Thực thi EUDR: Doanh nghiệp vừa đi vừa dò đường
Ngày 30/12/2024, EUDR sẽ chính thức đi vào thực thi. Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ sở dữ liệu vẫn đang trong quá trình xây dựng, khiến doanh nghiệp ngành gỗ trong trạng thái vừa đi vừa dò đường.
Còn nhiều khúc mắc
Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 30/12/2024.
EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào thị trường châu Âu (EU) và xuất khẩu từ EU không có nguồn gốc từ đất do phá rừng hoặc góp phần vào suy thoái rừng tính từ thời điểm 30/12/2020. Theo quy định này, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn.
Dù thời điểm áp dụng đã cận kề, tuy nhiên, vẫn còn nhiều những băn khoăn được đặt ra. Ông Đỗ Văn Chung - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - đặt vấn đề, khu vực Tây Nguyên có rất nhiều dân tộc thiểu số, trong quá trình di cư, di dân, có nhiều diện tích đất rừng mà người dân canh tác chưa được cấp sổ đỏ. Nếu thực hiện EUDR và yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đồng nghĩa cây trồng trên đất canh tác phải được cấp sổ đỏ, việc này sẽ ảnh hưởng đến một phần nào đó sinh kế của người dân tộc thiểu số rất lớn do ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu và giá cả sau này. Nếu thực hiện EUDR, vấn đề đặt ra là phía EU cũng như Việt Nam có giải pháp hỗ trợ nào cho khối người dân khu vực dân tộc thiểu số này khi họ khai thác tại các vùng đất chưa có chứng nhận sổ đỏ hay không?
Mặt khác, diện tích rừng canh tác tính từ thời điểm nào thì được cấp sổ đỏ? Hoặc diện tích canh tác lâu năm, hiện có nhiều tổ chức phát triển cà phê bền vững, khi họ trồng hệ thống cây trồng xen, đặc biệt là cây rừng, thì ở mật độ bao nhiêu phần trăm cây rừng che bóng cho vườn cà phê hoặc các cây trồng khác, liệu EU có chấp nhận cho họ xuất nguồn hàng hay không? Ông Đỗ Văn Chung đặt vấn đề và cho rằng cần có giải pháp để tạo sinh kế cho những người đang canh tác trên mảnh đất đó? Làm thế nào để các nông hộ, hộ tiểu điền không bị đánh bật khỏi chuỗi cung?
Trong khi đó, theo đại diện doanh nghiệp ngành gỗ, nhiều quy định mới bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) về chống mất rừng, thúc đẩy phát triển sản xuất và bền vững đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng gỗ xuất khẩu.
Theo đó, đối với việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu, EU yêu cầu về vị trí địa lý. Gỗ nguyên liệu phải có định vị khu vực khai thác và EU sẽ thẩm định vùng khai thác gỗ nguyên liệu đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) chưa, hay đó là vùng vi phạm phá rừng, làm suy thoái rừng. Trường hợp gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích dưới 4 ha, các cá nhân, tổ chức, và doanh nghiệp không thuộc nhóm có quy mô vừa và nhỏ có thể chọn cung cấp thông tin tọa độ của các điểm định hình (đa giác) hoặc vĩ độ và kinh độ viết dưới dạng 6 chữ số thập phân của một điểm duy nhất diễn đạt vị trí địa lý của thửa đất; còn với diện tích trên 4 ha cần phải xác định tọa độ của các điểm định hình (đa giác). Việc thẩm định sẽ diễn ra trước khi doanh nghiệp đặt hàng hoặc trước khi hàng xuất đi và doanh nghiệp phải gửi các thông tin liên quan sau thẩm định cho các cơ quan có thẩm quyền của EU…
Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh (FPA Bình Ðịnh) - đánh giá, quy định EUDR của EU là rào cản và thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Đến nay, khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện cũng mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, nên các doanh nghiệp ngành gỗ của tỉnh rất lúng túng khi thực hiện quy định này.
Hiện nhiều đối tác ở châu Âu đã yêu cầu, nếu tiếp tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trong năm nay thì phải cung cấp hồ sơ sản phẩm, trong đó có bản đồ chuỗi cung ứng sản phẩm; định vị địa lý dưới dạng bản đồ đa giác hoặc tọa độ định vị GPS của vị trí khai thác gỗ; nguồn gốc gỗ; bằng chứng cho thấy các địa điểm gỗ khai thác không thuộc diện bị phá rừng và suy thoái rừng sau ngày 30/12/2020. Đây là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, vì phần lớn diện tích gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh chưa được cấp chứng chỉ FSC, nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp đưa ra đó là, về đánh giá xếp hạng Quốc gia dựa trên 3 nhóm: Nhóm liên quan đến rừng (cấp độ mất rừng, suy thoái rừng); Nhóm liên quan đến gia tăng diện tích canh tác; nhóm liên quan đến sự gia tăng sản lượng lâm sản. Trên 3 nhóm này có đưa ra các tiêu chí, tuy nhiên, các tiêu chí, các chỉ số đánh giá cụ thể, các phương pháp đánh giá quốc gia rủi ro hiện nay EU chưa quy định.
