Xuất khẩu sang thị trường UAE: Cơ hội nào cho gỗ Việt?
Trong khi xuất khẩu vào nhiều thị trường đã đạt tới ngưỡng thì UAE được đánh giá là thị trường hết sức tiềm năng, mở ra cơ hội cho nhiều mặt hàng của Việt Nam.
Ngành xây dựng và bất động sản đang gia tăng tại UAE đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm nội thất cao cấp hoàn thiện. Ngoài ra, các sáng kiến của chính phủ nhằm phát triển ngành du lịch và khách sạn, được ước tính đóng góp khoảng 12% GDP của quốc gia này cũng đóng một vai trò quan trọng trong thị trường đồ nội thất cao cấp của UAE trong thời gian tới. Và nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong thị trường đồ nội thất cao cấp của UAE.
Riêng với thị trường gỗ và đồ nội thất bằng gỗ tại UAE (bao gồm cả nhà sản xuất và nhà phân phối), hiện các nhà phân phối nhập khẩu sản phẩm từ các nước khác chiếm ưu thế trên thị trường. Về thị phần, các công ty trong khu vực cạnh tranh gay gắt thông qua đổi mới và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong khu vực. Thị trường đồ nội thất cao cấp ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đạt khoảng 3,72 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng 4,09%/năm trong vòng 4 năm tới.
UAE hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trung bình 5 tỷ USD/năm.
Gian hàng trưng bày tại triển lãm Quốc tế Hive Furniture Show 2023
Năm 2022, kim ngạch song phương đạt 4,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang UAE đạt 3,8 tỷ USD và nhập khẩu từ UAE đạt 582,6 triệu USD, tăng 1,6% so với năm 2021. Hiện Việt Nam chiếm khoảng 2,2% thị phần nhập khẩu tại UAE và UAE chiếm khoảng 0,2% thị phần nhập khẩu của Việt Nam.
Riêng với mặt hàng gỗ, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường Trung Đông tăng cao trong 4 tháng năm 2023. Trong đó, UAE là thị trường chính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này 4 tháng đầu năm đạt 11,2 triệu USD tăng 38% so với năm 2023. Mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường này: đồ gỗ sử dụng trong xây dựng (HS 4418); ghế ngồi (HS 9401); đồ gỗ (Hs 9403). Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ Việt đang khảo sát tiềm năng ở về cơ hội cũng như mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường này.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đến nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Lâm Việt - chia sẻ: "Chúng tôi cũng đến Dubai nhiều lần, tham dự các hội chợ tại đây để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu, tuy nhiên, khả năng để ký kết được hợp đồng là rất khó. Bởi thị trường chủ yếu phục vụ theo đơn hàng “may đo”, ví dụ, các đơn hàng cho khách sạn, nhà hàng resort,… cần làm theo yêu cầu đặt hàng. Tuy nhiên, muốn làm theo đơn hàng này thì không phải là nhà máy nào cũng làm được. Do yêu cầu máy móc sản xuất riêng (không phải sản xuất hàng loạt). Mặt khác, với những đơn hàng này, đòi hỏi đội ngũ công nhân phải có tay nghề. Doanh nghiệp cũng phải có người quản lý tại thị trường nhập khẩu để lắp đặt, bảo hành sản phẩm. Việc này là quá sức đối với doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp không vì một đơn hàng mà phải xây dựng cả một đội ngũ như vậy, chi phí sẽ không chịu nổi và sẽ không hiệu quả".
Ông Trương Xuân Trung - Thương vụ Việt Nam tại UAE trao đổi với các Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Hive Furniture Show 2023 tại UAE
Nói về cơ hội đối với ngành gỗ Việt tại thị trường này, ông Trương Xuân Trung - Thương vụ Việt Nam tại UAE - nhận định, UAE là trung tâm trung chuyển nhiều thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, Iran, Ai Cập. Mặt khác, tại Dubai ít nhà máy sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ, xu hướng chính là nhập khẩu. Sản phẩm Việt Nam đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Ngoài xây dựng, văn hóa UAE khi thuê nhà sẽ thay toàn bộ nội thất, và khi trả phòng sẽ phải dọn đi hết, chỉ để lại phần thô. Đây là những thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với khó khăn, thách thức đó là chi phí sản xuất, logistic chưa tối ưu, công nghệ chưa phải là hiện đại nhất. Trong khi đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt cả về giá và chất lượng và đây cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Một thách thức nữa đó là các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp từ các đối thủ được hưởng ưu đãi khi xuất hàng vào UAE khi đã ký FTA như Ấn Độ, Indonesia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ….
Ông Trương Xuân Trung khuyến nghị, các doanh nghiệp ngành gỗ khi làm việc với khách hàng Dubai cần kiên trì theo đuổi. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lừa đảo trong các hoạt động giao thương, do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và UAE (CEPA) đang trong quá trình khởi động đàm phán. Theo đánh giá của các chuyên gia, CEPA được thông qua sẽ giúp khai thác các tiềm năng, dư địa trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nền kinh tế vốn có thế mạnh bổ sung cho nhau. Không chỉ các mặt hàng nông, thủy sản, một số mặt hàng khác của Việt Nam cũng đang có cơ hội xuất khẩu sang UAE trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.
Để có thể thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thay đổi phương thức quản lý, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Ngoài ra, do UAE là quốc gia Hồi giáo, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu về văn hóa và nhu cầu tiêu dùng của người Hồi giáo khi xuất khẩu vào thị trường này.
Gỗ Việt
- Hiệp hội Nội thất Indonesia hướng đến Trung Đông qua thị trường xuất khẩu EU
- Cameroon là thị trường cung cấp gỗ lim lớn nhất cho Việt Nam
- FSC cho hộ tiểu điền: Nâng cánh để bay xa
- Tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng viên nén gỗ đối diện với rủi ro cao
- Vì sao ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp?
- 100% ý kiến thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
- Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững
- Phần Lan có thể trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam
- Xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản vào các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc
- Bài toán phát triển và chính sách bảo vệ rừng
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu
-
MIFF (Hội chợ đồ nội thất quốc tế Malaysia) khởi động cho mùa mua hàng Châu Á 2025
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu