Gỗ rừng trồng FSC: Chìa khóa thành công của doanh nghiệp
Nếu như trước đây chứng chỉ FSC cho gỗ và các sản phẩm gỗ chủ yếu được khách hàng EU và Nhật Bản yêu cầu thì nay nhiều nhà bán hàng toàn cầu cũng đã yêu cầu chứng chỉ này đối với các nhà cung cấp tại Việt Nam
Tiêu dùng xanh, sản xuất xanh và phát triển bền vững đang là những vấn đề đặt ra cho các ngành sản xuất trong đó có cả ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Thách thức đặt ra càng lớn khi ngày càng nhiều các nhà mua hàng đặt ra những yêu cầu khắt khe, trong đó, yêu cầu về chứng chỉ FSC.
Chia sẻ tại Hội nghị Doanh nghiệp FSC châu Á 2023 diễn ra ngày 14/12 với chủ đề “Thúc đẩy việc cung ứng đồ nội thất gỗ đạt chứng chỉ FSC từ Việt Nam sang Bắc Mỹ”, đại điện doanh nghiệp Costco - đơn vị bán lẻ lớn thứ 3 trên thế giới với nhiều các sản phẩm khác nhau trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ - cho hay, liên quan đến quản lý rừng bền vững, các sản phẩm gỗ, giấy, sợi sẽ tác động đến hệ sinh thái, vì vậy, chúng tôi cố gắng cung cấp các sản phẩm chất lượng, với giá bán ổn định và kinh doanh các sản phẩm có chứng nhận FSC. “Mới đây, Costco đã đưa ra cam kết chỉ bán sản phẩm từ gỗ teak 100% có FSC. Chúng tôi muốn cung cấp cho các khách hàng của mình các sản phẩm tốt nhất”, đại diện Costco.
Đại diện Williams Sonoma Inc. nhà bán lẻ lớn tại thị trường Hoa Kỳ cho biết doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình mạng lưới gỗ toàn cầu. Từ 2007, doanh nghiệp đã tham gia vào hoạt động FSC, năm 2015 doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn thu mua nguyên liệu thô để sản xuất đồ gỗ. Năm 2021, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu 50% sản phẩm có chứng chỉ FSC, phần còn lại là gỗ phải có xuất xứ là gỗ có kiểm soát. Những mục tiêu về gỗ được chứng chỉ FSC và gỗ có nguồn gốc hợp pháp mà doanh nghiệp đặt ra cho năm 2021, 2022, doanh nghiệp đều đạt được. Đến năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu 50% sản phẩm của doanh nghiệp đưa lên kệ đều được chứng nhận FSC. Như vậy, những nguyên liệu doanh nghiệp sử dụng là gỗ dán, ván nhân tạo, MDF đều cần có chứng chỉ FSC. Với việc hợp tác, tham gia vào chuỗi cung ứng, Williams Sonoma Inc. đang cố gắng nhằm tăng cường nhận thức và tiêu dùng sản phẩm có trách nhiệm. Mặt khác, đây cũng là cách để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
“Với các quy định mới từ các thị trường, ví dụ như thị trường EU, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR). Chúng tôi đang bán sản phẩm vào thị trường này, do đó, cũng cần đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. EUDR được coi là bộ tiêu chí để các nhà cung ứng trong chuỗi cung của doanh nghiệp phải tuân thủ”, đại diện Williams Sonoma Inc. chia sẻ.
Theo các chuyên gia, FSC là công cụ để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng đồ gỗ có trách nhiệm. Doanh nghiệp phải cam kết không được phối trộn các loại gỗ có nguồn gốc không rõ ràng để tham gia vào chuỗi sản xuất của họ.
