Làng nghề gỗ xoay chuyển tìm hướng đi mới
Suy thoái kinh tế cộng với sự thay đổi từ thị trường khiến nhu cầu gỗ giảm mạnh. Thích ứng và tìm hướng đi dù không dễ nhưng đây là cách duy nhất để doanh nghiệp và làng nghề tồn tại.
Loay hoay đầu vào
Là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu gỗ cung cấp các dòng sản phẩm như lim, sến, đinh hương,… và nhiều chủng loại khác cho các doanh nghiệp, làng nghề với lịch sử hình thành hơn 20 năm, tuy nhiên, Công ty TNHH gỗ Đại Lợi cũng không nằm ngoài làn sóng tác động của sự suy thoái kinh tế, tụt giảm về nhu cầu từ cả thị trường trong nước và thế giới. “Nguồn nhập khẩu chính từ Gabon, Cameroon và một số nước châu Phi khác, mặc dù nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ khu vực rủi ro, nhưng các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp cam kết có xuất xứ đầy đủ”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Thị trường đầu ra chủ yếu là các làng nghề tại Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh,… Từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid và các vấn đề suy thoái kinh tế đã tác động rất mạnh đến nhu cầu sử dụng gỗ. Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, thị trường bất động sản bị đình trệ, trong khi ngành gỗ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ thế, xung đột chính trị trên thế giới khiến vận chuyển hàng hóa lâu hơn, thời gian vận chuyển kéo dài trên 45 ngày, điều này khiến chi phí giá thành sản phẩm tăng lên.
Trong bối cảnh thị trường tương lai, đại diện doanh nghiệp Đại Lợi nhận định, thị trường gỗ sẽ trầm lắng dần do suy thoái kinh tế và xu thế của các vật liệu mới, giới trẻ cũng không chuộng đồ gỗ như trước. Nếu như trước đây, các khách hàng làng nghề đến tận bãi gỗ của doanh nghiệp để xem hàng thì nay doanh nghiệp có một đội ngũ nhân viên marketing đi tư vấn trực tiếp đến tận các làng nghề, cũng như nắm bắt nhu cầu để có thể nhập khẩu đúng loại gỗ mà thị trường đang cần.
Song song với đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng online. “Chúng tôi mong muốn việc trao đổi, chia sẻ giữa các doanh nghiệp đầu sản xuất với các doanh nghiệp đầu nhập khẩu để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Với gần 20 năm hoạt động, TAVICO được biết đến là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu dòng gỗ Tây về phục vụ thị trường trong nước. Được đánh giá là thức thời, bởi doanh nghiệp xác định các đơn vị, cơ sở sản xuất đồ gỗ đang thay thế dần gỗ căm xe, xoan đào, gỗ hương… nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Myanmar… chuyển sang sử dụng gỗ tần bì, gỗ sồi đỏ, sồi trắng nhập khẩu từ Mỹ và EU.
Với việc nhập khẩu khối lượng gỗ lớn, giữ ưu thế trong việc thương lượng với tất cả các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ tại các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật… để có giá thành ổn định và tốt nhất nhằm phục vụ các nhà sản xuất nội thất trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đối diện với những khó khăn chung của thị trường do nhu cầu thị trường giảm bởi tác động của vấn đề lạm phát, chiến tranh, khiến giá thành nhập khẩu tăng cao, trong khi thị trường đầu ra cả xuất khẩu và thị trường trong nước cũng kém khiến hàng chất đầy trong kho trong khi dòng tiền thì không có.
“Giá thành nguyên liệu gỗ cao, thị trường yếu, trong khi thị trường có nhiều đơn vị cùng cung cấp, do đó, TAVICO đã hợp tác với các làng nghề và mong muốn mở rộng hợp tác hơn nữa để có được đầu ra ổn định hơn”, đại diện TAVICO cho biết.
Đầu ra cũng vướng
Ở khía cạnh đầu ra, đại diện các làng nghề cho hay, họ cũng gặp muôn vàn khó khăn do sức mua của thị trường yếu, bên cạnh đó, nguồn đầu vào cũng phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Việc này buộc phải thay đổi và thích ứng là cách mà các làng nghề phải làm nếu không muốn bị “văng” ra khỏi thị trường.
Đại diện làng mộc Liên Hà (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) cho hay, nếu như trước đây doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu 100% từ gỗ rừng tự nhiên, thì nay, do xu hướng tiêu dùng thay đổi nên doanh nghiệp đã chuyển đổi kết hợp gỗ tự nhiên và rừng trồng, trong đó đến 95% là nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước.
