Thái Lan quyết định giảm và miễn thuế đối với một số chủng loại gỗ xuất khẩu
- FSC dừng thương mại gỗ và sản phẩm gỗ FSC tại Nga và Belarus
- Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Úc từ Việt Nam còn thấp