Tân Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập: Đổi mới nhận thức, hướng tới tương lai

30/11/2019 16:55
Tân Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập: Đổi mới nhận thức, hướng tới tương lai

Gánh vác phần việc của người tiền nhiệm luôn là một trong những công việc khó khăn với một nhà quản lý, đặc biệt trong thời điểm mà ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới, thách thức mới và yêu cầu mới để duy trì được sự phát triển vượt bậc và bền vững. Nhưng ông Đỗ Xuân Lập, tân chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã sẵn sàng để tiếp bước và góp sức để giúp ngành gỗ đạt được những mục tiêu lớn trong thời gian tới.

Thưa ông, ông có thể đưa ra nhận định nào về những thách thức trong công việc điều hành Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam trong thời điểm này, và ông sẽ tiếp thu những kinh nghiệm quản lý nào của ban chấp hành nhiệm kỳ trước?

Ban chấp hành mới đã kế thừa di sản to lớn mà ban chấp hành nhiệm kỳ trước đã để lại. Đó là sự đồng thuận trong các hội địa phương với trung ương, sự đoàn kết giữa các hội viên trong ngành, sự kết nối thông tin xuyên suốt giữa hiệp hội với các doanh nghiệp, giữa hiệp hội với các cơ quan quản lý nhà nước, giữa hiệp hội với các tổ chức và hiệp hội, ngành nghề liên quan tới ngành gỗ trên thế giới. Ban chấp hành mới đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là quyết tâm của chính phủ đưa ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025. Đó là mong muốn của toàn ngành gỗ và đặt nhiều kỳ vọng về sự đổi mới hoạt động của Hiệp hội để tạo ra sự đồng thuận, sự tươi mới trong nhận thức, sự đổi mới vượt bậc trong các doanh nghiệp hội viên, sự linh hoạt trong cách điều hành để đạt được mục tiêu cao nhất. 

Theo ông, làm thế nào để Hiệp hội nâng cao vai trò và trách nhiệm làm đầu mối thông tin, là nơi kết nối doanh nghiệp với thị trường thế giới, và giúp doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước tìm được tiếng nói chung trong quá trình phát triển mới?

Theo tôi, Hiệp hội cần thay đổi nội dung truyền thông, chúng ta cần có nắm chắc những thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, những thay đổi của chính sách, hay pháp luật, hiểu rõ những nội dung mà các cam kết thương mại chính phủ Việt Nam đã kí với các nước trong suốt thời gian qua để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những chính sách một cách nhanh nhất. Hiệp hội cần nắm rõ được bức tranh tổng thể của ngành gỗ trong nước, những diễn biến và xu hướng phát triển mới của ngành gỗ thế giới, để thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp trong ngành gỗ, cũng như trở thành nơi tham mưu các chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội cũng cần đi sâu vào những vấn đề của ngành gỗ, phản phản ánh trung thực về thực trạng ngành gỗ trong nước và quốc tế, cũng như đưa ra những kiến nghị với Chính phủ về các chính sách để phát triển ngành gỗ. Mục tiêu là có được bức tranh tổng quát về mọi thành phần trong ngành. Chính phủ có nhận thức chung, điều chỉnh để đưa ra hành động, xu hướng phù hợp và thực tế. Bên cạnh đó, theo tôi, chúng ta cần xây dựng sự đoàn kết giữa các hội viên, xây dựng chuỗi liên kết giữa các hội viên, giữa các hiệp hội với nhau để tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất.

Ông Đỗ Xuân Lập Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sảnViệt Nam

Đây là thời điểm mà không chỉ hiệp hội, mà các doanh nghiệp và cả ngành gỗ nói chung cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp quản lý, tiếp cận với thông tin và thị trường để đạt được những thành công mới, theo ông, sự thay đổi đó phải bắt đầu từ những khía cạnh cơ bản nào?

