Truy xuất nguồn gốc gỗ trong EUDR: Doanh nghiệp cần tổ chức lại chuỗi cung
Nguồn gốc gỗ là một trong những tiêu chí quan trọng của quá trình đánh giá rủi ro đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU theo Quy định chống mất rừng (EUDR). Việc đáp ứng quy trình này có ý nghĩa đặc biệt cấp thiết đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam nói riêng và toàn bộ các bên tham gia ngành hàng nói chung.
Doanh nghiệp cần thu thập và lưu trữ trong vòng 5 năm các thông tin liên quan đến sản phẩm
Nhà nhập khẩu phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc trước khi đưa sản phẩm vào thị trường EU. Ngoài thông tin về chuỗi cung, nhà nhập khẩu cần cung cấp vị trí địa lý (geolocation) của mảnh đất nơi hàng hóa được sản xuất. Nếu thửa đất nhỏ hơn 4 ha, chỉ cần cung cấp tọa độ của 1 điểm thuộc thửa đất đó. Nếu diện tích lớn hơn 4 ha, tọa độ của tất cả các điểm thuộc ranh giới (polygon) của thửa đất phải được khai báo. Thông tin này cho phép EU xác minh tình trạng mất rừng hoặc suy thoái rừng diễn ra trên mảnh đất đó thông qua dữ liệu vệ tinh viễn thám.
Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ toàn bộ các quy định pháp luật có liên quan của quốc gia sản xuất. Các quy định này bao trùm nhiều lĩnh vực, gồm có các quyền về đất đai, quy định về bảo vệ môi trường, quy định liên quan tới rừng (bao gồm quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học), quyền của bên thứ ba (quyền cộng đồng), quyền của người lao động, quyền con người theo các công ước quốc tế mà quốc gia đó đã ký kết, nguyên tắc đồng thuận tự nguyện, được thông báo trước và thông tin đầy đủ (FPIC) được đưa ra trong Tuyên bố về quyền của người bản địa (của Liên hợp quốc), các quy định về thuế, phí, thương mại, hải quan,...
Để chứng minh sản phẩm thỏa mãn được hai yêu cầu cốt lõi nêu trên, EU yêu cầu nhà nhập khẩu thu thập nhiều loại các thông tin làm bằng chứng chứng minh và khai báo trong bản Cam kết thẩm định chuỗi cung ứng (due diligence statement).
Trong số các quy định quản lý rủi ro trong chuỗi cung ứng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa tới tận vị trí của thửa đất sản xuất được EU ưu tiên hàng đầu và là một phần quan trọng trong hệ thống thông tin phục vụ EUDR mà EU sẽ thiết lập và đưa vào vận hành vào cuối năm 2024. Vì vậy, doanh nghiệp cần thu thập và lưu trữ trong vòng 5 năm các thông tin liên quan đến sản phẩm nhằm chứng minh sản phẩm của mình hợp pháp và không gây mất rừng, đồng thời khai báo với cơ quan thẩm quyền EU khi được yêu cầu.
Trong đó, thông tin về nơi sản xuất ra sản phẩm gồm vị trí địa lý của tất cả các thửa đất mà sản phẩm được sản xuất cũng như ngày tháng hoặc khoảng thời gian diễn ra hoạt động sản xuất. Nếu sản phẩm được sản xuất trên nhiều thửa đất khác nhau, vị trí địa lý của tất cả các thửa đất đó cần được cung cấp.
Nếu quá trình sản xuất sản phẩm gây ra mất rừng, hoặc suy thoái rừng trên một thửa đất bất kỳ (tính từ thời điểm sau ngày 31/12/2020), điều này sẽ khiến tất cả các sản phẩm được sản xuất trên mảnh đất đó không đủ tiêu chuẩn để lưu thông tại thị trường EU hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba qua EU.
Dữ liệu về vị trí địa lý của thửa đất canh tác được doanh nghiệp khai báo sẽ được EU lưu trữ trong hệ thống thông tin quản lý các cam kết thẩm định chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Hệ thống này dự kiến sẽ được xây dựng hoàn thiện và đi vào vận hành muộn nhất là ngày 30/12/2024. EU khuyến khích các bên sử dụng các dữ liệu và dịch vụ không gian cung cấp trong khuôn khổ Chương trình vũ trụ của EU (EGNOS/Galileo and Copernicus) để xác địa vị trí địa lý của thửa đất canh tác.
Như vậy, để hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của EUDR và đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào EU, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần phải cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm nơi gỗ và sản phẩm gỗ được tạo ra và chứng minh rằng quá trình sản xuất diễn ra tại các vị trí này không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.
Khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt là gì?