Theo chia sẻ từ phía cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm, các công cụ kỹ thuật mới dần hoàn thành trong khi thời hạn áp dụng vào từ ngày 30/12/2024 liệu có phù hợp. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ cũng mong muốn nhận được những văn bản xác nhận những nội dung thời gian hoàn thành các công cụ của EU để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc kích hoạt thương mại.
Không để doanh nghiệp dò dẫm
Mặc dù, tiến trình thích ứng với EUDR tại Việt Nam được đánh giá có những thuận lợi. Theo đó, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến về bảo vệ và phát triển rừng. Đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014. Doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ Quy chế gỗ 995/2010 của EU, đã thực thi VPA/FLEGT, thực thi Thỏa thuận Gỗ với Hoa Kỳ. Ngay từ khi EC ban hành EUDR, Cục lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai nhiều hoạt động xác định rừng định nghĩa theo FAO từ đó, hoàn thiện bản đồ rừng vệ tinh tại Việt Nam.
Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng với EUDR. Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp vẫn còn thiếu, không đồng nhất, chưa có bản đồ ranh giới rừng 2020 đáp ứng yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, chuỗi cung các ngành hàng nông sản tại Việt Nam thường dài, phức tạp, nhỏ lẻ, việc tuân thủ truy xuất hạn chế. EU chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và chỉ số giám sát thực hiện EUDR.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - ngay từ khi phía EC ban bố EUDR, Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện lộ trình thích ứng với EUDR. Vào tháng 3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp tham vấn các đơn vị thuộc Bộ, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nông sản để lên ý tưởng về các giải pháp. Đến tháng 4/2023 đã tổ chức cuộc Đối thoại đầu tiên với phái đoàn EU.
Trong các tháng 5 - 6/2023, tổ chức 3 hội nghị về hành động và giải pháp thích ứng với EUDR. Đến tháng 7/2023, Việt Nam đã ban hành Khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, sau đó Bộ trưởng gửi thư cho Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị phối hợp triển khai khung Kế hoạch hành động này. “Bản 80 câu hỏi giải đáp thắc mắc về việc thực thi EUDR được phía EU giải đáp, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ đến các đơn vị liên quan, đồng thời, tiếp tục cập nhật 40 câu hỏi tiếp theo”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ.
Dù vậy, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, trong câu chuyện về EUDR, có 2 vấn đề gồm: Thông tin khai báo đầy đủ; các quy định về pháp lý. Do đó, đề nghị các đơn vị tham gia chứng nhận, xác nhận và các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU nghiên cứu đề xuất về các lỗ hổng trong pháp luật Việt Nam (Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Trồng trọt,….) để từ đó đưa ra những kiến nghị điều chỉnh Luật hay Nghị định.
Thích ứng với EUDR có khó không và khó đến mức độ nào? Có lẽ còn quá sớm để đi đến câu trả lời khi mà EC vẫn chưa ban hành các hướng dẫn cũng như hoàn thành danh mục phân loại quốc gia sản xuất theo nguy cơ rủi ro (trong thời gian này, nguy cơ tiêu chuẩn được áp dụng chung). Các chuyên gia cho rằng, nếu nhà nước đẩy mạnh vai trò của mình trong việc hỗ trợ người dân thực hiện EUDR, biết đâu đây là cơ hội không chỉ để canh tác nông lâm nghiệp bền vững hơn mà còn tăng sản lượng xuất khẩu vào EU?
Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Lâm nghiệp là nền tảng để các ngành đáp ứng yêu cầu EUDR, bởi là nơi cung cấp cơ sở dữ liệu về ranh giới rừng để phục vụ các ngành hàng truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầu vào để EU phân loại quốc gia theo rủi ro thông qua công tác bảo vệ, phát triển, quản lý rừng bền vững.
Vũ Huy (Gỗ Việt - Số 168)
- Tăng trưởng xuất khẩu gỗ: Thiếu yếu tố bền vững
- Tự cường trên chuỗi cung ứng
- Hội đồng quản trị quốc tế FSC cho phép ban hành "FSC phù hợp với EUDR"
- Khởi động sáng kiến Hộ chiếu Vườn quốc gia
- Làng nghề gỗ xoay chuyển tìm hướng đi mới
- Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
- Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương lĩnh vực lâm nghiệp
- PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi (VIFORA): Cởi nút thắt cho chiến lược phát triển lâm nghiệp
- Chỉnh thước ngắm vào thị trường Mỹ
- Các nhà xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia lo ngại về các quy định cấm phá rừng của EU