Tôi cho rằng, đây là thời điểm mà không chỉ hiệp hội mà cả cộng đồng doanh nghiệp gỗ cần phải thay đổi mạnh mẽ. Khởi đầu từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để cải tiến nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp. Cần phải nâng cao năng lực quản trị trong sản xuất của doanh nghiệp. Quản trị là khâu đột phá. Trong thực tế ta không thể chỉ có khát vọng là có năng lực quản trị trong sản xuất ngay mà phải có giải pháp tổng thể. Ngoài đào tạo nâng cao năng lực quản trị của đội ngũ nhân sự thì cần phải dựa trên thực tế dòng hàng đang sản xuất, thực trạng hạ tầng trang thiết bị, nhà xưởng để có giải pháp hợp lý trong chuỗi hành trình sản xuất. Lấy giải pháp công nghệ kỹ thuật sản xuất để hỗ trợ công tác quản trị, đây là điều cốt lõi, lấy kỹ thuật để quản trị sản xuất. Để giải pháp công nghệ kỹ thuật thúc đẩy chuỗi sản xuất, đó là yếu tố đắc lực trong quản trị, thì bắt buộc chúng ta phải có đầy đủ dự liệu trên từng công đoạn sản xuất và áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật thông tin vào chuỗi quản trị sản xuất. Như vậy, chúng ta không phải quá lo lắng là phải có đội ngũ nhân sự tuyệt hảo thì mới cải thiện được năng lực quản trị doanh nghiệp. Vì cái gốc là ta phải đi từ thực tế, sản xuất mặt hàng gì, áp dụng dây chuyền công nghệ kỹ thuật gì là hợp lý và mang lại hiệu quả. Chúng ta cần đặt ra những câu hỏi chính xác cho các doanh nghiệp, cho việc thực thi các chính sách quản lý nhà nước, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà chính phủ đã kí kết với các nước trên thế giới.

Mới đây, thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành gỗ đạt giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2025 và Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu cũng như trở thành trung tâm của ngành gỗ thế giới, theo ông, chúng ta sẽ làm thế nào để biến những mục tiêu này thành hiện thực trong tương lai? 

Chính sách của Chính phủ cần đi sâu vào giải quyết hoặc thúc đẩy các  mục tiêu sau. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, phải giải bài toán tổng quát, trong đó, những vấn đề về nguồn nguyên liệu gỗ để đáp ứng mục tiêu này cần phải được đảm bảo tối đa, trong đó, có nguồn nguyên liệu từ rừng trồng, xây dựng một số trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú, dồi dào ở các vùng sản xuất. Ngoài ra là công tác truyền thông, quảng bá ngành gỗ, hình ảnh gỗ, xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam ra với thị trường thế giới, tuyên truyền các chính sách quản lý nhà nước, giúp các doanh nghiệp nắm chắc các nguyên tắc giao thương phù hợp với các hiệp định thương mại đã kí kết thời gian qua. Bảo đảm ngành gỗ sử dụng nguyên liệu hợp pháp, có các chứng chỉ rõ ràng và được công nhận trên thế giới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI nhưng thận trọng với các nguồn vốn có thể gây ảnh hưởng tới hình ảnh gỗ Việt Nam, hoặc đội lốt xuất xứ Việt Nam. Chúng ta cần có các giải pháp về công nghệ kỹ thuật trong chế biến, xuất khẩu hiện đại nhất, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp hiện tại. Theo tôi, chúng ta cũng cần hướng đến việc kết hợp với các ngành vật liệu công nghiệp phát triển sản phẩm phục vụ cho sản xuất bàn ghế có xu hướng xanh. Tạo ra tinh thần khát vọng, quyết tâm của các doanh nghiệp Việt Nam, đổi mới công nghệ nâng cao năng lực quản trị, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tạo ra sự bứt phá trong sản xuất kinh doanh của toàn ngành gỗ. 

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, chúc ông sức khỏe và thành công!

NHẬT MINH - GV 117