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với một số khó khăn trong việc đáp ứng với yêu cầu của EUDR. Do Chính phủ đã thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên, các diện tích mới chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng tự nhiên sang rừng trồng chiếm tỉ lệ nhỏ. Tuy nhiên, việc chứng minh điều này trên thực tế lại đối mặt với nhiều thách thức do thiếu các bằng chứng pháp lý cần thiết. Ngoài ra, vẫn tồn tại một số ít diện tích canh tác nằm gần rừng, chồng lấn hoặc xen kẽ trong khu vực rừng tự nhiên cần được cơ quan chức năng rà soát lại.
Một đặc điểm gây khó khăn khác là chuỗi cung có sự tham gia của nhiều hộ tiểu điền với diện tích canh tác nhỏ, manh mún, chủ yếu là dưới 1 ha, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), hoặc nếu có thì chỉ giới đất ghi trên sổ đỏ lại không khớp với thực tế. Điều này dẫn đến việc giao dịch mua bán gỗ rừng trồng mang tính phi chính thức và chủ yếu ưu tiên các tiêu chí như chất lượng sản phẩm và giá cả còn các yêu cầu về pháp lý như bằng chứng về nguồn gốc sản phẩm, về các giao dịch (ví dụ thuế, phí) thường bị bỏ qua.
Tình trạng không chính thống trong giao dịch giữa thương lái và nông hộ đòi hỏi sự chuyển đổi thành các giao dịch chính thống, với 2 bên tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ Việt Nam đối với các giao dịch này. Điều này sẽ góp phần đáp ứng được yêu cầu của EUDR về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kiểm soát chuỗi cung.
Ngoài ra, tuy EU chưa quy định cụ thể về các hệ tọa độ viễn thám nào sẽ được chấp nhận, các cơ quan quản lý ở phía Việt Nam cũng cần chủ động nghiên cứu vấn đề này để kịp thời hỗ trợ các hộ nếu cần.
Trong khi chờ đợi Chính phủ rà soát chuỗi cung của ngành, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cần nhanh chóng kiểm tra lại chuỗi cung ứng của mình, kết hợp với chính quyền địa phương và các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ để đánh giá và kiểm tra khả năng đáp ứng quy định EUDR của chuỗi cung hiện tại. Việc đánh giá cũng cần xác định những tồn tại của chuỗi. Trên cơ sở này, doanh nghiệp có thể xác định các khoảng trống và xây dựng phương án khắc phục.
Việc đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc cũng đòi hỏi doanh nghiệp tổ chức lại chuỗi cung ứng, đặc biệt là chính thức hóa giao dịch giữa các hộ và hệ thống thương lái. Việc chính thức hóa giao dịch này đòi hỏi đơn giản hóa các quy định, thủ tục tại các khâu do các yêu cầu này hiện quá phức tạp, vượt xa khả năng của các bên tham gia.
Cắt ngắn chuỗi cung ứng thông qua thiết lập liên kết giữa hộ và công ty chế biến gỗ trong các dự án xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững là một trong những hướng đi tốt để thực hiện việc đơn giản hóa chuỗi. Việc hình thành vùng nguyên liệu bền vững, xây dựng liên kết giữa công ty và hộ cần đảm bảo rằng lợi ích kinh tế mà hộ thu được từ các sản phẩm có chứng chỉ sẽ bù đắp thỏa đáng cho phần chí phí đầu vào của hộ, đặc biệt là chi phí về lao động.
Là một trong những bên chủ chốt tham gia chuỗi cung, doanh nghiệp cần hỗ trợ các hộ tiểu điền trong việc tham gia các hoạt động sản xuất gỗ bền vững, có chứng chỉ. Chính quyền cũng nên có những cơ chế chính sách, khuyến khích nông hộ và doanh nghiệp tham gia các hoạt động này. Ví dụ, chính quyền địa phương nên tích cực tham gia giải quyết các tồn tại về đất đai, xác định mối liên hệ giữa rủi ro về mất rừng và hoạt động sản xuất của hộ và doanh nghiệp.
Gỗ Việt (Lương Kim Anh - Forest Trends)
- FSC cam kết triển khai thành công EUDR
- FSC cho lâm sản ngoài gỗ: Tiếp cận thị trường thế giới
- REIMAGINE: Cùng AHEC lưu giữ những kí ức Ấn Độ
- Xuất khẩu sang thị trường UAE: Cơ hội nào cho gỗ Việt?
- Hiệp hội Nội thất Indonesia hướng đến Trung Đông qua thị trường xuất khẩu EU
- Cameroon là thị trường cung cấp gỗ lim lớn nhất cho Việt Nam
- FSC cho hộ tiểu điền: Nâng cánh để bay xa
- Tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng viên nén gỗ đối diện với rủi ro cao
- Vì sao ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp?
- 100% ý kiến thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu