Tại sao ngành dăm gỗ của Việt Nam phát triển?
Báo cáo“Tại sao ngành dăm gỗ của Việt Nam phát triển? Mất cân đối vĩ mô giữa vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu” là sản phẩm của Nhóm nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends và VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA và BIFA.
Báo cáo chỉ ra, hiện vẫn có một số quan điểm cho rằng ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ (ngành dăm) là ngành xuất khẩu sản phẩm thô và không đem lại giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, ngành còn sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ nhỏ, từ đó làm hạn chế việc tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn cho ngành chế biến sâu, ngành được hiểu là đem lại giá trị gia tăng cao hơn ngành dăm. Ủng hộ quan điểm này, các cơ chế chính sách hiện nay của Chính phủ đang đi theo hướng hạn chế sự mở rộng của ngành dăm, thông qua cả “củ cà rốt” (khuyến khích trồng rừng gỗ lớn) và “cây gậy” (hạn chế xuất khẩu dăm bằng việc áp dụng thuế xuất khẩu).
Dựa trên dữ liệu thống kê về các diện tích rừng trồng, các doanh nghiệp chế biến sâu và các doanh nghiệp dăm, Báo cáo này chỉ ra rằng hiện đang tồn tại việc mất cân đối mang tính chất hệ thống giữa các vùng nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu. Những vùng có các diện tích rừng trồng lớn nhất cũng chính là vùng có năng lực chế biến sâu hạn chế nhất, và sự hình thành và phát triển của ngành dăm là kết quả tất yếu của việc mất cân đối này. Tại khu vực Miền Trung (bao gồm Bắc Trung Bộ và Duyên Hải) nơi diện tích rừng trồng chiếm 40,8% trong tổng diện tích rừng trồng của cả nước, các cơ sở chế biến sâu chỉ chiếm 23,2% trong tổng số cơ sở chế biến sâu, trong khi các cơ sở chế biến dăm chiếm trên 60,5% tổng cơ sở chế biến dăm cả nước. Xu hướng tương tự ở khu vực Đông Bắc: Diện tích rừng trồng chiếm 36,1%, các cơ sở chế biến sâu chiếm 11,5% và các cơ sở dăm chiếm 27,7%.
Do ngành dăm được hình thành là kết quả của việc mất cân đối giữa vùng rừng trồng và cơ sở chế biến sâu, các nỗ lực nhằm hạn chế sự phát triển của ngành dăm thông qua cả cây gậy và củ cà rốt sẽ không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Chính phủ nên cân nhắc việc bãi bỏ mức thuế xuất khẩu dăm ở mức 2% hiện nay. Việc bãi bỏ này sẽ đem lại lợi ích ngay lập tức và trực tiếp cho 1,1 triệu hộ trồng rừng. Bên cạnh đó, Chính phủ và cộng đồng đoanh nghiệp ngành gỗ, bao gồm cả doanh nghiệp chế biến sâu và dăm cần giải quyết việc mất cân đối hệ thống giữa vùng nguyên liệu và năng lực chế biến sâu đang tồn tại hiện nay.
Giải quyết tồn tại này đòi hỏi cần có những thay đổi đột phá trong cơ chế chính sách từ Trung ương tới địa phương nhằm thu hút đầu tư chế biến sâu vào các địa phương có các diện tích rừng trồng rộng lớn. Cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao các loại hình dịch vụ hỗ trợ chế biến sâu, bao gồm cả dịch vụ công, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Các cơ chế, chính sách cũng cần tạo ưu tiên đa dạng hóa đầu ra sản phẩm sử dụng gỗ nguyên liệu rừng trồng, dựa trên thế mạnh của từng vùng sinh thái, từ đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng. Nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng cho các hộ cũng sẽ góp phần nâng cao lợi ích kinh tế cho nhóm yếu thế này. Trừ khi các giải pháp này được thực hiện một cách triệt để ngành dăm sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển trong tương lai.
Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo tại đây
Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo
Gỗ Việt
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam 7 tháng năm 2020: Thực trang, xu hướng và cảnh báo rủi ro
- Báo cáo: Tác động của Hiệp định EVFTA tới ngành gỗ Việt Nam khi xuất khẩu vào EU
- Báo cáo: Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu 2020 và cảnh báo một số rủi ro
- Rủi ro nguồn cung nhập khẩu gỗ từ Nga và Ukraine
- Gỗ dán Việt Nam: Định vị và giảm thiểu rủi ro
- Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của Đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới của doanh nghiệp
- Báo cáo: Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2019 và xu hướng 2020
- Báo cáo: Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách
- Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam: Cập nhật đến hết 9 tháng 2019
- Báo cáo: “Giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam”