Thách thức nào cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ 6 tháng cuối năm 2024?
Dù đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ được nhận định đang đối diện với 4 thách thức rất lớn.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản đã thu về gần 8 tỷ USD
Nửa đầu năm 2024, ngành chế biến gỗ và lâm sản là một trong những điểm sáng trong xuất khẩu, với mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,994 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: Sản phẩm gỗ 5,066 tỷ USD, tăng 22,6%; Gỗ 2,410 tỷ USD, tăng 25,3%; Lâm sản ngoài gỗ đạt 518 triệu USD, tăng 4,9 %.
Đáng chú ý, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 của một số sản phẩm, thị trường chính đã tăng trở lại như: Dăm gỗ đạt 1,36 tỷ USD, tăng 37,71% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp theo sản phẩm gỗ xây dựng đạt 267 triệu USD, tăng 31,49% và đồ gỗ nội thất đạt 3,78 tỷ USD tăng 23,12%.
Về thị trường, Hoa Kỳ đạt 3,27 tỷ USD, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2023, Trung Quốc đạt 716 triệu USD, tăng 46,5%, EU đạt 281 triệu USD, tăng 29,6%.
Mặc dù xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được kết quả khá cao nhưng để đạt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong 6 tháng cuối năm 2024, ngành chế biến gỗ và lâm sản gặp không ít các khó khăn.
Thứ nhất, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, yếu tố rủi ro, bất định gia tăng; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ. Cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; GDP toàn cầu năm 2024 chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo kinh tế thế giới tăng 2,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023. Điều này, có thể khiến nhu cầu gỗ và sản phẩm gỗ các tháng cuối năm 2024 không được như những tháng đầu năm.
Thứ hai, các thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tiếp tục đối diện với các khó khăn về kinh tế và bảo hộ sản phẩm hàng hoá, cụ thể:
Tại thị trường Hoa Kỳ, chính phủ nước này đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng cách gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại thông qua các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Tại EU, thị trường này đã ban hành quy định về không gây mất rừng (EUDR) để thay thế cho Quy chế Gỗ của EU (EUTR), trong đó, ngoài yêu cầu về tính hợp pháp còn bổ sung thêm quy định về không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Quy định này sẽ thực thi từ ngày 30 tháng 12 năm 2024, đây là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU trong việc chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của EUDR, đặc biệt là yêu cầu về chỉ dẫn địa lý trong khi EU chưa có hướng dẫn cụ thể, đồng thời một số nhà nhập khẩu EU đã yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu của ta phải tuân thủ EUDR.
Với thị trường Hàn Quốc, dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế tăng trưởng kinh tế hạ xuống 2,2%, giảm 0,2 điểm phần trăm, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào trì trệ sẽ ảnh hưởng mạnh tới giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn hai sản phẩm gỗ dán và viên nén của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu viên nén gỗ sang thị trường này giảm xuống 98 USD/tấn, đay là mức giá thấp nhất trong vài năm gần đây. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu sản phẩm gỗ dán của Việt Nam nhưng hiện nay Hàn Quốc đã thực hiện rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với gỗ dán có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và ngày 27/5/2024, đưa ra kết luận điều tra và quyết định tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá gián (CBPG) cụ thể như sau: Các công ty sản xuất, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sẽ bị tiếp tục bị áp dụng thuế chống bán phá giá trong 5 năm tiếp theo, ở mức từ 9,78% tới 32,28%.
Còn tại thị trường Trung Quốc, đây là nước cung cấp mặt hàng gỗ lạng/bóc mỏng (veneer) và gỗ dán hàng đầu cho Việt Nam, hiện nước này có sự thay đổi về chính sách quản lý, ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp Việt đang sử dụng các mặt hàng này, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ ở các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đang yếu.
Thứ ba, giá cước vận tải tăng khiến giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng, có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước. Điều này ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm đầu ra, trong khi nhà nhập khẩu nước ngoài yêu cầu giảm giá thành sản phẩm.
Thứ tư, việc hoàn thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán và các sản phẩm gỗ khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do các thủ tục xác minh tới tận chủ rừng vẫn được ngành thuế áp dụng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp ngành gỗ để về đích
Từ những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản ở trên là không nhỏ, để ngành có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu theo kế hoạch năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp.
Theo đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, thu hút, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản thông qua việc tổ chức hiệu quả Hội chợ Hội chợ Máy và Nguyên liệu Gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM năm 2024 vào tháng 8/2024.
Tiếp tục tổ chức hiệu quả hội nghị giao ban Quý III năm 2024 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản nhằm đánh giá và tìm ra các giải pháp trong tâm đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và lâm sản trong các tháng cuối năm 2024.
Tiếp tục phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin và có những giải pháp hiệu quả để ứng phó với các vụ kiện thương mại.
Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 470/CĐ-TTg, ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm các khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.
Để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản theo quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về ban hành một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Đồng thời, triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu theo Hướng dẫn tại Quyết định số 2260/QĐ/BNN-LN ngày 9/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Tài liệu Hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Sau đó đánh giá nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là EUDR. Xây dựng và triển khai kế hoạch thích ứng với EUDR.
PGS.TS. Trần Quang Bảo (Gỗ Việt - Số 168)
- Hoa Kỳ huỷ bỏ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với tủ gỗ từ Việt Nam
- Xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững
- Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD
- Quy định mới của DOC về phòng vệ thương mại: Tác động dự kiến đến doanh nghiệp Việt Nam ra sao?
- Để bức tranh xuất khẩu sáng hơn
- Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp: Động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp
- Chung tay vì ngành công nghiệp gỗ vững mạnh
- DOC tiếp tục gia hạn kết luận chống lẩn tránh thuế phòng vệ tủ gỗ Việt Nam
- Hoa Kỳ khởi xướng rà soát hành chính gỗ dán cứng giai đoạn 1/1/2023 đến 31/12/2023
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu