PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi (VIFORA): Cởi nút thắt cho chiến lược phát triển lâm nghiệp
Sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại cần tháo gỡ, trong đó có hơn 3 triệu ha đất rừng chưa có chủ do UBND cấp xã đang tạm thời quản lý.
PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA) đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Gỗ Việt xung quanh vấn đề này
? Sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dưới góc độ của Hội chủ rừng Việt Nam, theo ông, trong tình hình mới, ông thấy các vấn đề vướng mắc về đất cũng như rừng là gì?
Chúng ta biết rằng, rừng là một tài sản nằm trên đất. Rõ ràng quy định về đất đai, về rừng cũng như quy định của các tài sản khác phải khớp với nhau. Nếu như trước đây, còn khoảng trống rất lớn về những quy định này thì khoảng 10 năm gần đây thì các lĩnh vực này bắt đầu đã có sự khớp nối. Dù vậy, vẫn còn những vướng mắc. Chúng ta đang trong tình trạng cùng một đối tượng nhưng đang có cái nhìn chưa đồng nhất. Đối tượng ở đây là đất lâm nghiệp và đất rừng. Ví dụ, về khái niệm về đất rừng chúng ta quan niệm gồm có đất và trên đó có rừng, đất chưa có rừng đấy thì gọi là đất chưa sử dụng. Nhưng trong ngành lâm nghiệp thì quy định đây là đất chưa có rừng việc này đồng nghĩa đất tiềm năng, có rừng hoặc quy hoạch có rừng thì phải đưa vào đất rừng.
Hoặc là các tiêu chí, tiêu chuẩn nền tảng của đất lâm nghiệp và đất rừng có thể chưa khớp nhau. Ví dụ thế nào là rừng giàu, thế nào là rừng trung bình, rừng nghèo hoặc thế nào là đã mất rừng hay thế nào đất chưa mất rừng? Có thể cùng với đối tượng đó, nếu như mà hai ngành, hai lĩnh vực mà cũng đi đo đạc, đi kiểm tra, đi kiểm đếm thì có khi ra một kết quả rất khác nhau.
Một điểm nữa mà chúng ta thấy, đó là nếu như chồng hai cái bản đồ lâm nghiệp và đất rừng lên nhau sẽ có độ vênh. Bởi vì rừng không chỉ nằm trên đất lâm nghiệp mà có thể nằm trên cả những đất không phải lâm nghiệp. Nguyên nhân do người dân thấy ở đâu có lợi nên họ trồng. Nhưng những việc này không phải là không có cách giải quyết.
? Giải pháp được đưa ra là gì, thưa ông?
Cần phải thống nhất nhau về thuật ngữ, khái niệm thế nào là đất lâm nghiệp, thế nào là đất rừng. Bên cạnh đó, hai ngành tài nguyên môi trường và ngành nông nghiệp phát triển nông thôn phải cùng một nền tảng về thông tin, số liệu, cùng một tiêu chuẩn và cụ thể hóa được tiêu chuẩn đó để đưa vào cuộc sống.
Ví dụ rất đơn giản, nếu xét về mặt kỹ thuật, chúng ta sẽ phải dựa vào bản đồ của ngành tài nguyên môi trường, bản đồ về đất đai hoặc là dựa vào thửa đất và lô rừng (nằm cả hoặc một phần trên thửa đất), những vấn đề này chúng ta phải thống nhất trong cùng một trường dữ liệu.
? Ở một góc độ khác, đó là hiện nay việc mà giao đất, giao rừng không chỉ chậm mà hiện nay thì có nhiều hộ gia đình còn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đây cũng là một nút thắt lớn ở các địa phương. Trên cơ sở Luật Đất đai 2024, ông thấy rằng tới đây, việc này có thể tháo gỡ được hay không?
Đúng là có câu chuyện như vậy, giao đất rồi nhưng nhiều hộ gia đình lại chưa nhận được, bởi vì trên đó còn có tài sản. Chúng ta nói giao đất nhưng tài sản trên đất như thế nào? Ví dụ, một giấy chứng nhận quyền sử dụng mà không ghi tài sản trên đất thì không được. Trong khi chúng ta đã làm các thủ tục về đất đai nhưng lại không làm các thủ tục về tài sản đó, ví dụ đó là rừng.
Rõ ràng hai quá trình này phải chạy cùng với nhau. Tuy nhiên, rừng biến động liên tục, ngày hôm qua còn là rừng nhưng ngày hôm nay khi bàn giao trên thực tiễn thì không còn, chúng ta sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Nhưng đất thì không mất đi được. Đây là một câu chuyện có lẽ chúng ta phải bàn.
Một trong những vướng mắc hiện nay mà hiện nay chúng ta chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đó là vấn đề chúng ta kiểm kê tài sản. Đây cũng là việc rất khó khăn, rất phức tạp và phải có cách để giải quyết việc này.
? Nhiều ý kiến đưa ra, giải pháp được thực hiện đó là công nghệ, điều này có đúng không, thưa ông?
Tôi cho rằng việc này là đúng và bắt buộc chúng ta phải sử dụng công nghệ. Hiện nay, chúng ta có công nghệ viễn thám, công nghệ trên không gần mặt đất như là cái máy bay không người lái,… giúp chúng ta giải quyết các nút thắt nêu trên rất nhanh. Nhưng câu chuyện ở chỗ hai ngành tài nguyên môi trường và ngành nông nghiệp phải có một nền tảng chung về công nghệ kỹ thuật, phải có một tiếng nói chung hoặc một tiêu chuẩn chung. Nếu như chúng ta vênh nhau là hai hệ thống không khớp được với nhau.
? Hiện, có khoảng bao nhiêu phần trăm chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, thưa ông?
Thực ra là đã có giao nhưng mà tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp rất thấp. Chúng tôi được biết hiện nay có khoảng trên 1 triệu chủ rừng, trong số này có khoảng 7,2 triệu lô rừng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp phải cấp theo lô, tuy nhiên tỷ lệ có thể xác định được rất thấp.
Do đó, cũng có những diện tích đất lâm nghiệp dù đã giao nhưng có thể là chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà chỉ được cấp có một quyết định nào đó. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đất lâm nghiệp theo đúng quy định của chúng ta chưa nhiều.
? Theo ông, nút thắt này nếu kéo dài nó sẽ gây hệ lụy gì cho phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn tới?
Việc này diễn ra từ trước đến nay và đang là kìm hãm sự phát triển. Nút thắt này cần được tháo gỡ nhanh bởi hiện nay một m2 gỗ đưa ra nó phải truy xuất nguồn gốc gỗ, được trồng ở đâu, chủ rừng là ai, lô nào. Nếu chúng ta không có được giấy tờ, thủ tục thì đấy là một rào cản khi chúng ta chế biến gỗ xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ hai, chúng ta không sử dụng công nghệ thì sẽ không thể truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, muốn sử dụng công nghệ chúng ta phải có một nền tảng chung. Vì vậy, việc quan trọng đó là chúng ta phải làm nền tảng gồm cả dữ liệu về đất đai, dữ liệu về tài nguyên trong đó có dữ liệu về rừng và của từng chủ rừng trong thời gian sớm nhất.
? Ông có đưa ra con số 3,4 triệu ha đất rừng chưa có chủ, ông bình luận gì về con số này?
Con số hơn 3 triệu ha đất rừng và đất rừng chưa có chủ không phải quản lý lỏng lẻo mà chúng ta chưa quản lý. Đây là một điều rất không tốt.
3,4 triệu ha rừng này, nhà nước không biết giao cho ai nên đã giao cho UBND xã tạm thời quản lý. Nhưng mà thực tế, trên diện tích này, người dân vẫn trồng trọt, canh tác mà không ai theo dõi, không có bản đồ, không có số liệu thống kê, không theo dõi hàng năm.
Việc này cần giải quyết như thế nào? Chúng tôi kiến nghị, Việt Nam phải xây dựng một chương trình phục hồi 3,4 triệu ha rừng chưa có chủ hiện nay thành một chương trình riêng của quốc gia. Cần phải phấn đấu trong vòng ít nhất là 5 năm hoặc 10 năm, chúng ta phải giải quyết dứt điểm vấn đề này. Mọi diện tích rừng phải có địa chỉ, có người sử dụng và từ đó thì mới có thể quản lý hiệu quả được. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp hoặc sử dụng lãng phí.
Xin cám ơn ông!
Xuân Lâm (Gỗ Việt số 165, tháng 4/2024)
- Chỉnh thước ngắm vào thị trường Mỹ
- Các nhà xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia lo ngại về các quy định cấm phá rừng của EU
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng sức cạnh tranh đồ nội thất và thủ công của Indonesia
- Yên Bái có tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon
- Sản xuất xanh: Lợi thế cạnh tranh toàn cầu
- Gỗ rừng trồng FSC: Chìa khóa thành công của doanh nghiệp
- Gỗ có chứng chỉ FSC: Hướng đi lâu dài của ngành gỗ
- Truy xuất nguồn gốc gỗ trong EUDR: Doanh nghiệp cần tổ chức lại chuỗi cung
- FSC cam kết triển khai thành công EUDR
- FSC cho lâm sản ngoài gỗ: Tiếp cận thị trường thế giới