FSC cho hộ tiểu điền: Nâng cánh để bay xa
Mặc dù, diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) của các hộ tiểu điền đã có sự gia tăng nhất định, tuy nhiên, họ vẫn cần chất xúc tác mạnh hơn để đi được đường dài.
ĐÃ CÓ SỰ PHÁT TRIỂN VỀ DIỆN TÍCH VÀ CHUYỂN ĐỔI VỀ NHẬN THỨC
"Khi phía đối tác đi khảo sát mô hình trồng rừng có chứng chỉ FSC do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) hỗ trợ, họ ngạc nhiên khi có những hộ tiểu điền để diện tích rừng trồng đến 14 năm mới khai thác mà không sợ rủi ro. Các hộ tiểu điền này tin tưởng vào giá trị kinh tế thu được cao hơn từ việc này", ông Võ Văn Dự - Chủ tịch Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế - chia sẻ với Tạp chí Gỗ Việt khi không khí xuân Quý Mão đang về và cho biết, đây là minh chứng rõ nét từ việc trồng rừng có chứng chỉ. Bởi lẽ, người dân chỉ giữ rừng lâu năm khi thực sự hiệu quả.
Ông Võ Văn Dự chia sẻ, việc phát triển rừng bền vững có chứng chỉ FSC cho hộ tiểu điển quy mô nhỏ tại Thừa Thiên Huế được triển khai từ năm 2016 dưới dự hỗ trợ của WWF với xuất phát điểm gần 800 ha cùng sự tham gia 254 hội viên. Sau 7 năm triển khai, con số này đã nâng lên 6.644 ha với 1.208 hội viên, trong đó, có khoảng 25% diện tích rừng đạt độ tuổi từ 7 năm trở lên.
Để có được kết quả này, bên cạnh sự hỗ trợ của WWF trong việc thay đổi nhận thức cho hộ tiểu điền có chứng chỉ là sự vào cuộc của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc phát triển chuỗi liên kết. "Chúng tôi có gỗ FSC, Công ty Cổ phần Pacific Wood bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Họ cũng đầu tư kinh phí để đánh giá cấp chứng chỉ FSC mới cũng như duy trì chứng chỉ hàng năm", ông Dự chia sẻ và cho rằng, muốn làm gỗ bền vững thì phải làm theo chuỗi với nội dung và cam kết rằng buộc rõ ràng thông qua hợp đồng kinh tế.
Cùng với Thừa Thiên Huế, tại Quảng Trị, WWF cũng triển khai hỗ trợ các hộ tiểu điền có quy mô nhỏ phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC từ năm 2007, đến năm 2010 đã đánh giá và cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 300 ha. Đến nay, con số này đã tăng xấp xỉ 10 lần.
Kết quả đạt được không chỉ dừng lại ở con số đo đếm được, mà quan trọng nhất đó là sự thay đổi nhận thức trong quá trình quản lý rừng bền vững của cả các hộ tiểu điền và cơ quan quản lý.
Ông Hoàng Đức Doanh - Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị - cho biết, trong việc phát triển diện tích rừng bền vững có chứng chỉ FSC vai trò của doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Chính sự gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến đã tạo điểm tựa đáng tin cậy cho những hộ tiểu điền về đầu ra và cả giá bán khiến họ muốn giữ rừng lâu hơn.
"Năm 2022, giá gỗ dăm tăng vọt, thậm chí cao hơn gỗ xẻ. Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền và có các chính sách hỗ trợ nên các hộ trồng rừng có chứng chỉ FSC vẫn giữ rừng, không bán ‘lúa non’. Thị trường vẫn là yếu tố quyết định", ông Doanh tự tin nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, đại diện hộ trồng rừng tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang - cho biết, nếu năm 2016, tại xã Phú Thịnh, diện tích rừng tham gia đánh giá có chứng chỉ FSC chỉ là 421 ha thì đến nay, con số này đã tăng lên 1.300 ha với sự tham gia của gần 100% hộ tiểu điền. Bên cạnh việc được hỗ trợ chi phí đánh giá, cấp chứng chỉ, các hộ tiểu điền còn được tập huấn trồng rừng FSC. Đáng chú ý, giá gỗ FSC luôn cao hơn giá gỗ không có FSC. Đặc biệt, công tác truyền thông giúp thay đổi nhận thức của người trồng rừng. "Giống như giấy sử dụng đất, sản phẩm gỗ muốn đi xa thì việc có chứng chỉ là hết sức quan trọng’" đại diện hộ trồng rừng tại xã Phú Thịnh chia sẻ.
