Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực
Bản tin này cập nhật thông tin Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) từ 2022 đến hết tháng 6 năm 2024. Nguồn số liệu sử dụng trong Bản tin là từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (TCHQ), được Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội (HH) gỗ và Forest Trends phân tích.
Theo số liệu của TCHQ, trong giai đoạn 2012 – 2022 mỗi năm Việt Nam nhập khẩu (NK) trung bình khoảng 5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ tròn và gỗ xẻ. Năm 2023 lượng nhập giảm đáng kể so với năm 2022, chỉ đạt gần 4,4 triệu m3, giảm 31%. Sáu tháng đầu năm 2024 Việt Nam nhập khẩu gần 2,4 triệu m3 gỗ tròn và xẻ (quy tròn), với kim ngạch 659 triệu USD, tương đương 54% về lượng và 55% về kim ngạch so với cả năm 2023.
Hàng năm có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ cung gỗ cho việt Nam, trong đó khoảng 40 thị trường thuộc vùng địa lý tích cực, phần còn lại là nguồn cung hay thị trường không tích cực hay thường được gọi là rủi ro. Lượng cung từ vùng địa lý tích cực cao hơn từ vùng rủi ro. Cụ thể, giai đoạn 2022 – 6 tháng đầu năm 2024 lượng cung từ vùng tích cực chiếm từ 60 đến 67% tổng lượng nhập
Nhập khẩu gỗ từ vùng địa lý tích cực
Nhập khẩu gỗ tròn: Trước 2023, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu trung bình trên 1,1 triệu m3 gỗ tròn từ các quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực, kim ngạch nhập khẩu trung bình khoảng 280 triệu USD/năm. Năm 2023 lượng nhập loại gỗ này giảm xuống dưới 1 triệu m3, với kim ngạch khoảng 252 triệu USD. Sáu tháng đầu năm 2024 Việt Nam NK trên 536.600 m3 gỗ tròn từ vùng tích cực, kim ngạch gần 150 triệu USD.
Nhập khẩu gỗ xẻ: Gỗ xẻ nhập khẩu từ các thị trường tích cực có xu hướng giảm cả lượng và kim ngạch. Sáu tháng đầu năm 2024, lượng và kim ngạch NK gỗ xẻ đạt 716,567 m3, kim ngạch trên 266 triệu USD, tương đương lần lượt 52% và 53% so với cả năm 2023.
Nhập khẩu gỗ từ vùng địa lý không tích cực
Nhập khẩu gỗ tròn: Nhập khẩu gỗ tròn tăng cao vào năm 2022 so với các năm trước đó nhưng giảm mạnh năm 2023. Lượng và kim ngạch nhập năm 2023 chỉ bằng một nửa so với năm 2022. Đà giảm tiếp tục được ghi nhận ở 6 tháng đầu năm 2024, với lượng đạt 270,926 m3 và kim ngạch nhập khẩu đạt trên 79,4 triệu USD chỉ tương đương lần lượt là 40% và 39% so với cả năm 2023.
Nhập khẩu gỗ xẻ: Tương tự với nhập khẩu gỗ tròn, lượng và kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ từ thị trường rủi ro có xu hướng giảm trong năm 2023 so với năm trước đó: Lượng và kim ngạch tương đương 66% năm 2022. Lượng nhập 6 tháng đầu năm 2024 tăng, đạt 353,612 m3, ứng với trên 149,6 triệu USD, tương đương 62% về lượng so với cả năm 2023.
Gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu đóng vai trò tối quan trọng đối với ngành gỗ Việt Nam, với lượng nhập mỗi năm đạt 4-5 triệu m3 quy tròn. Lượng nhập này là từ các nguồn cung tích cực và không tích cực (hay còn gọi là nguồn rủi ro). Một số điểm đáng chú ý trong các luồng cung nhập khẩu này như sau:
Gỗ nhập khẩu từ nguồn cung tích cực chủ yếu được sử dụng phục vụ chế biến xuất khẩu, ở dạng các sản phẩm cuối cùng; một phần được sử dụng tiêu thụ trong nước. Gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro hầu hết được sử dụng tiêu dùng nội địa. Khoảng 60-70% lượng nhập là từ nguồn tích cực, phần còn lại (30-40%) là từ nguồn rủi ro. Kể từ 2023 lượng nhập từ cả hai nguồn giảm. Sự suy giảm này được cho là do cầu sản phẩm đầu ra cho các nguồn cung này, bao gồm cả khâu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa giảm.
Hiện chưa có các yếu tố để khẳng định liệu suy giảm trong nhập khẩu kể cả từ nguồn tích cực và rủi ro có phải là xu hướng bền vững trong tương lai hay không. Cầu xuất khẩu phụ thuộc trực tiếp vào các thị trường đầu ra chính, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và EU. Hiện có nhiều yếu tố đang và sẽ tác động tới cầu xuất khẩu tại các thị trường này, bao gồm các chính sách kiểm soát kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lãi suất vốn vay và kiểm soát lạm phát, tỷ giá, kết quả bầu cử tại Hoa Kỳ trong thời gian tới, các xung đột địa chính trị tại Nga – Ukraina và Trung Đông. Cầu trong nước đối với nguồn cung rủi ro phụ thuộc vào tình hình kinh tế trong nước, chính sách kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu và tiềm năng nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước sẵn có để thay thế cho nguồn cung rủi ro nhập khẩu này.
Mặc dù giảm, lượng gỗ rủi ro nhập khẩu còn lớn và điều này tiếp tục đem lại những tác động tiêu cực cho ngành, đặc biệt khâu xuất khẩu. Giảm nguồn rủi ro nhập khẩu có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần phát triển bền vững ngành. Giảm nguồn cung này đòi hỏi các biện pháp đồng bộ từ cả khía cạnh chính sách và từ DN, các hộ làng nghề. Một chính sách mua sắm công đồ gỗ ưu tiên các sản phẩm từ nguồn cung tích cực và/hoặc từ gỗ rừng trồng trong nước trực tiếp góp phần tạo chuyển dịch nguồn cung nguyên liệu từ nguồn rủi ro sang các nguồn tích cực trong tương lai.
Xem thông tin bản tin chi tiết TẠI ĐÂY. Quý vị vui lòng dẫn nguồn khi sử dụng thông tin trong báo cáo.
Gỗ Việt
- Hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ năm 2023
- Xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2023 và xu hướng năm 2024
- Ngành Gỗ Việt Nam 10 tháng đầu năm 2023
- Hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ
- Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực
- Chuẩn bị để thích ứng với Quy định chống mất rừng của EU - Đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông lâm sản
- Chuẩn bị để thích ứng với Quy định chống mất rừng của EU - Vai trò của Hiệp hội và Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
- Chuẩn bị để thích ứng với quy định chống mất rừng của EU: Vai trò của nhà nước trong phân loại rủi ro với Quốc gia/ vùng sản xuất
- Tình hình sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023
- Tình hình sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu