Tấm vé Thông hành “CHUẨN” cho xuất khẩu gỗ tới EU

01/12/2016 11:21
Tấm vé Thông hành “CHUẨN” cho xuất khẩu gỗ tới EU

Những thông tin về việc đàm phán FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU đang đi đến hồi kết đầy thuận lợi, đã khiến cho ngành gỗ Việt Nam trở nên sôi động hơn. Nhưng để tạo ra được một tấm vé thông hành chuẩn cho xuất nhập khẩu gỗ, chúng ta còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

 Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, vì Việt Nam có hàng triệu hộ nông dân trồng rừng, cũng như có đến gần 5000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu, nên để tiến hành khai báo nguồn gốc gỗ chính xác, cả Việt Nam và EU đều phải cân nhắc rất kĩ những yêu cầu và điều kiện để có thể đưa ra thống nhất chung bảo đảm hài hòa lợi ích hai bên. 
THẾ NÀO LÀ GIẤY THÔNG HÀNH CHUẨN
 
Theo bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy chế gỗ của EU quy định: Khai thác gỗ hợp pháp là gỗ được khai thác tuân thủ quy định luật pháp hiện hành của quốc gia khai thác gỗ. Gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT và CITES được coi là gỗ khai thác hợp pháp, không phải làm trách nhiệm giải trình khi vào EU. Giấy phép FLEGT chỉ được cấp bởi các quốc gia đã kết thúc đàm phán  Hiệp định VPa với EU. 
 Trước đó, vào năm 2010 EU đã ban hành Quy chế gỗ (EUTR 995/2010), yêu cầu cấm buôn bán gỗ bất hợp pháp tại EU. Nhà nhập khẩu gỗ và EU phải làm trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ, trách nhiệm về truy xuất nguồn gốc gỗ trong chuỗi cung ứng. Cùng với Luật Lacey của Hoa Kỳ thì quy chế này được đánh giá cao, có tác dụng mạnh mẽ trong hạn chế khai thác gỗ bất hợp pháp. 
 Quy định về hồ sơ hợp pháp và kiểm tra trong lưu thông phụ thuộc vào nguồn gốc gỗ.  Gỗ rừng trồng hộ gia đình và cao su không bắt buộc phải xác nhận bảng kê lâm sản nên không có bằng chứng chứng minh n guồn gốc gỗ hợp pháp. Nhưng vấn đề là Việt Nam chưa có hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia khi đàm phán nên rất khó khăn so với các quốc gia khác. Các tổ chức dân sự xã hội (NGO) hoạt động trong lĩnh vực FLEGT và VPa rất ít, chưa hình thành mạng lưới ở thời điểm đầu đàm phán từ năm 2010.
 Theo ông Trần Quốc Mạnh, Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống này vô cùng phức tạp, và nếu chương trình này được triển khai, sẽ thực sự động chạm đến mọi thành phần từ những tầng lớp các hộ tư nhân, cá thể thậm chí hộ gia đình nghèo cũng động chạm tới. Nên cần làm theo lộ trình cho từng giai đoạn, đi từ điều đơn giản nhất cho DN cập nhật được. Vì đàm phán trong 6 năm, tài liệu rất phức tạp, để không làm ảnh hưởng tới quá trình xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu. Ông Mạnh cho rằng, chỉ cần làm bảng kê của 6 nước nhập khẩu vào và sử dụng 5 nhà cung cấp của Việt Nam để doanh nghiệp có thể tiếp thu, vận dụng được. 
 Giải đáp cho ý kiến này, bà Nguyễn Tường Vân cho hay, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có lộ trình nâng cao năng lực nhận thức cho các doanh nghiệp, có văn phòng hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như đề xuất Tổng cục Lâm nghiệp có bộ phận hỗ trợ, hỏi đáp cho các doanh nghiệp bên cạnh tài liệu, thông tư hướng dẫn rõ ràng thực hiện được. Đó là một quá trình rất dài chứ không phải ngay lập tức thay đổi hệ thông quản trị, xác nhận xác minh của Việt Nam.
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRƯỚC MẮT
 Vấn đề phức tạp nhất hiện nay với cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp là kiểm soát gỗ nhập khẩu. Sơ đồ nhập khẩu đều phải thực hiện 5 thủ tục theo hải quan thông thường. Trong trường hợp gỗ nhập khẩu không có chứng chỉ FLEGT hay CITES thì phải làm bảng kê. Rủi ro thì phải kiểm tra, bổ sung tài liệu để hứng minh nguồn gốc.
 Theo Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương, hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ chủ yếu dựa vào thông tin từ nước xuất khẩu, trong khi tên khoa học của gỗ thì lại không biết, và khi thông quan, hải quan cũng ghi thông tin chung chung, điều này dẫn đến sai tên gỗ, sai tên sản phẩm dẫn đến những rủi ro không thể kiểm soát được hết.
 Bà Nguyễn Tường Vân cho biết, khi đàm phán nhập khẩu, các cơ quản quản lý rất lưu ý và chúng trọng đến các nguồn gỗ đến từ EU, Mỹ, Brazil và các nước có nền quản trị tốt. Bên cạnh đó, việc lấy số liệu hải quan từ 93 quốc gia cũng được coi trọng. Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ cần chú ý đến chứng chỉ FSC, vì chứng chỉ FSC là sự chứng minh tất cả gỗ là hợp pháp. 
GỖ VIỆT số 84
THEO GỖ VIỆT