Xuất khẩu gỗ bứt phá ngay trong tháng 1/2024
Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường xuất khẩu chính, chiếm 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ nước ta.
ĐIỂM SÁNG HÀ LAN, KỲ VỌNG KHỞI SẮC TỪ HOA KỲ VÀ EU
Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu (EU) trong tháng đầu năm 2024 đã nổi lên “điểm sáng”, đó là xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Hà Lan tăng trưởng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hà Lan ước đạt 9,2 triệu USD, tăng 5,1% so với tháng 12/2023 và tăng tới 93,8% so với tháng 1/2023.
Lý giải “hiện tượng” này, một số chuyên gia ngành gỗ cho biết: do việc thiếu nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ Nga nên Hà Lan đang có nhu cầu gia tăng nhập khẩu gỗ viên nén từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Hà Lan hiện là một trong các thị trường nhập khẩu gỗ lớn của Việt Nam trong EU. Tuy nhiên, Hà Lan cũng là thị trường khó tính, có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này thì việc đáp ứng tiêu chuẩn lại càng hết sức quan trọng.
Liên quan đến thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc Công ty Kim Gia (doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán có tăng trưởng trong năm 2023), nhận định rằng dù lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng thị trường này vẫn chứa đựng nhiều cơ hội phát triển. Năm 2023, trái ngược với việc tập trung vào chiến lược giá rẻ giống như nhiều doanh nghiệp khác, Kim Gia chủ động tiếp cận khách hàng để phát triển sản phẩm phù hợp, cũng như tìm kiếm khách hàng mục tiêu.
“Tại thị trường Hoa Kỳ, các nhà mua hàng vẫn mua gỗ dán làm từ gỗ Bạch Dương với mức giá 360 USD hoặc 370 USD/tấn, nhưng điều quan trọng là tìm ra khách hàng cuối và không qua thương mại Trung Quốc để tăng lợi nhuận. Những yếu tố này đều được tính toán, cân nhắc kỹ càng để giúp Kim Gia đưa ra những quyết định “tấn công” vào hai thị trường California và New York tại Mỹ”, ông Hưởng chia sẻ.
"Đối với thị trường EU, xuất khẩu gỗ vào EU đã bị thu hẹp rất nhiều trong năm 2023. Nhưng dung lượng thị trường xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ vào EU sẽ có dấu hiệu phục hồi rõ nét trong năm 2024, khi các khách hàng từ EU tìm nguồn cung thay thế cho nguồn cung từ Nga và Trung Quốc, sẽ giúp gỗ dán Việt Nam có cơ hội tăng trưởng mạnh trở lại".
Ông Nguyễn Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc Công ty Kim Gia.
Đối với California, đây là nơi mà các dự án bất động sản phải cố gắng tiết giảm chi phí đầu tư cho đồ gỗ nội thất, nên các sản phẩm gỗ dán từ gỗ bạch đàn của Kim Gia mang đến những lợi thế khi so sánh về giá cả và tương quan chất lượng so với gỗ dán từ Bạch Dương. Đối với các sản phẩm gỗ dán phủ phim, thị trường New York có nhiều cơ hội không kém. Đặc điểm của thị trường này là khá lớn khi các nhà đầu tư dự án xây dựng hoặc những người dân thay đổi nhà ở có thói quen thay thế luôn toàn bộ đồ nội thất bên trong, nên tạo rất nhiều cơ hội để Kim Gia khai thác.
“Ngay sau Tết, Kim Gia sẽ thực hiện chuyến đi tiếp cận và kết nối trực tiếp với các nhà mua hàng tại Hoa Kỳ và EU. Đây là chiến lược quan trọng khi doanh nghiệp đã có lịch sử giao dịch với các đối tác và chắc chắn sẽ mang đến những thuận lợi cho năm 2024” ông Hưởng khẳng định; đồng thời, ông nhấn mạnh: các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển được tại thị trường Hoa Kỳ thì vẫn phải chủ động tìm đối tác.
CƯỚC VẬN TẢI HẠ NHIỆT, DOANH NGHIỆP THÊM HY VỌNG
Trong tháng 1/2024, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đã vô cùng lo lắng bởi sự căng thẳng trên Biển Đỏ, khiến giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao. Tuy nhiên đến thời điểm này, giá cước vận tải hàng hóa sang EU và Hoa Kỳ đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khi bước vào tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Điều này mang lại hy vọng cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ.
Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia mới đây, ông Philip Damas, Tổng giám đốc Công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry, cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua, các công ty xuất khẩu sẽ dễ kiểm soát và tổ chức hơn. Đồng thời, giá cước vận tải giao ngay (spot rates) sẽ giảm mạnh sau khi tăng sốc trong giai đoạn đầu.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), hiện cước vận tải container 40 feet từ Việt Nam sang châu Âu chỉ còn 3.786 USD, tuy vẫn còn rất cao so với các năm trước nhưng đã giảm so với tháng 1/2024. Hiện VIFOREST đang theo dõi sát sao những biến động về vận tải hàng hóa trên thế giới, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành, khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ để giảm thiểu tác động.
Dự báo về tình hình xuất khẩu của ngành lâm sản năm 2024, ông Lập cho biết với kết quả tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong tháng đầu năm, cùng những thuận lợi đang có, ngành chúng tôi phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023...
Gỗ Việt (Nguồn: VnEconomy)
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hà Lan tăng 93,8%
- Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam: Tháng đầu năm 2024 thu về gần 1,5 tỷ USD
- MIFF 2024 mang tới trải nghiệm hoàn toàn mới
- Ngành gỗ Bình Định: Đặt mục tiêu xuất khẩu trên tỷ USD năm 2024
- Ngành lâm nghiệp tiềm ẩn khó khăn
- Bộ Nông Nghiệp: Lắng nghe và gỡ khó cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản
- Ngành gỗ Bình Định xoay xở trước khó khăn
- Việt Nam và Cộng hòa liên Bang Đức tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp
- Bán tín chỉ các-bon rừng theo thỏa thuận ERPA thu về 1.200 tỉ đồng
- Indonesia tăng xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc và các nước khác