TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 85

27/12/2016 09:09
TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 85

56 CÂY SANU DẦU NGHỆ AN  LÀ CÂY DI SẢN VIỆT NAM
56 cây samu dầu cùng 5 cây phay sừng có tuổi đời hàng trăm năm nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong (Nghệ An) được công nhận cây di sản Việt Nam. Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 56 cây samu dầu và 5 cây phay sừng là cây di sản Việt Nam và trao bằng công nhận này cho Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. 
 Theo khảo sát của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, chạy dọc biên giới Việt - Lào là quần thể cây samu dầu phân bố trong những cánh rừng tự nhiên hùng vĩ, nằm trong khu vực nhiệt đới hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim với độ cao hơn 1.000m. 
 Quần thể cây samu dầu tại đây bước đầu có thể chia thành 7 khu vực với số lượng lên đến hàng nghìn cây. Trong đó có những cây đường kính lên tới 3,7m, cao 50-60m. Có 56 cây samu dầu và 5 cây phay sừng được vinh danh là cây di sản Việt Nam. 
 Hai loại cây này không chỉ có giá trị về mặt khoa học, về nguồn gen, cũng như về kinh tế mà nó còn tạo ra các ảnh hưởng về văn hóa, tâm linh gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên khu vực giáp biên. 
 Danh hiệu cây di sản Việt Nam được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công bố từ tháng 3-2010. Sau hơn 6 năm đã có hơn 2.225 cây thuộc 80 loài đã được công nhận Cây di sản Việt Nam. 
 Tại Nghệ An, ngoài quần thể 56 cây samu dầu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được công nhận cây di sản Việt Nam thì cây samu dầu hơn 2.000 năm tuổi ở Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) cũng đang giữ kỷ lục cây di sản Việt Nam là cây cao nhất, thân đơn to nhất với chiều cao hơn 70m, đường kính đơn thân 5,5m. 
LUẬT BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG (SỬA ĐỔI): ĐIỀU CHỈNH CÁC HOẠT ĐỘNG  LÂM NGHIỆP THEO CHUỖI GIÁ TRỊ
Hội thảo sửa đổi Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) diễn ra vào ngày 16/12/2016 tại Bộ Nông nghiệp và PTNT. Theo đó cấu trúc các nội dung của Luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm của nhà nước về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia từ quản lý rừng, quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng đến việc điều chỉnh các hoạt động theo chuỗi giá trị lâm nghiệp, từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến, thị trường lâm sản và các dịch vụ liên quan đến rừng và các điều kiện đảm bảo thực hiện Luật. 
 So với Luật BV&PTR năm 2004, bổ sung 4 Chương mới về: Chế biến và Thương mại lâm sản; Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; Quản lý nhà nước về lâm nghiệp và Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp.
 Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn  nhấn mạnh, Luật sửa đổi đảm bảo tính toàn diện và nội dung bao quát, có tính tương đồng với các Luật hiện hành.
 Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cũng chia sẻ, Luật sửa đổi  làm rõ các quy định về chủ sở hữu rừng trong đó xác định vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển rừng. 
 Cũng tại Hội thảo Nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Huy Ngọ  cũng  nhấn mạnh, Luật của Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm tới bảo vệ mà chưa chú trọng nhiều tới khâu phát triển rừng. Trước đây nói bảo vệ và phát triển rừng, nhưng hiện tại sự phát triển rừng trong những năm qua chính là cơ sở cho bảo vệ rừng, từ đó mới nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2015 đạt 7,1 tỷ USD.
 Việc xác định chủ rừng với 3 thành phần kinh tế: nhà nước, tập thể và cộng đồng tác động rất lớn với phát triển rừng, trong đó cá nhân/tập thể và cộng đồng rừng có vai trò thúc đẩy phát triển rừng rất tốt và đóng vai trò thúc đẩy phát triển và bảo vệ rừng trong thời gian vừa qua. 
 Nhiều ý kiến tham gia tại Hội thảo đề nghị sửa đổi tên Luật thành "Luật Lâm nghiệp" cho phù hợp với tình hình hiện tại. 
 Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, theo lộ trình đến tháng 1/2017, Luật này sẽ được trình Chính phủ, đến tháng 6 sẽ trình ra Quốc hội lần đầu. 
TRUNG VÀ TÂY PHI: XUẤT KHẨU GỖ KHÓ CHẠM MỤC TIÊU
 
