Ngành gỗ Bình Định xoay xở trước khó khăn

15/01/2024 04:22
Ngành gỗ Bình Định xoay xở trước khó khăn

Doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định hiện phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên, hoặc nghỉ Tết dài ngày để giảm áp lực thiếu việc do không nhận được đơn hàng mới…

“Đói” đơn hàng mới

Kết quả hoạt động của ngành gỗ Bình Định năm 2022 thoạt nghe rất phấn khởi, bởi giá trị kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt gần 900 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 61% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Trong đó, nhóm sản phẩm gỗ nội, ngoại thất đạt gần 450 triệu USD, tăng gần 5%; nhóm hàng dăm gỗ, viên nén đạt 290,5 triệu USD, tăng 48%; nhóm hàng nhựa đan đạt 158 triệu USD.

Tuy nhiên, theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, kết quả này đạt được là nhờ những đơn hàng nhận được từ năm trước, sản xuất trong quý I và quý II/2022. Thời gian sau này, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định hầu hết đều “đói” đơn hàng mới. Tình trạng sụt giảm đơn hàng năm nay thê thảm chưa từng thấy của ngành gỗ Bình Định, đó là chưa kể có nhiều đơn hàng bị khách hàng hủy hoặc bị giãn thời gian.

Nguyên nhân được giải thích là do mặt hàng gỗ hiện đang tiêu thụ rất chậm do lạm phát tăng cao, hàng tồn kho chồng chất tại các thị trường tiêu thụ đồ gỗ lớn như Mỹ và các nước châu Âu. Trong khi các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã sản xuất trước theo đơn hàng, chỉ chờ xuất hàng. Khi hàng bị “tắt” đường tiêu thụ, các doanh nghiệp đều gặp khó về kho bãi để lưu hàng và bảo quản lượng hàng tồn đọng rất lớn. Những lô hàng đã xuất được thì bị chậm thanh toán...

Ở Bình Định, một số doanh nghiệp ngành gỗ có đơn hàng sản xuất đến hết quý IV/2022, nhưng năm 2023 thì chưa nhận được đơn hàng mới. Trước thực trạng này, tuy chưa có hiện tượng cho công nhân nghỉ việc hàng loạt như một số doanh nghiệp ở phía Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã phải hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp đã ngừng sản xuất từ tháng 6/2022. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp “giữ việc” cho công nhân bằng cách giảm giá sản phẩm, chấp nhận thua lỗ. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy”, chứ chẳng thể cầm cự được lâu trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt như hiện nay.

Để giải quyết khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác ở Mỹ, làm thêm hàng mẫu để tìm thêm khách hàng. Tuy nhiên, mọi cố gắng đều chìm trong vô vọng, đến giờ vẫn chưa doanh nghiệp nào kiếm được đơn hàng mới, lượng hàng tồn kho vẫn còn chất chồng. Có doanh nghiệp đã thông báo sẽ cho toàn bộ lao động tạm nghỉ việc, ngày hoạt động trở lại không được báo trước.

Tìm lối thoát...

Không kiếm ra đơn hàng mới, hàng tồn đọng đầy kho, các doanh nghiệp ngành gỗ ở Bình Định đã chật vật với khốn khó bủa vây. Đã vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ chủ yếu vay USD để hoạt động, khi tỷ giá USD tăng cao khiến doanh nghiệp càng khốn đốn. Thêm vào đó, chuỗi logictics bị đứt gãy, khiến nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp. Hàng tồn đầy kho mà tiêu thụ không được khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ bị đình trệ, dẫn tới sử dụng điện không đủ công suất, sản lượng điện như đã cam kết từng tháng theo hợp đồng, nên bị ngành điện phạt vì lỗi vi phạm hợp đồng.

Trước những khó khăn kể trên, trong tháng 12/2022, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã nhiều lần làm việc với các sở, ngành liên quan và ngân hàng để tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp thành viên. Sở Công thương Bình Định cũng đã tìm hiểu khó khăn của các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn, đồng thời trực tiếp làm việc với các ngân hàng, ngành liên quan để tìm hướng “sinh tồn” cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Nhờ đó, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh Bình Định đảm bảo tín dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để duy trì sản xuất.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cũng đã đề nghị UBND tỉnh Bình Định và Sở Công thương Bình Định kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan xem xét, tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT; giãn hoặc hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/ NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành gỗ và các ngành hỗ trợ đảm bảo việc hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm bớt áp lực về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành gỗ trụ được giữa khó khăn bộn bề như hiện nay.

Đồng thời, đề ghị Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét, giải quyết linh động các điều khoản hợp đồng, không phạt hợp đồng đối với doanh nghiệp không sử dụng đủ công suất và sản lượng điện.
"Trong 2 năm 2020 và 2021, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, nhưng ngành gỗ Việt Nam lại khởi sắc, hàng bán chạy, nhất là tại thị trường Mỹ và châu Âu. Thế nhưng từ tháng 7 trở về cuối năm 2022, ngành gỗ “tuột dốc” thảm hại. Hàng ùn ứ trong kho khách hàng và cả trong kho của nhà sản xuất, trong khi sức mua hầu như đã kiệt”, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.

Gỗ Việt (Nguồn: Vũ Đình Thung - nongnghiep.vn)