Gỗ có chứng chỉ FSC: Hướng đi lâu dài của ngành gỗ

01/12/2023 09:40
Gỗ có chứng chỉ FSC:  Hướng đi lâu dài của  ngành gỗ

Cùng với nguồn gỗ nhập khẩu, gia tăng diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC, sử dụng gỗ hợp pháp là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ.

Theo FSC.org, đến tháng 10/2023 diện tích rừng trồng có chứng chỉ FM FSC tại Việt Nam là 281.294,64 ha, trong đó, diện tích rừng trồng của công ty có chứng chỉ FSC là 181.715,4 ha, diện tích rừng trồng của hộ có chứng chỉ FSC là 99.579,24 ha.

Theo loài gỗ của rừng trồng chứng chỉ FM/FSC, chủ yếu là keo tràm. Diện tích cao su có chứng chỉ FM/FSC là 3.843,54 ha, gồm diện tích chứng chỉ nhóm hộ có chứng chỉ FSC là 3.409,45 ha, diện tích chứng chỉ công ty có chứng chỉ FSC là 434.

Cùng với nguồn từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC, Việt Nam còn nhập khẩu gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FSC. Phân tích từ số liệu hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam khai báo có chứng chỉ FSC (không bao gồm các chứng chỉ khác) chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng đang gia tăng.

Năm 2021, Việt Nam nhập 2,91 tỉ USD gỗ và sản phẩm gỗ thì giá trị khai báo có chứng chỉ FSC chỉ chiếm 2,3% tổng giá trị nhập, con số này vào năm 2022 chiếm 2,2% trên tổng kim ngạch nhập khẩu là 3,009 tỉ USD.

Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được khai báo có chứng chỉ FSC đạt 31,86 triệu USD chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng năm 2023 là 1,61 tỉ USD.

Các sản phẩm có chứng chỉ FSC Việt Nam nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng như gỗ tròn, gỗ xẻ, ván dăm, ván sợi, gỗ dán và một số sản phẩm gỗ khác.

Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu trên 66,61 triệu USD gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ trong đó gỗ tròn chiếm 49,5%; gỗ xẻ chiếm 41,1%; venneer chiếm 4,1%; gỗ dán chiếm 2,4% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC.

Theo số liệu công bố diện tích rừng toàn quốc năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện Việt Nam có trên 4,65 triệu ha rừng trồng và lượng gỗ rừng trồng này đã đáp ứng được trên 75% tổng nhu cầu tiêu thụ của ngành gỗ.

Hiện Việt Nam có trên 280 nghìn ha rừng trồng tại Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC, tuy chiếm một tỉ lệ nhỏ so với diện tích rừng trồng tại Việt Nam nhưng diện tích rừng có chứng chỉ của Việt Nam đang gia tăng hàng năm. 

Với diện tích có chứng chỉ gia tăng sẽ tác động trực tiếp tới nguồn nguyên liệu có chứng chỉ sử dụng trong ngành gỗ, điều này được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC của Việt Nam tăng qua các năm.

Cụ thể, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC đạt 188,01 triệu USD, chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC đạt 267,78 triệu USD, chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước, tăng 42,4% so với năm trước đó.

Trong 9 tháng năm 2023, đạt 185,499 triệu USD, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước. Các sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu khai báo có chứng chỉ FSC tập trung ở các mặt hàng: Viên nén, dăm gỗ, đồ gỗ, ghế ngồi, ván sợi,….

Cụ thể, với mặt hàng dăm gỗ, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 87,11 triệu USD mặt hàng dăm gỗ khai báo có chứng chỉ FSC, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 32,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có chứng chỉ FSC. 9 tháng năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này khai báo có chứng chỉ FSC đạt 74,99 triệu USD chiếm 40,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ có chứng chỉ FSC.

Với mặt hàng viên nén, xuất khẩu viên nén có chứng chỉ FSC năm 2022 đạt 14,44 triệu USD, chiếm 15,9%, tăng 257,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023 xuất 29,45 triệu USD mặt hàng này có chứng chỉ.

Xuất khẩu đồ nội thất (HS 9403) đạt 46,54 triệu USD mặt hàng này có chứng chỉ FSC chiếm 12,2%, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2021. 9 tháng năm 2023 Việt Nam xuất 22,69 triệu USD mặt hàng có chứng chỉ. 

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu “Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp trong chế biến, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ,… công nghệ cao, thân thiện với môi trường”.

Quyết định cũng đưa ra mục tiêu là: “100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững”.

Đề án đặt ra nhiệm vụ: “Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính sau: Đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, gỗ ván nhân tạo, sản phẩm gỗ kết hợp vật liệu khác, đồ gỗ mỹ nghệ, viên nén, dăm gỗ.

Đồng thời, cũng đặt ra giải pháp tập trung vào xây dựng và áp dụng chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC), nhất là diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025 và 1 triệu ha vào năm 2030; cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trồng rừng gỗ lớn gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.

Với quan điểm phát triển ngành gỗ hướng tới nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, phát triển ngành thân thiện với môi trường. Cùng với các cam kết và hành động vì mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, thì sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ.

Gỗ Việt (Vũ Huy)