Theo các báo cáo gần đây, các nhà sản xuất chế biến gỗ ở các nước như Gabon hay Cameroon đang cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới, để bù đắp cho việc ảnh hưởng không tốt từ các chính sách tài chính, thuế vụ đến mục tiêu của họ. Chẳng hạn như ở Gabon, các nhà xuất khẩu đang gặp khá nhiều vấn đề, khi chính phủ Gabon đang hạn chế xuất khẩu gỗ tròn, đồng thời đóng cửa rừng để tránh việc khai thác gỗ tràn lan đang diễn ra ở nước này, khiến cho khối lượng xuất khẩu gỗ cũng giảm đi. Theo báo chí Gabon, Bộ trưởng lâm nghiệp nước này đang đưa ra các kế hoạch để phát triển nguồn tài nguyên rừng trong thời gian tới, trong đó, tập trung vào việc tái tạo các loại cây như bubinga, kevazingo cũng khiến các nhà sản xuất Gabon gặp nhiều khó khăn hơn. Bộ này vừa đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ bubinga không được quá 20.000 m3 trong một năm, và sẽ có điều chỉnh tiếp trong tháng 1 năm 2017 tùy theo tình hình. Trong khi đó, chính quyền Cameroon đang tăng thuế nhập khẩu các loại gỗ từ 17,5% lên tới 20% để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô từ nước này. 
INDONESIA: FAO CHÚC MỪNG INDONESIA CÓ GIẤY PHÉP FLEGT
Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc FAO trong một thông báo trên trang chủ của mình, đã chúc mừng chuyến tàu chở gỗ nguyên liệu có chứng chỉ FLEGT đầu tiên của indonesia cập bến EU. indonesia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á đạt được các yêu cầu của EUTR và đang nỗ lực để giảm xuất khẩu gỗ bất hợp pháp, cũng như thúc đẩy xuất khẩu nguồn gỗ hợp pháp, đó là đánh giá của FAO. Theo tổ chức này, FLEGT đã mở ra một đường bay xanh cho gỗ indonesia xuất khẩu vào thị trường châu Âu, một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất các sản phẩm từ gỗ. FAO nhận xét thêm “Chứng chỉ FLEGT của indonesia dựa trên nền tảng của hệ thống quốc gia  Sistem Verifikasi Legalitas Kayu (SVLK), hoặc gỗ hợp pháp là sự đảm bảo cho hệ thống này, và nó chắc chắn rằng, gỗ sẽ được khai thác, vận chuyển và giao dịch theo luật của indonesia. Được sắp xếp theo hệ thống, và tất cả các danh mục gỗ sẽ được tuân thủ theo Hiệp định đối tác VPA giữa indonesia và châu Âu, và nay có thêm chứng chỉ FLEGT càng làm cho nguồn gốc gỗ được đảm bảo”. 
PERU: CHÍNH PHỦ LÊN KẾ HOẠCH TÁI TẠO RỪNG AMAZONE
Tổng thống Peru, ông Pedro Pablo Kuczynski vừa ra thông báo như vậy, sau chuyến thị sát rừng Amazon ở thị trấn Puerto inca, cách thủ đô Lima 410 km, và kế hoạch của chính phủ Peru sẽ là tái tạo lại 2 triệu ha rừng Amazon ở Peru. Kế hoạch này đề ra hai mục tiêu lớn là duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái của Amazon, và thứ hai là đẩy mạnh sự phát triển của khu vực Huanuco. 
Theo Tổng thống Kuczynski, người dân Peru đang đi sâu vào lãnh thổ của người Anh điêng và rừng Amazon, nhưng vẫn có một khoảng cách về địa lý và giao tiếp giữa những cộng đồng này, điều đó khiến cho việc bảo vệ rừng Amazon gặp nhiều khó khăn hơn, cũng như việc phát triển kinh tế, xã hội ở Puerto inca có nhiều thử thách.