CẦN CHÍNH SÁCH DÀI HƠI
Với đòi hỏi ngày càng cao về xuất xứ nguồn gốc lâm sản, FSC càng được quan tâm nhiều hơn và là yêu cầu cần thiết cho việc phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hay nói cách khác, quản lý rừng bền vững và FSC là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu thương mại quốc tế.
Tại Việt Nam, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã được cụ thể hóa trong Luật Lâm nghiệp, Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ có khoảng 500 nghìn ha đến năm 2025 và đến năm 2030 khoảng 1 triệu ha rừng có chứng chỉ. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Hiện nay, diện tích rừng Việt Nam có chứng chỉ rừng bền vững là hơn 400 nghìn ha. Ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ Quản lý sản xuất lâm nghiệp - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, trong số 3,8 triệu ha rừng trồng và rừng sản xuất thì có khoảng 1,78 triệu ha rừng do hộ tiểu điền quản lý. Với lượng chủ hộ trồng rừng khá đông đảo, diện tích trồng rừng của các hộ rất nhỏ, đây cũng là một trong những khó khăn trong quản lý rừng bền vững cũng như phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC.
Bên cạnh đó, diện tích rừng của hộ tiểu điền phát triển trong thời gian qua chủ yếu đến từ sự hỗ trợ của các tổ chức hay từ các doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu về sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC. Mặt khác, theo các hộ tiểu điền, mặc dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ phát triển rừng bền vững nhưng khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn rất xa vời và không thể thực hiện đồng nhất tại các địa phương. Trong khi, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình triển khai dễ dàng nhưng Quảng Trị, Quảng Nam lại bị nghẽn. Do đó, việc tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc phát triển diện tích rừng FSC trong khu vực hộ tiểu điền quy mô nhỏ để từ đó phát triển trên quy mô cả nước là hết sức quan trọng.
Ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đem lại giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt gần 16 tỉ USD vào năm 2022. Các doanh nghiệp chế biến gỗ đang có nhu cầu vùng nguyên liệu ổn định, có chứng chỉ FSC để có thể xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi có chứng chỉ FSC. Việc quản lý rừng bền vững cũng như đạt chứng chỉ rừng FSC còn giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm vươn ra thế giới. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần có bước đi và chính sách dài hơi cho việc này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Diện cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp.
"Chúng tôi cũng đã biết những tồn tại này và đưa vào sửa đổi trong dự thảo Nghị định mới. Hi vọng, khi Nghị định mới được ban hành thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng rừng", ông Nguyễn Văn Diện chia sẻ, đồng thời cho biết, thực thi chính sách lâm nghiệp trong thời gian tới cũng cần có sự thay đổi, trong đó, việc liên kết doanh nghiệp chế biến với các hộ tiểu điền là hết sức quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có đánh giá tổng kết để kết nối liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp chế biến từ đó nâng cao hiệu quả trong sản xuất và xuất khẩu.
Gỗ Việt (Số 152 - Nguyễn Hạnh)
- Tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng viên nén gỗ đối diện với rủi ro cao
- Vì sao ngành sản xuất đồ gỗ phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp?
- 100% ý kiến thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
- Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững
- Phần Lan có thể trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam
- Xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản vào các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc
- Bài toán phát triển và chính sách bảo vệ rừng
- Thực hành lâm sản bền vững – mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ
- Trồng rừng - Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
- Chế biến sản xuất Lâm nghiệp - Hướng phát triển rừng bền vững
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu