Báo cáo Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực hết năm 2022

21/03/2023 01:57
Báo cáo Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực và không tích cực hết năm 2022

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu lượng gỗ nguyên liệu trị giá hơn 3 tỷ USD từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm 6,36 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ quy tròn. Trong đó, tổng lượng gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu từ 41 thị trường tích cực và 55 thị trường rủi ro lần lượt là 3,82 triệu và 2,54 triệu m3 quy tròn.

Trong cùng năm, nhóm các thị trường tích cực cung cấp cho Việt Nam 1,23 triệu m3 gỗ tròn trị giá 338,4 triệu USD và 1,81 triệu m3 gỗ xẻ trị giá 814,91 triệu USD. Các thị trường rủi ro cung cấp 1,3 triệu m3 gỗ tròn trị giá 409,76 triệu USD và 868,96 ngàn m3 gỗ xẻ trị giá 370,92 USD.

Đối với luồng cung từ các thị trường tích cực, Mỹ, Bỉ và Pháp là các quốc gia cung nhiều gỗ tròn nhất cho Việt Nam. Năm 2022, lượng gỗ tròn nhập khẩu từ ba quốc gia này vào Việt Nam lần lượt là 380,43 ngàn m3, 251,81 ngàn m3 và 114,91 m3. Về các loài nhập khẩu từ nguồn này, các loài nhập khẩu chủ yếu là các loài gỗ rừng trồng, trong đó nhiều nhất là tần bì, thông và sồi với lượng nhập lần lượt là 463,36 ngàn m3, 290,57 ngàn m3 và 109,72 ngàn m3. Về nguồn cung gỗ xẻ, Mỹ, Brazil và Chile là các quốc gia xuất khẩu nhiều gỗ xẻ nhất cho Việt Nam. Năm 2022, lượng gỗ xẻ nhập khẩu từ ba quốc gia này vào Việt Nam lần lượt là 375,69 ngàn m3, 254,32 ngàn m3 và 221, 87 ngàn m3. Các loại gỗ xẻ từ các luồng cung tích cực cũng chủ yếu là gỗ rừng trồng, trong đó nhiều nhất là thông, dương và sồi với lượng nhập lần lượt là 622,88 ngàn m3, 183,71 ngàn m3 và 172,3 ngàn m3.

Lượng và giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ năm 2018 tới 2022 

Lượng gỗ nhập khẩu từ các thị trường rủi ro chiếm đến 40% tổng cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm chủ yếu là nguồn cung từ các nước châu Phi và Lào, và Papua New Guinea. Về gỗ tròn, Cameroon, Papua New Guinea và Nigeria là các quốc gia xuất khẩu nhiều gỗ tròn cho Việt Nam nhất trong năm 2022, với lượng cung lần lượt là 367,55 ngàn m3, 276,67 ngàn m3 và 127,29 ngàn m3. Gõ và lim là hai loài gỗ tròn được nhập khẩu nhiều nhất với lượng nhập lần lượt là 258,76 ngàn m3 và 285,83 ngàn m3. Về gỗ xẻ, Cameroon và Lào cũng là những thị trường cung lớn nhất, với lượng gỗ xẻ nhập khẩu từ hai quốc gia này vào Việt Nam lần lượt là 247,83 ngàn m3 và 236,56 ngàn m3. Lim và gõ cũng là những loại gỗ xẻ được nhập khẩu nhiều nhất, với lượng nhập lần lượt là 219,59 ngàn m3 và 120,43 ngàn m3.

Lượng nhập khẩu từ các thị trường tích cực bị giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022 do chịu tác động mạnh từ các biến động vĩ mô tại các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và EU như chiến tranh, lạm phát làm giảm sức mua tại các thị trường này, từ đó làm co hẹp khâu sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam. Trong khi đó, lượng nhập từ các thị trường rủi ro ổn định hơn, bởi luồng cung này chủ yếu phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước với mức độ tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô ít hơn.

 Nửa cuối của năm 2022 chứng kiến sự suy giảm của luồng cung gỗ nguyên liệu NK từ các khu vực địa lý tích cực. Suy giảm luồng cung nhập khẩu phản ánh sự co giảm sức mua tại các thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ Việt Nam, bao gồm Mỹ, EU. Luồng cung gỗ NK từ các khu vực địa lý nằm ngoài vùng tích cực cũng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm thấp hơn nhiều so với luồng cung nhập khẩu từ các khu vực tích cực. Điều này phản ánh sự ổn địa của thị trường nội địa.

Vui lòng trích dẫn nguồn khi sử dụng thông tin trong báo cáo này.

Gỗ Việt