Xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững
5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, thị trường phục hồi nhưng chưa vững chắc.
Dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10 - 12%
Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6/2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 3,9% so với tháng trước và duy trì mức tăng trưởng trong bốn tháng liên tiếp, do nhu cầu về lượng đặt hàng mới gia tăng.
Các ngành trọng điểm ghi nhận hoạt động sản xuất tăng trưởng mạnh trong tháng bao gồm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa (tăng 24,1% so với cùng kỳ), sản xuất thiết bị điện (+19,4% so với cùng kỳ), sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (+18,8% so với cùng kỳ).
Tính chung 5 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì ổn định ở mức 50,3 trong tháng 5, cho thấy sự cải thiện đều đặn trong điều kiện kinh doanh của ngành công nghiệp. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng như đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng này, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có phần chậm hơn so với tháng trước. Điều này đã thúc đẩy lượng sản lượng được sản xuất tăng ở mức nhanh nhất kể từ tháng 9/2022.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 5/2024 đang cho thấy sự hồi phục khi ước đạt 33,8 tỉ USD, tăng 5,7% so với tháng trước (+15,8% so với cùng kỳ). Trong tháng 5, Việt Nam ghi nhận nhập siêu 1 tỉ USD, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Thâm hụt này chủ yếu do mức tăng của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn lớn hơn mức tăng của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa do sự gia tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc và nguyên vật liệu, xu thế xuất siêu có dấu hiệu chậm lại. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động để đáp ứng đơn hàng từ các thị trường mới được thành lập thông qua các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế.
Lũy kế 5 tháng xuất khẩu ước đạt 156,7 tỉ USD (+15,2%). Xuất khẩu vẫn ghi nhận những tăng trưởng ấn tượng bởi các mặt hàng như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (+61,1%), cà phê (+43,9%), sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (+34,2%).
Các chuyên gia của MBS dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 10 - 12% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 21 - 24 tỷ USD. Lý do được đưa ra, thứ nhất, theo báo cáo tháng 4 của WTO, thương mại toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024 khi áp lực lạm phát dự kiến sẽ giảm trong năm nay, cho phép thu nhập thực tế tăng trở lại - đặc biệt là ở các nền kinh tế tiên tiến - do đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất.
Thứ hai, những tín hiệu tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng với hoạt động thương mại, đi kèm theo đó là các cải cách về chính sách thương mại và hải quan đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
Vẫn còn nhiều yếu tố chưa bền vững
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức đáng chú ý đối với tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam năm 2024 bao gồm: Gián đoạn kéo dài và chi phí vận tải tăng đột biến bởi các xung đột địa chính trị leo thang; gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu đổi thủ như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan,...
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.
Các doanh nghiệp phía Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD. Vì vậy các hãng tàu hiện gần như đã ưu tiên phần lớn cho phía Trung Quốc, rút bớt chuyến với các nước trong đó có Việt Nam, dẫn đến thực trạng tăng giá khủng như hiện nay.
Nhiều chuyên gia đầu ngành nhận định, việc Hoa Kỳ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc từ tháng 8/2024 khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn. Do đó nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn với các hãng tàu để đảm bảo được chỗ trên các tàu đi Hoa Kỳ và châu Âu.
Bên cạnh đó, sự hồi phục kinh tế của các nước đối tác của Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự kiến ban đầu do Fed duy trì mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử.
5 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với mức kinh ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 44 tỉ USD (+2%), xuất khẩu sang EU ước đạt 20,7 tỉ USD (+16,1%); xuất khẩu sang Nhật Bản 9,4 tỉ USD (+4,7%). Chuyên gia Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương – nhận định, cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ luôn lớn. Tuy vậy, có một số xu thế thay đổi đặt ra với hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Đó là sự xanh hóa, số hóa và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư, thương mại.
Thị trường này sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và ưu tiên thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam như một trung tâm sản xuất xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn. Tuy vậy, điều cần hết sức lưu ý là việc trừng phạt áp thuế phòng vệ thương mại từ thị trường này nếu họ thấy có gì đó nghi ngờ. Doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng việc lưu trữ hồ sơ hàng hóa, xuất xứ, dữ liệu… để nếu có vấn đề gì, vẫn có thể trao đổi và cung cấp khi cần…
Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương. Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.
Cẩm Lê (Gỗ Việt - Số 167)
- Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD
- Quy định mới của DOC về phòng vệ thương mại: Tác động dự kiến đến doanh nghiệp Việt Nam ra sao?
- Để bức tranh xuất khẩu sáng hơn
- Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp
- Sửa đổi, bổ sung pháp luật về lâm nghiệp: Động lực để phát triển kinh tế lâm nghiệp
- Chung tay vì ngành công nghiệp gỗ vững mạnh
- DOC tiếp tục gia hạn kết luận chống lẩn tránh thuế phòng vệ tủ gỗ Việt Nam
- Hoa Kỳ khởi xướng rà soát hành chính gỗ dán cứng giai đoạn 1/1/2023 đến 31/12/2023
- Rừng và đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới vì một thế giới tốt đẹp hơn
- Ngành gỗ liên tục đổi mới để chiếm lĩnh thị trường ngách
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu