Tăng sức "đề kháng" cho doanh nghiệp
5 tháng đầu năm, 97.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tức là mỗi tháng có 19.500 doanh nghiệp đóng cửa. Số này chỉ thấp hơn một chút so với 19.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng từ đầu năm.
Đó là những con số thống kê từ Bộ kế hoạch và đầu tư, khiến tất cả chúng ta phải giật mình và suy nghĩ nghiêm túc. Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá hiện doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, không đủ sức để lớn và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của FDI.
"Không đủ sức để lớn" là một kết luận đầy day dứt của Bộ trưởng bởi Chính phủ liên tục có những chính sách lớn như giảm thuế, hoàn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, các chuyên gia, tham mưu với Chính phủ, đánh giá "sức khỏe" doanh nghiệp kĩ lưỡng, để có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn.
"Quan trọng phải có bàn tay vô hình của Nhà nước để doanh nghiệp lớn lên", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các chính sách phải thiết thực, đi vào cuộc sống hơn nữa. Chẳng hạn, Nhà nước nên hỗ trợ những người từng tham gia vào quy trình sản xuất, nắm công nghệ tại các doanh nghiệp FDI lập nghiệp. "Đó sẽ là những người có được công nghệ, quan hệ, tham gia chuỗi hỗ trợ nhanh nhất", ông nói.
Một số giải pháp dễ dàng được nhìn thấy nhưng hầu hết chưa thực hiện hiệu quả, chẳng hạn như các doanh nghiệp gỗ Việt Nam muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, đặc biệt, từ nguồn vốn FDI, tuy nhiên, rất khó tiếp cận công nghệ lõi đang nằm trong tay tập đoàn lớn, hay chuỗi cung ứng đã có quan hệ sẵn với nhau. Trong khi ở vòng ngoài cũng không dễ cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các giải pháp để kết nối, mua hoặc hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài nắm bí quyết, công nghệ, bằng sáng chế để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, nếu không sẽ không thể đầu tư sản phẩm, tham gia chuỗi sản xuất cũng được đặt ra, nhưng chưa có hướng đột phá cụ thể.
Trong 4 năm trở lại đây, tính từ thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, sau đó là ảnh hưởng của suy giảm kinh tế và các xung đột địa chính trị, cước vận tải hàng hải và chi phí đầu vào tăng, đơn hàng ít đi, dẫn đến lợi nhuận giảm, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đã phải giảm nhân công, giảm sản xuất, để cố gắng cầm cự và nhiều doanh nghiệp đã không đủ sức để chống đỡ với khó khăn.
"Sức khỏe" của doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã chịu nhiều tác động xấu trong thời gian qua, và giảm dần "sức đề kháng" trước khó khăn, dẫn đến thời cơ tăng trưởng và lớn mạnh bị chững lại trong khoảng thời gian khá lâu.
Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu, sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài.
Vì vậy, để doanh nghiệp ngành gỗ trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam, đủ sức để lớn trong thời gian tới, cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách, thuế, tiếp thị thị trường, chuyển đổi số, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cẩm Lê (Gỗ Việt - Số 167)
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng tích cực
- Điểm tên 2 sản phẩm chủ lực kéo tăng trưởng xuất khẩu gỗ Bình Định
- Chi phí cải tạo nhà bếp của Anh tăng: Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam tăng
- Tại sao giá nội thất của IKEA giảm vào năm 2024?
- Doanh nghiệp ván ép đối mặt thuế chống bán phá giá từ Hàn Quốc
- Xuất khẩu gỗ nhiều điểm sáng tại thị trường Mỹ
- Xuất khẩu gỗ năm 2024: Thích nghi thị trường để đạt mục tiêu 15 tỷ USD
- Chỉ số Gỗ Toàn cầu (GTI) giảm trong tháng 1/2024
- Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn tăng trưởng tại nhiều thị trường
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu