Tăng trưởng xuất khẩu gỗ: Thiếu yếu tố bền vững
Dù đơn đặt hàng đã quay trở lại, nhưng không đến từ sức mua tăng, thị trường xuất khẩu được nhận định vẫn thiếu yếu tố bền vững.
Tin vui đối với tủ gỗ Việt
Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã chính thức công bố về kết luận cuối cùng của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trong vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm, DOC giữ nguyên kết luận sơ bộ điều chỉnh vào tháng 9/2023. Theo đó, 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc bị xác định thuộc phạm vi của lệnh áp thuế hiện hành với Trung Quốc, gồm: Sản phẩm có thành phần cửa, mặt hộc và khung gỗ sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được lắp ráp tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam; Sản phẩm có cửa, mặt hộc và khung gỗ là bán thành phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam; Sản phẩm có các chi tiết bán thành phẩm của cửa, mặt hộc và khung gỗ (bao gồm đai, trụ, ván) được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó tiếp tục gia công tại Việt Nam và được kết hợp với hộp ván tủ và hộp hộc kéo sản xuất ở Việt Nam.
Thông tin về bước tiếp theo, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, DOC sẽ gửi thông báo cho Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) hướng dẫn áp dụng Cơ chế tự xác nhận (Certificate Regime) với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ chế này cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu tủ gỗ của Việt Nam không thuộc 03 trường hợp nêu trên được loại trừ, không phải nộp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các nhà xuất khẩu Việt Nam các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hoàn thành mẫu tờ khai tự xác nhận dành cho nhà xuất khẩu và cung cấp một bản sao cùng các tài liệu chứng minh (hóa đơn, đơn đặt hàng, biên bản sản xuất…) cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, đồng thời nhà nhập khẩu phải hoàn thành mẫu tờ khai tự xác nhận dành cho nhà nhập khẩu trước ngày vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh việc có đơn tự xác nhận, các doanh nghiệp cần lưu giữ các hồ sơ, chứng từ làm căn cứ chứng minh cho xác nhận đó trong vòng 5 năm kể từ khi lô hàng được xuất khẩu để cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ thực hiện việc thẩm tra, xác minh nếu cần thiết.
Về điều tra chống lẩn tránh, Cục Phòng vệ thương mại cho hay, DOC đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/ chống trợ cấp bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6/2022. Trước đó, từ tháng 4/2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.
Vẫn chứa đựng những yếu tố không bền vững
Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm của sản phẩm gỗ trong đó có tủ bếp. Dù đón tin vui đối với mặt hàng này tại thị trọng điểm của ngành gỗ, nhưng ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – vẫn rất lo ngại bởi trong một số báo cáo ngành hàng của Hoa Kỳ cho thấy, hiện thị trường cực kỳ phức tạp, từ đầu năm đến hiện tại, tỷ trọng tiêu thụ mặt hàng này giảm từ 5,7 - 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Lập, xu hướng chung của thị trường tủ bếp đang đứng, có thời điểm có nhúc nhích tăng nhưng không đáng kể. Lý do thị trường tăng được cho là xung đột địa chính trị khiến chi phí logistics tăng đẩy giá hàng hóa tăng theo, do đó, nhiều nhà nhập khẩu quyết định mua hàng để tích trữ trong kho.
“Nhìn thị trường nhiều người cho rằng đang ‘ấm dần lên’, nhưng thực tế, phía các nhà mua hàng có mua cũng chỉ tích trữ trong kho, chứ sức mua thực tế trên thị trường đang giảm”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ và cho rằng, thị trường sản xuất tăng chút đỉnh nhưng thị trường bán thì không tăng. Rõ ràng xu hướng thị trường là không bền vững.
“Sau một thời gian dài lượng nhập hàng giảm mạnh, tồn kho giảm thì nay họ mua thêm hàng vào để phòng trừ nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố cước vận tải tăng giá”, ông Lập nhấn mạnh.
Nói về xu hướng thị trường, ông Vũ Quang Huy - Chủ tịch Chi hội gỗ dán Việt Nam - cho hay, việc này cũng phụ thuộc vào từng thị trường và từng phân khúc khách hàng của mỗi công ty nên có những điểm khác nhau đôi chút. Tuy nhiên, nhìn chung, từ cuối quý I/2024, tức là từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 này, nhu cầu có tăng, nhưng hiện đang bị tác động bởi cước tàu biển. Dự báo, trong 3 tháng tới đây, vấn đề này vẫn tác động khá nặng nề đến xuất khẩu, nhất là xuất khẩu đến các thị trường Hoa Kỳ, EU, Bắc Phi, Ấn Độ,…
Một vấn đề nữa được ông Vũ Quang Huy đề cập đến đó là chi phí nguyên liệu tăng cao quá, nhất là giá gỗ cao su tăng phi mã, có thời điểm tăng trên 1 triệu đồng/m3 khiến doanh nghiệp trong ngành gỗ gặp khó.
“Giá gỗ cao su tăng là do phía doanh nghiệp Trung Quốc sang thu mua khiến ván bóc xuất khẩu tăng đột biến. Cũng có ý kiến cho rằng, giá gỗ cao su tăng được nhận định là do thiếu container cục bộ nên họ thu mua để làm ván sàn container”, ông Vũ Quang Huy cho biết.
Không làm nhiều tại thị trường trong nước, với dòng ván ghép thanh phục vụ cho thị trường xây dựng, theo ông Huy, thị trường cũng có vẻ phục hồi đôi chút. Thị trường bất động sản phục hồi là lực kéo quan trọng đối với dòng sản phẩm này.
Cũng ở góc nhìn tích cực hơn, theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũng như tạo những hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với đa số mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Vì vậy, phát triển bền vững sẽ vẫn là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng, tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan: Tìm hiểu và tuân thủ đầy đủ quy định về Cơ chế tự xác nhận của Hoa Kỳ; tiếp tục theo dõi thông tin cảnh báo sớm của Cục Phòng vệ thương mại để xây dựng phương án kinh doanh, xuất khẩu phù hợp; thông báo cho Cục Phòng vệ thương mại trong trường hợp có vấn đề phát sinh để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Cao Cẩm (Gỗ Việt - Số 168)
- Tự cường trên chuỗi cung ứng
- Hội đồng quản trị quốc tế FSC cho phép ban hành "FSC phù hợp với EUDR"
- Khởi động sáng kiến Hộ chiếu Vườn quốc gia
- Làng nghề gỗ xoay chuyển tìm hướng đi mới
- Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia
- Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác song phương lĩnh vực lâm nghiệp
- PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi (VIFORA): Cởi nút thắt cho chiến lược phát triển lâm nghiệp
- Chỉnh thước ngắm vào thị trường Mỹ
- Các nhà xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia lo ngại về các quy định cấm phá rừng của EU
- Áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng sức cạnh tranh đồ nội thất và thủ công của Indonesia
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng