Trực diện cân bằng giới ngành lâm nghiệp

31/01/2024 16:08
Trực diện cân bằng giới ngành lâm nghiệp

Ngành lâm nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển khi các doanh nghiệp tuân thủ các biện pháp thúc đẩy công bằng giới trong tiến trình chứng nhận quản lý rừng bền vững.

Nguyễn Cao Hoàng Quyên, Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân của Phú Yên, một tỉnh thuộc Duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, nuôi ước mơ sẽ thay đổi định kiến về nữ giới làm việc trong ngành lâm nghiệp khi các doanh nghiệp trồng rừng đạt được chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Như nhiều gia đình ở Phú Yên, một phần sinh kế của gia đình Quyên đến từ rừng. Khi còn rất nhỏ, Quyên thường theo cha vào rừng, kiếm mật ong và cây thuốc mang ra chợ bán để có thêm thu nhập. Theo năm tháng, rừng và Quyên gắn bó ngày càng mật thiết, hối thúc cô theo học ngành Lâm nghiệp.

Ba năm qua, Quyên đã góp phần trồng mới 2.000 ha rừng, nhận quản lý bảo vệ 11.000 ha rừng. “Tôi không nhớ đã đi bộ bao nhiêu km đường rừng hay ngủ bao nhiêu đêm trong rừng, chịu đựng bao nhiêu rủi ro, tác động của thời tiết mà không có sóng điện thoại để gọi cứu hộ”. Nhưng cô cho hay “chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ từ bỏ công việc này”.

Một thực tế không thể phủ nhận, nữ giới làm việc trong ngành Lâm nghiệp có khó khăn nhất định, và “khó nhất là sắp xếp việc gia đình”, Lại Thị Nhung, cán bộ kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn ở tỉnh Bình Định, cho hay.  Mỗi một chuyến đi rừng trong 14 năm qua, Nhung đều phải lên kế hoạch cho cuộc sống của gia đình, tính toán việc chồng sẽ chăm con hay gửi con nhờ hàng xóm.
 

Bà Lại Thị Nhung ( Nguồn: GIZ/ Duy Khuong Do)

“Công việc này không hoàn toàn chỉ dành riêng cho nam giới”, Lại Thị Nhung khẳng định.  Bản thân cô muốn tham gia nhiều hơn vào công việc thực địa, nhưng mong mỏi xã hội thay đổi góc nhìn về phụ nữ ngành lâm nghiệp, cũng như được đầu tư điều kiện làm việc tại các trạm quản lý bảo vệ rừng, có tính đến các yếu tố đặc thù của nữ giới.

Rừng Việt Nam, con người và các loài đang sống dựa vào rừng đều đứng trước áp lực ngày càng tăng từ sự phát triển thiếu bền vững cũng như biến đổi khí hậu. Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kon (Công ty Sông Kon) tỉnh Bình Định và Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên là hai trong 6 đơn vị đang cùng GIZ, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai hoạt động trong khuôn khổ dự án Nhân rộng quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (Dự án SFM) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, bao gồm cả lồng ghép công bằng giới trong quản lý rừng bền vững.

Ông Hồ Văn Hể, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ, các tiêu chuẩn và yêu cầu về bình đẳng giới là điều kiện tiên quyết, không thể thiếu trong quản lý rừng bền vững. “Chúng tôi nhận ra nữ giới đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý rừng của công ty”.

Ban lãnh đạo Công ty Sông Kôn đã thay đổi cách nhìn về công tác bình đẳng giới sau khi chứng kiến những thay đổi ở các công ty khác, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn là một ví dụ. Trước đó, Công ty Sông Kôn chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến chủ đề này. Sau khi cử cán bộ tham dự các khóa tập huấn nâng cao nhận thức giới, phân tích giới, và các kỹ năng cũng như thực hành lồng ghép giới vào lập kế hoạch lâm nghiệp do dự án SFM hỗ trợ tổ chức vào tháng 6, 2023. Sự thay đổi nhận thức đã chuyển thành hành động, lãnh đạo Công ty đã quan tâm nâng cao nhận thức giới trong công ty và các đối tác là các chủ rừng, Hội nông dân, Hội phụ nữ.

Cuối năm 2023, Công ty với sự hỗ trợ của chuyên gia dự án, đã chủ động mở lớp tập huấn cho 41 cán bộ nguồn của công ty và mời Hội phụ nữ, Hội nông dân Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ tham gia. Đây là các hạt nhân cùng Công ty Sông Kôn thực hiện cải thiện vấn đề bình đẳng giới trong cộng đồng hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tại lâm phần của Sông Kôn và các cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, thông qua việc tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về giới, công ty đang tổ chức các hoạt động nhân rộng đội ngũ cán bộ hiểu biết về giới và áp dụng các phương pháp để nhận diện vấn đề về giới, xây dựng kế hoạch hành động giới. Đây là một yếu tố quan trọng trong quản lý rừng bền vững.
 

Nguồn: Ông Nguyễn Ngọc Đạo cung cấp

Một thực tế được ông Đạo chỉ ra, “Với việc phụ nữ tham ra công tác trồng, chăm sóc là tốt nhất”. Đối với Công tác quản lý bảo vệ rừng trước đây thì Công ty Sông Kôn ít ký hợp đồng với nữ đứng tên trong hợp đồng. Năm 2023, Công ty ký hợp đồng với 377 hộ nhận khoán, bảo vệ rừng, trong đó có 82 nữ đứng tên ký hợp đồng. Tỷ lệ nữ đứng tên ký hợp đồng và danh sách nữ tham gia trực tiếp bảo về rừng ở mỗi thôn khác nhau. Ở những thôn có nhiều nữ ký hợp đồng và tham gia trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng thì rừng được quản lý và bảo vệ hiệu quả hơn.

Công ty Sông Kôn đã có những thay đổi đáng kể trong chính sách tuyển dụng nhân sự. Trước năm 2023, các trạm quản lý, bảo vệ rừng chỉ tuyển nam, nhưng năm 2023, công ty đã tuyển dụng một cán bộ nữ làm công tác bảo vệ rừng. Nữ cán bộ này đã tình nguyện làm việc tại trạm.”

Những nỗ lực của các Công ty lâm nghiệp Sông Kon không chỉ dừng lại ở mục tiêu được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, mà còn góp phần giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ theo Kế hoạch hành động bình đẳng giới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025.

Santiago Alonso Rodriguez, Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng, phụ trách lĩnh vực hợp tác phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam.
 

Ông Santiago Alonso Rodriguez ( Nguồn: GIZ/ Viettravel)

“Bình đẳng giới là một trong những ưu tiên của hợp tác phát triển của chính phủ Đức và các chính sách ngoại giao. Chúng tôi đang làm rất nhiều việc để thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành lâm nghiệp ở Việt Nam, bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp trong các chính sách tuyển dụng có yếu tố giới, và xây dựng kế hoạch hành động nhằm thu hẹp khoảng cách.”

Gỗ Việt (Hải Vân)