Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương lĩnh vực lâm nghiệp
8 hoạt động sẽ được Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian tới. Phóng viên Tạp chí Gỗ Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh vấn đề này
? Thưa ông, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) vừa ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lĩnh vực Lâm nghiệp. Đâu là lý do cho việc ký kết này và trọng tâm trong lần ký kết này là gì?
Trong thời gian vừa qua, Nhật Bản đã hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều về lĩnh vực lâm nghiệp. Cụ thể, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai Chiến lược, chính sách và các dự án quan trọng của ngành như: Hoàn thiện hệ thống luật pháp, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Lâm nghiệp.
Thông qua các chương trình/dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, các dự án vay ưu đãi, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường quản lý rừng bền vững, nâng cao sinh kế cho cộng đồng dựa vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, và biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp. Hầu hết các chương trình/dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam được đánh giá là có hiệu quả, góp phần vào sự thành công của ngành Lâm nghiệp trong những năm vừa qua.
Đối với lĩnh vực thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, Nhật Bản là một trong năm quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới với khoảng từ 1,5 - 2,0 tỉ USD hàng năm.
Mặc dù đạt được những kết quả hợp tác quan trọng, tuy nhiên, hai bên cần phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai quốc gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, làm cho hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, góp phần cho sự phát triển của ngành Lâm nghiệp hai nước.
Do đó, ngày 14/5, tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lĩnh vực Lâm nghiệp. Đây là kết quả của sự phối hợp tích cực trong quá trình xây dựng và tổ chức lễ ký kết Bản ghi nhớ trong không khí đoàn kết, thân thiện.
? Nội dung trọng tâm mà Cục Lâm nghiệp Việt Nam và Cục Lâm nghiệp Nhật Bản sẽ triển khai tại Bản ghi nhớ hợp tác song phương này là gì, thưa ông?
Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lĩnh vực Lâm nghiệp gồm 8 hoạt động chính, bao gồm: Quản lý rừng bền vững; Giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, phát huy giá trị đa dụng của rừng; Tăng cường công tác bảo tồn rừng, đa dạng sinh học và phục hồi cảnh quan rừng; Quản lý rừng để phòng chống thiên tai; Nghiên cứu và Phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực; và tính hợp pháp của gỗ, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ có trách nhiệm.
Trong đó, trước mắt hai bên tập trung phối hợp triển khai 4 lĩnh vực: xây dựng và công nhận lẫn nhau về tính hợp pháp của gỗ nhằm tăng cường thương mại gỗ có trách nhiệm; tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia Nhật Bản có thể sang Việt Nam làm việc và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Phối hợp triển khai tốt Cơ chế Tín chỉ chung (JCM) được ký kết năm 2013; Phối hợp xây dựng và triển khai dự án hợp tác liên quan đến Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO).
? Để hiện thực hóa các nội dung đã được ký kết, 2 bên sẽ triển khai những công việc cụ thể gì, thưa ông?
Sau lễ ký kết này, một trong những công việc đầu tiên để triển khai thỏa thuận hợp tác này đó là 2 bên sẽ xây dựng quy chế nguồn gốc gỗ hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với các đối tác Nhật Bản và Việt Nam sẽ công nhận nguồn gốc gỗ của nhau.
Theo Hướng dẫn xác minh tính hợp pháp và tính bền vững của Gỗ và sản phẩm gỗ (Goho guideline), phía Nhật Bản áp dụng 3 phương pháp để minh chứng nguồn gốc hợp pháp và tính bền vững gồm: Chứng chỉ tự nguyện - FSC, PEFC (FM/CW); Xác nhận bởi các Hiệp hội gỗ trong ngành gỗ (Các Hiệp hội xây dựng bộ quy tắc ứng xử tự nguyện của mình và chứng nhận cho các công ty); Các doanh nghiệp nhập khẩu/mua hàng lớn tại Nhật tự quy định cơ chế kiểm soát nguồn gốc gỗ.
Trong việc xây dựng quy chế nguồn gốc gỗ hợp pháp, về phía Việt Nam, chúng tôi sẽ hướng theo các quy định Goho của Nhật Bản. Những thông tin về quy định này cũng đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ khá rõ ràng.
Tôi cho rằng, với nguồn gốc gỗ đang có Chứng chỉ rừng FSC, PEFC thì chúng ta yên tâm, còn với nguồn gốc gỗ có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam (VFCS) chúng tôi sẽ giải trình, đàm phán để phía Nhật Bản cũng sẽ công nhận chứng chỉ này. Bởi những tiêu chuẩn của VFCS phù hợp quy định Goho của Nhật Bản.
Sau lễ ký kết, chúng tôi cũng sẽ làm việc với Cục Lâm nghiệp Nhật Bản để làm sao đồng bộ hóa quy định của Hiệp định Đối tác tự nguyện và thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với các quy định quản lý lâm sản của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, để đảm bảo toàn bộ nguồn gốc gỗ của Việt Nam là hợp pháp và có giải trình rõ ràng.
Chúng tôi hi vọng quá trình xây dựng quy định nguồn gốc gỗ bền vững của 2 bên sẽ có sự tham gia tích cực của các Hiệp hội Năng lượng Nhật Bản; Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO); Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng sinh khối Nhật Bản (BPA); Hiệp hội Điện và phát điện Nhật Bản và Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam (thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) để cùng ở góc độ doanh nghiệp cùng nhau đưa ra những ý kiến đóng góp ở góc độ lâm nghiệp và ở góc độ năng lượng có nguồn gốc bền vững và giảm phát thải,… từ đó xây dựng quy định đảm bảo toàn bộ nguồn gốc gỗ đáp ứng quy định của cả phía Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi sẽ định hướng và đảm bảo việc này được thúc đẩy nhanh nhất, đảm bảo sự yên tâm cũng như đáp ứng quy định mới nhất về cam kết của Chính phủ 2 bên trong việc giảm phát thải, năng lượng sạch.
Xin cám ơn ông!
Vũ Huy (Gỗ Việt - Số 166)
- PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi (VIFORA): Cởi nút thắt cho chiến lược phát triển lâm nghiệp
- Chỉnh thước ngắm vào thị trường Mỹ
- Các nhà xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia lo ngại về các quy định cấm phá rừng của EU
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng sức cạnh tranh đồ nội thất và thủ công của Indonesia
- Yên Bái có tiềm năng lớn về bán tín chỉ carbon
- Sản xuất xanh: Lợi thế cạnh tranh toàn cầu
- Gỗ rừng trồng FSC: Chìa khóa thành công của doanh nghiệp
- Gỗ có chứng chỉ FSC: Hướng đi lâu dài của ngành gỗ
- Truy xuất nguồn gốc gỗ trong EUDR: Doanh nghiệp cần tổ chức lại chuỗi cung
- FSC cam kết triển khai thành công EUDR