“Một vài năm trở lại đây, đa phần các hộ sản xuất trong làng nghề đã chuyển sang sử dụng gỗ nhập khẩu, chỉ sử dụng một phần rất nhỏ gỗ nhiệt đới. Việc này, vừa đảm bảo tiêu chí nguồn gốc gỗ hợp pháp. Giúp Chính phủ thực hiện thành công các cam kết về kiểm soát hiệu quả nguyên liệu gỗ với Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ. Sử dụng gỗ nhập khẩu ít rủi ro và gỗ rừng trồng trong nước cũng giúp nâng cao hình ảnh cho ngành gỗ, thúc đẩy mở rộng xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong ngành. Đồng thời, làng nghề cũng thích ứng với tình hình mới của thị trường để tồn tại và phát triển”, đại diện làng nghề mộc Liên Hà cho biết.
Dù vậy, việc chuyển đổi và thích ứng đối với đa phần các làng nghề là không dễ. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đồ gỗ Vạn Điểm Đặng Thị Én, do là hàng mỹ nghệ, giả cổ, trong khi tư duy của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tại khu vực miền Bắc đó là mua một lần dùng mãi mãi, vì vậy, việc chuyển đổi dòng gỗ, loại gỗ sẽ gặp những băn khoăn như “gỗ này không tốt bằng gỗ kia”. Bà Đặng Thị Én cho hay, tư duy này tác động đến người sản xuất, ngoài ra, các hộ làng nghề cũng đối diện với các vấn đề về mặt bằng, nguồn vốn,…
Câu chuyện về làng nghề gỗ Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là nốt trầm trong bức tranh của các làng nghề gỗ miền Bắc khi trong cơn suy thoái đến tỷ phú cũng phải bỏ nghề. Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - thông tin, vào thời kỳ đỉnh cao, làng nghề gỗ Đồng Kỵ thường xuyên có khoảng 3.000 - 4.000 lao động từ các nơi đổ về cùng với cả nghìn thương nhân Trung Quốc sang giao thương, mua bán và đặt hàng.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do không có việc làm nên người dân bỏ nghề đi làm công ty tương đối nhiều. Tính đến thời điểm này, con số đã lên tới 60% người dân làng nghề Đồng Kỵ bỏ nghề, chuyển làm nghề khác.
Nhắc đến Đồng Kỵ người tiêu dùng sẽ nghĩ đến làng nghề chuyên gỗ quý, đầu ra là thị trường Trung Quốc. Khi cả hai yếu tố này cùng vướng, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp làng nghề gặp khó. Một số hộ còn đủ nguồn lực đã chuyển hướng sang thiết kế những mẫu bàn ghế mới, có kiểu dáng hiện đại như bộ đồ gỗ sofa bọc da dạng trơn hoặc đục khảm cầu kỳ. Những mẫu hàng mới này sẽ tiếp thị vào thị trường miền Nam và một số thị trường mới như Thái Lan, Hàn Quốc,… Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thị trường xuất khẩu khó khăn, trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa đang mùa thấp điểm, sức mua giảm nên nhiều cơ sở sản xuất không có việc làm, cửa hàng bày bán sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.
Nhắc đến Bắc Ninh, người ta nhớ đến làng nghề gỗ Đồng Kỵ. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Vương, cạnh Đồng Kỵ còn có hàng chục làng nghề vệ tinh khác. Thị trường đầu ra cứ tắc và ế mãi thế này khiến các doanh nghiệp bán hết nhà xưởng máy móc, nghề gỗ sẽ bị xóa sổ trong một tương lai không xa. Điều mà các làng nghề mong mỏi lúc này đó là hình thành chợ đầu mối gỗ. “Việc mở con đường gỗ sạch sẽ giúp Đồng Kỵ sẽ thay đổi các nguồn gỗ hợp pháp nhanh nhất và cũng là nơi để mọi người nhìn vào đánh giá Đồng Kỵ phát triển theo một hướng hoàn toàn mới"- ông Vương chia sẻ.
Thị trường trục trặc, việc đi cùng nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này cũng là cách để các doanh nghiệp ở đầu cung (doanh nghiệp nhập khẩu) và doanh nghiệp phía cầu (doanh nghiệp sản xuất) cùng đón tương lai tươi sáng hơn cho ngành gỗ trong những năm tiếp theo.
Xuân Lâm (Gỗ Việt - Số 167)
- Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
- Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương lĩnh vực lâm nghiệp
- PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi (VIFORA): Cởi nút thắt cho chiến lược phát triển lâm nghiệp
- Chỉnh thước ngắm vào thị trường Mỹ
- Các nhà xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia lo ngại về các quy định cấm phá rừng của EU
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng sức cạnh tranh đồ nội thất và thủ công của Indonesia
- Yên Bái có tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon
- Sản xuất xanh: Lợi thế cạnh tranh toàn cầu
- Gỗ rừng trồng FSC: Chìa khóa thành công của doanh nghiệp
- Gỗ có chứng chỉ FSC: Hướng đi lâu dài của ngành gỗ
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR