Vì sao ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp?

19/12/2022 17:35
Vì sao ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp?

Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới. Vì thế, việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp trở thành một đòi hỏi bắt buộc đối với các thị trường khó tính: Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Việc sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp còn giúp sản phẩm đồ gỗ Việt khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Gỗ hợp pháp - khẳng định uy tín của Việt Nam

Trao đổi với chúng tôi, GS, TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết: "Gỗ và sản phẩm gỗ là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2021 của Việt Nam khoảng 14,7 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới".

Vì vậy, phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. “Hợp pháp” và “bền vững” có thể coi là hai từ khóa cho ngành gỗ trong bối cảnh mới, khi mà các quốc gia đều đưa ra những quy định mới về nguồn gốc gỗ hợp pháp để góp phần chống nạn khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp từ các nước xuất khẩu nguyên liệu lẫn nước sản xuất đồ gỗ. Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững của Việt Nam sẽ đáp ứng được đòi hỏi này. Việc phân chia các vùng địa lý tích cực và không tích cực từ các quốc gia có xuất khẩu gỗ nhằm kiểm soát nguồn gốc gỗ khi nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp của Việt Nam nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển ngành sản xuất chuỗi giá trị gỗ phát triển bền vững đã được thiết lập, vấn đề còn lại là triển khai thực để bảo đảm nguồn gốc gỗ nhập khẩu vào nước ta.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết: "Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới song cũng là nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn khi nhập tới 322 loại gỗ các loại từ 108 quốc gia. Yêu cầu về gỗ nguyên liệu hợp pháp và trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hiện trở thành vấn đề "tồn tại hay không tồn tại" của ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ của Việt Nam. Bởi, hiện các quốc gia trên thế giới ngày càng có những chính sách xem xét nguồn gốc gỗ hết sức chặt chẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ cần nhận thức một cách đầy đủ và tổ chức thực thi nghiêm túc những vấn đề có liên quan".

Giải quyết bài toán nguyên liệu

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam (thành viên đoàn đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT-hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU nhằm tạo khung pháp lý cho các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU) cho biết: "Hiệp định VPA/FLEGT là một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đây là điều kiện bắt buộc nhằm đáp ứng quy định về gỗ hợp pháp của EU và các thị trường khác có quy định tương tự như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tăng cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vừa là quốc gia sản xuất, vừa là quốc gia tiêu thụ gỗ. Vì thế, Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng khi một trong các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực thay đổi quy định pháp luật và chính sách về quản lý và thương mại gỗ".

 Theo ông Oemar Idoe, Quản lý các dự án GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp tại Việt Nam (Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam) cho rằng: "Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 tại châu Á và thứ 5 trên thế giới. Do đó, cần phải nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình và tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi. Chúng ta có chung một quan điểm là quản lý hiệu quả hệ sinh thái mà rừng là một bộ phận chính, là cơ sở không chỉ cho bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả mà còn giúp tăng trưởng kinh tế bền vững. Hiệp định VPA/FLEGT là một đòn bẩy của tiến trình quản lý rừng bền vững và gỗ hợp pháp".

Theo GS, TS Phạm Văn Điển, ngành gỗ Việt Nam hiện đang phát triển rất mạnh không chỉ ở quy mô mà cả tốc độ phát triển (tốc độ tăng trưởng trung bình hai con số mỗi năm, khoảng 20-25%/năm). Nhu cầu về gỗ của thế giới ước tính trung bình mỗi năm khoảng 900 tỷ USD, trong khi ngành gỗ thế giới mới đáp ứng hơn 400 tỷ USD. Để khai thác tiềm năng, dư địa của ngành sản xuất, chế biến gỗ, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, thực thi tốt pháp luật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường... Cùng với đó, ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ cần nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm mới và đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao, đa dạng từ thị trường; tổ chức giám sát, đánh giá nguồn gốc gỗ để bảo đảm việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đồng thời giải quyết tốt bài toán nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của sản xuất.

Gỗ Việt (Nguồn Báo Quân Đội Nhân Dân)