Xu hướng xuất khẩu dăm gỗ tới Nhật Bản đang chậm lại

23/05/2023 18:29
Xu hướng xuất khẩu dăm gỗ tới Nhật Bản đang chậm lại

Theo đại diện một số doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ ở Bình Định, tại các thị trường thường xuyên nhập khẩu dăm gỗ từ Việt Nam, đặc biệt là Nhật Bản, lượng hàng tồn kho hiện ở mức cao khiến nhu cầu nhập thêm hàng giảm, giá mua vào cũng giảm theo.

Trong khi sản phẩm dăm gỗ giảm sút đơn hàng thì mặt hàng viên nén khả quan hơn. Viên nén gỗ sản xuất ở Bình Định hầu hết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn, nhu cầu nhập khẩu của các đối tác Nhật Bản có thể giảm nhẹ nhưng sẽ hồi phục.

Hiện nay, Nhật Bản đang phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng viên nén gỗ, do đó, nhu cầu về viên nén gỗ sẽ tăng cao.

Ngoài dăm gỗ và viên nén gỗ, đồ nội thất bằng gỗ cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính tới thị trường Nhật Bản.

Trong 3 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đồ nội bằng gỗ của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản đạt 98,8 triệu USD, giảm 25,7% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới Nhật Bản đều giảm mạnh.

Trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 25,8 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 25 triệu USD, giảm 39%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 22,8 triệu USD, giảm 11,1%...

Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản giảm khiến hoạt động xuất khẩu ngành hàng này của Việt Nam chịu tác động. Hàng loạt các yếu tố kém tích cực tại thị trường Nhật Bản như tiêu dùng cá nhân cải thiện nhưng chi tiêu cho hàng hóa lâu bền yếu, đồ nội thất bằng gỗ nằm trong nhóm hàng hóa lâu bền; lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian đã khiến đồng yên giảm giá; đầu tư vào bất động sản chậm lại... Do đó, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản giảm trong 3 tháng đầu năm 2023.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 168,1 nghìn tấn, trị giá 68,5 tỷ Yên (tương đương 511 triệu USD), giảm 16% về lượng và giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, Nhật Bản giảm mạnh nhập khẩu từ các thị trường, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc đạt 82 nghìn tấn, trị giá 34,1 tỷ Yên (tương đương 254,1 triệu USD), giảm 10,2% về lượng và giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là thị trường Việt Nam đạt 41,3 nghìn tấn, trị giá 15,3 tỷ Yên (tương đương 114,1 triệu USD), giảm 16,7% về lượng và giảm 9,4% về trị giá; Malaysia đạt 20,3 nghìn tấn, trị giá 4,3 tỷ Yên (tương đương 31,8 triệu USD), giảm 23% về lượng và giảm 8,8% về trị giá...

Gỗ Việt