Tình trạng sức khỏe của rừng, quyết định mua bán, tín hiệu từ thị trường là những yếu tố để các doanh nghiệp đưa ra các chiến lược kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp cho biết, dù có rất nhiều lựa chọn khác nhau, nhưng người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được các sản phẩm đồ gỗ có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, bởi họ cho rằng việc này sẽ góp phần vào việc phát triển rừng bền vững.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Các quyết định của nhà mua hàng sẽ tác động đến các nhà nhập khẩu. Nói về những thách thức về nguồn cung gỗ FSC đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của nhà mua hàng quốc tế, ông Trần Lê Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định - cho hay, hiện nguồn cung gỗ FSC của rừng trồng trong nước còn hạn chế. Các sản phẩm FSC chủ yếu tập trung đồ nội thất, viên nén và bột giấy.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đi các thị trường EU, Hoa Kỳ, đại diện Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông cho hay, hiện Công ty mới tập trung vào sử dụng các sản phẩm có chứng nhận nguồn gốc hợp pháp như gỗ cao su. Dù vậy, nguồn gỗ cao su ở Việt Nam đang hạn chế, đa số rừng cao su đang trong giai đoạn khai thác mủ và khai thác từ các hộ dân quy mô nhỏ. Với gỗ cao su đa phần mới sử dụng là phối trộn chứ chưa có đủ nguồn FSC 100%.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho hay, hiện khó khăn lớn nhất khi làm gỗ FSC đó là giá thành cao, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh với các sản phẩm không có chứng chỉ FSC. “Nguồn gỗ keo có chứng nhận FSC hạn hẹp. Chi phí đánh giá FSC cao. Chưa có nhiều đơn hàng đặt hàng bằng gỗ có FSC”, đại diện Công ty Cổ phần Gỗ MDF Thanh Thành Đạt cho biết.
Tất nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ FSC để đón đầu cơ hội thị trường, nhưng con số đó là không nhiều. Hòa Phát là một ví dụ. Doanh nghiệp này đang liên kết với hộ nông dân để trồng rừng có chứng chỉ FSC với sản lượng 15 nghìn tấn/năm, trong đó, tập trung mạnh về gỗ rừng trồng cao su, gỗ teak, keo.
Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến hết 9/2023 tổng số diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 281.000 ha. Nếu tính bình quân khoảng 1/5 diện tích này đến tuổi khai thác mỗi năm, diện tích khai thác mỗi năm khoảng 56.000 ha. Nếu lấy con số bình quân năng suất mỗi ha là khoảng 120 m3, tổng lượng gỗ FSC khai thác mỗi năm từ các diện tích rừng trồng của Việt Nam là khoảng 6,7 triệu m3. Nguồn gỗ rừng trồng có chứng chỉ được sử dụng làm đầu vào cho nhiều hợp phần khác, bao gồm đồ gỗ, ván bóc, ván ghép thanh, MDF, bột giấy và dăm.
Diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là diện tích rừng cao su có chứng chỉ FSC đầu tiên ở Việt Nam là do việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý rừng vùng cho tiểu điền và sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tạo chuỗi cung ứng nguyên liệu có chứng chỉ FSC của mình.
Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng thì đòi hỏi sự vào cuộc nhiều hơn nữa của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương và chính các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng. Theo bà Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC ở Việt Nam “Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và cập nhật các tiêu chuẩn, hướng dẫn mới của FSC và xu hướng thị trường, để đảm bảo nguồn nguyên liệu với giá thành phù hợp và chuỗi cung ứng toàn vẹn đảm bảo truy xuất nguồn gỗ. Hình thành liên kết chuỗi đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn, EU, Bắc Mỹ, Nhật với các yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc gỗ như EUDR và chứng chỉ FSC”.
Gỗ Việt (Số 162 - Hà Anh)
- Gỗ có chứng chỉ FSC: Hướng đi lâu dài của ngành gỗ
- Truy xuất nguồn gốc gỗ trong EUDR: Doanh nghiệp cần tổ chức lại chuỗi cung
- FSC cam kết triển khai thành công EUDR
- FSC cho lâm sản ngoài gỗ: Tiếp cận thị trường thế giới
- REIMAGINE: Cùng AHEC lưu giữ những kí ức Ấn Độ
- Xuất khẩu sang thị trường UAE: Cơ hội nào cho gỗ Việt?
- Hiệp hội Nội thất Indonesia hướng đến Trung Đông qua thị trường xuất khẩu EU
- Cameroon là thị trường cung cấp gỗ lim lớn nhất cho Việt Nam
- FSC cho hộ tiểu điền: Nâng cánh để bay xa
- Tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng viên nén gỗ đối diện với rủi ro cao