Ngành gỗ Bình Định: Đặt mục tiêu xuất khẩu trên tỷ USD năm 2024
Là một trong 4 trung tâm của ngành gỗ việt Nam, vượt qua 1 năm 2023 đầy khó khăn, ngành gỗ Bình Định đạt tổng kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD, dù giảm nhẹ so với năm 2022 nhưng vẫn rất đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
Ngày 24/1/2023, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định – cho biết, năm 2023 là một năm khó khăn đối với ngành gỗ và lâm sản Việt Nam nói chung, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Bình Định nói riêng. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, nhất là sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường thế giới, Bình Định vẫn vươn lên là một trong 4 trung tâm của ngành gỗ Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022.
Đáng chú ý, từ tháng 8, tháng 9/2023 các hội viên của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã sáng đèn và hoạt động trở lại, từ tháng 10 và tháng 11 đã hoạt động tăng ca 3. Các đơn hàng của doanh nghiệp trong Hiệp hội đã có tới tháng 3/2024 và nhiều nhà máy đã có đơn hàng tới tháng 4/2024. Thị trường đang ấm lại. Do đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đặt mục tiêu năm 2024 đạt giá tri xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Để đồng hành với các doanh nghiệp, trong năm 2024, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, trong đó, sẽ phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng tổ chức Hội chợ đồ gỗ ngoài trời năm 2024. Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Bình Định mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành gỗ nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định nói riêng.
Đáng chú ý, tại Đại hội của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định 2024 – 2027 tới đây sẽ có những nhân sự mới, với tinh thần đoàn kết, kết nối, ông Lê Minh Thiện kỳ vọng sẽ đưa ngành gỗ Bình Định phát triển bền vững, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định – cho biết, 2023 là năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh tăng 3,5% so với năm 2022. Trong các thành tích này có sự đóng góp to lớn của các doanh nghiệp ngành gỗ.
“Toàn tỉnh xuất khẩu 1,6 tỷ USD thì ngành gỗ năm nay đạt 925 triệu USD, thu hút trên 30 nghìn lao động và trên 30 dự án mới với tổng vốn đầu tư trên 30 nghìn tỷ đồng”,ông Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ và cho hay: “Tỉnh ghi nhận sự năng động và linh hoạt của Hiệp hội trong việc chủ động trong công tác kết nối với các cơ quan nhà nước, các hiệp hội trong và ngoài tỉnh để tạo chuỗi cung và duy trì hoạt động sản xuất”.
Đánh giá tình hình năm 2024, ông Nguyễn Tuấn Thanh nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn bởi thị trường bất động sản vẫn đóng băng, tình hình kinh tế thế giới biến động mạnh. Sức mua giảm, trong nước các doanh nghiệp vẫn gặp những vấn đề khi tiếp cận với ngân hàng và vay vốn lãi suất.
Để đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục rà soát lại và tháo gỡ nhanh các thủ tục hành chính. Đồng thời, sẽ tiếp tục triển khai và tổ chức hội nghị lớn đối thoại với các doanh nghiệp toàn tỉnh để nắm bắt tháo gỡ khó khăn.
Bình Định có nhiều gỗ, nhưng việc tạo ra sản phẩm sâu hiện còn ít. Để nâng cao giá trị hàng hóa, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các nhà máy chế biến sâu.
Hiện chứng chỉ FSC là cửa thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang EU. Hiện nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước đang sử dụng ở Bình Định chỉ chiếm khoảng 35% trong tổng giá trị xuất khẩu, còn lại vẫn nhập khẩu gỗ chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất. Do đó, một trong những nhiệm vụ tới đây của Bình Định đó là phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC và trồng rừng cacbon.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đã trao tặng bằng khen cho Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về thành tích xuất sắc trong phong trào Hội và đóng góp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu năm 2023.
Gỗ Việt
- Ngành lâm nghiệp tiềm ẩn khó khăn
- Bộ Nông Nghiệp: Lắng nghe và gỡ khó cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản
- Ngành gỗ Bình Định xoay xở trước khó khăn
- Việt Nam và Cộng hòa liên Bang Đức tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp
- Bán tín chỉ các-bon rừng theo thỏa thuận ERPA thu về 1.200 tỉ đồng
- Indonesia tăng xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc và các nước khác
- Gỗ và lâm sản vượt khó trong năm 2023
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường đều giảm
- Năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 79% kế hoạch đề ra
- Thế khó của FSC trong công nghiệp gỗ Việt Nam