Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực

22/12/2023 04:16
Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực

Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực : Cập nhật đến hết tháng 7 năm 2023.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn và gỗ xẻ, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng trên 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn, trị giá gần 2 tỷ USD (năm 2022), với hàng trăm loài gỗ từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng góp lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 15 tỷ USD năm 2022 và trong khoảng 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa, do nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng tốt yêu cầu về chủng loại và chất lượng của thị trường. Hoạt động nhập khẩu gỗ nguyên liệu với sự đa dạng lớn về loài gỗ cũng như nguồn cung, cùng sự tham gia của nhiều đơn vị nhập khẩu phần lớn là quy mô nhỏ và vừa, tạo nên sự phức tạp trong quản lý và đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng. Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp đã được Chính phủ ban hành vào tháng 9 năm 2020. Đây là một trong những bước đi nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) đã ký với Liên minh Châu Âu (EU). Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị định 102. Theo Nghị định, việc kiểm soát này được dựa theo tiêu chí các vùng địa lý cung cấp gỗ cho Việt Nam (tích cực và không tích cực) và loài gỗ nhập khẩu (rủi ro và không rủi ro) nhập khẩu vào Việt Nam từ các vùng địa lý này. Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp vào tháng 10 năm 2021 (Thoả thuận 301).
Theo Thỏa thuận, Việt Nam cam kết sửa đổi, bổ sung Nghị định 102 liên quan đến tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam để bảo đảm việc đánh giá, xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực một cách khách quan và phù hợp với thực tiễn, và bổ sung đối tượng doanh nghiệp tham gia phân loại doanh nghiệp. Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 102 đã được xây dựng để lấy ý kiến tham vấn và trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Báo cáo này cung cấp thông tin cập nhật về tình hình nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực của Việt Nam đến hết tháng 7 năm 2023. Báo cáo sử dụng dữ liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 7T/2023. Mục tiêu của Báo cáo nhằm cung cấp thông tin đầu vào cho việc thực thi hiệu quả Nghị định 102, Thoả thuận về kiểm soát gỗ bất hợp pháp (với Hoa Kỳ), sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện trong tương lai. Báo cáo gồm có 5 phần chính. 
Thông tin đầy đủ vui lòng tham khảo TẠI ĐÂY. Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin này.

Gỗ Việt