Tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT
Ngày 3/1, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có Công văn 107/HHG-VP gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Tài Chính đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.
Gỗ rừng trồng trong nước hiện đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn cung này là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành gỗ, góp phần đem lại nguồn thu trên 14 tỷ USD mỗi năm thông qua các mặt hàng gỗ xuất khẩu của ngành. Nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 1 triệu hộ gia đình tham gia khâu trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn.
Tuy nhiên từ đầu 2022 đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như: doanh nghiệp dăm, ván bóc/ván ép, viên nén đang đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40-50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiệm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn. Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp 40-50 tỷ đồng.
Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5 năm 2022. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1 năm 2022. Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành. Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Chế biến gỗ rừng trồng. Ảnh Gỗ Việt
Lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại các văn bản: Công văn số 429/TCT-TTKT ngày 22/ 02/ 2021, Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22/ 5/ 2020, Công văn số 2928/TCT-TTKT ngày 22/7/ 2020 và Công văn số 4569/TCT-TTKT ngày 27 /10/ 2020, cụ thể như:
Coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế; Yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan Công an, Hải quan, Chính quyền địa phương… trong việc xác minh nguồn gốc gỗ; Việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp như hiện nay không những làm ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo ra tâm lý lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp;
Bên cạnh đó, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu hiện đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể: Điều 20 của Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 16/11/2018 về hồ sơ nguồn gốc lâm sản quy định các doanh nghiệp tham gia mua bán, vận chuyển gỗ rừng trồng trong nước cần có“Bảng chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản bán”. Tuy nhiên, do coi các mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng là các mặt hàng rủi ro về thuế theo các văn bản của Tổng cục Thuế quy định (thông qua các công văn đề cập ở trên), dẫn tới chi cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa bàn của Chủ rừng đi xác minh“1. Diện tích rừng trồng là bao nhiêu, có hợp pháp không, có tranh chấp không; 2. Người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực không; 3. Có đủ năng lực cung cấp hàng không; 4. Gỗ có đủ tuổi để khai thác không?”.
Ngoài ra khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu. Cụ thể, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc Ủy ban nhân xã xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.
Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản. Bên cạnh đó thực tế chuỗi cung gỗ rừng trồng hiện nay cho thấy hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu ván bóc/ván ép, doanh nghiệp dăm và viên nén phải thu mua gỗ nguyên liệu đầu vào từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm hàng chục nghìn hộ tư thương, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ… và từ nhiều địa phương khác nhau chứ không phải chỉ trong phạm vi của một tỉnh nào đó. Việc xác minh nguồn gốc gỗ theo các quy định của Tổng cục Thuế mất rất nhiều thời gian. Trong nhiều trường hợp với chuỗi cung có nhiều khâu trung gian, việc xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện. Các quy định không sát với thực trạng của chuỗi cung hiện tại có thể tạo ra rủi ro cho cả chuỗi cung khi một số doanh nghiệp bắt buộc phải tìm cách hợp pháp hóa nguồn gỗ nguyên liệu của mình thông qua việc lách luật.
Nằm ở khâu cuối cùng của chuỗi cung, các doanh nghiệp xuất khẩu có sử dụng gỗ rừng trồng hiện đang phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, bao gồm cả việc chịu trách nhiệm thay cho một số doanh nghiệp không tuân thủ với các quy định pháp luật hiện hành tham gia các khâu trung gian của chuỗi. Mặc dù một số doanh nghiệp xuất khẩu có đầy đủ hồ sơ giấy tờ theo quy định của pháp luật đối với nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào của mình, việc nghi ngờ các bên tham gia các khâu trung gian trong chuỗi trong việc lẩn tránh thuế dẫn tới việc các cơ quan quản lý thuế không thực hiện việc hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Ách tắc trong khâu xuất khẩu có thể dẫn đến hệ lụy là ách tắc trong toàn bộ chuỗi cung và điều này sẽ tác động tiêu cực tới toàn bộ các bên tham gia chuỗi.
Để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT hiện nay, nhằm tránh nguy cơ đóng cửa đối với hàng trăm doanh nghiệp, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị cần có sự thống nhất giữ 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế; Đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nhất giải quyết việc hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định nhưng hiện tại chưa được giải quyết.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam báo cáo và kính đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chỉ đạo xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp hiện đang bị ách tắc về thuế tránh được nguy cơ phá sản và còn góp phần duy trì, thúc đẩy việc mở rộng các diện tích rừng trồng, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng triệu hộ dân nghèo trong tương lai.
Gỗ Việt
- Malaysia đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 28 tỷ RM vào năm 2025
- Xuất khẩu đồ gỗ gặp khó, doanh nghiệp xoay chuyển thị trường
- Nửa đầu năm 2022, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc giảm 17,5%
- Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Indonesia tăng 10,8%
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm
- Vì sao ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại?
- Hoa Kỳ mua đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Việt Nam
- Ngành gỗ đối diện thách thức lớn
- Nội thất Việt phổ biến tại chuỗi siêu thị, xuất khẩu gỗ sang Canada mang về gần 134 triệu USD trong nửa đầu năm
- Doanh nghiệp Nga lạc quan về xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Á và châu Mỹ Latinh