“Bùng nổ” xuất khẩu đồ gỗ: Kỷ lục 11,5 tỉ USD, tăng gấp 50 lần trong 20 năm
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2019 thiết lập mốc kỷ lục 11,5 tỉ USD, tăng gần 20% so với năm trước. Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam không giấu giếm những mục tiêu đầy tham vọng đưa tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ lên 20 tỉ USD vào năm 2025, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ “Made in Việt Nam”.
Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ tại Việt Nam đã tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ trong gần 20 năm qua. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ mới chỉ đạt 219 nghìn USD; đến năm 2019 vượt 11,5 tỉ USD, tăng gấp 50 lần. Doanh thu đồ gỗ tại thị trường nội địa năm 2000 không đáng kể, thì năm 2019 ước đạt 3 tỉ USD. Năm 2000 cả nước chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, đến năm 2019 cả nước có khoảng 5.300 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đồ gỗ, đó là chưa tính hàng chục nghìn hộ sản xuất quy mô nhỏ tại các làng nghề gỗ.
BÙNG NỔ XUẤT KHẨU
Trong 20 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đã làm nên một kỳ tích, tăng trưởng phi thường. Sản phẩm gỗ Việt Nam không chỉ tạo dựng được thương hiệu gỗ Made in Việt Nam, mà còn tạo sức lan tỏa ở khắp các thị trường Âu, Mỹ… Hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc và là một trong 5 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới, ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Tổng thư ký của Hiệp hội gỗ và lâm sản nhận định. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ năm 2019 ước đạt giá trị 11,5 tỉ USD, tăng 19,5% so với năm 2018. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam với mức thặng dư hơn 7 tỉ USD, tăng tới 20,9% so với năm 2018. Trong năm 2019, Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu so với các nhà xuất khẩu gỗ nhiệt đới khác như Indonesia, Malaysia hay một số nhà xuất khẩu khác. Việc tận dụng tốt các cơ hội là động lực thúc đẩu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã góp phần giúp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam bứt phá.
Về thị trường, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí 5 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam với khoảng 81% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này trong năm vừa qua. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng tới 34,5% trong năm 2019. Nếu như năm 2018, thị trường Mỹ chiếm 42,6% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ nước ta, thì năm 2019 đã vươn lên chiếm gần 48% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này. Xếp thứ hai là Nhật Bản, năm 2018 chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch, thì năm 2019 cũng chiếm thị phần tương đương. Năm vừa qua, xuất khẩu đồ gỗ chứng kiến sự suy giảm ở thị trường Trung Quốc, nếu như năm 2018 chiếm 13,2% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ nước ta, thì năm 2019 đã tụt xuống 12,2%. Vị trí thứ tư thuộc về khối EU, chiếm 9,3% trong năm 2018 và 8,4% trong năm 2019. Thứ năm là Hàn Quốc, chiếm 11,1% năm 2018 và 8,3% trong năm 2019.
Xét về chủng loại sản phẩm, dăm gỗ, viên nén gỗ, các loại ván và đồ nội thất là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao. Năm 2018, lượng viên nén gỗ xuất khẩu khoảng 3,02 triệu tấn, kim ngạch 409,4 triệu USD. Trong 3 quý đầu năm 2019, xuất khẩu viên nén đạt 2,21 triệu tấn và 259,1 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu dăm gỗ mở rộng rất nhanh trong thời gian gần đây và đang có xu hướng tăng: năm 2018 đạt 10,38 triệu tấn khô (tương đương với 20,2 triệu m3 gỗ quy tròn) đem về 1,34 tỷ USD, chiếm 15,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tất cả các mặt hàng gỗ trong cùng năm. Lượng dăm xuất khẩu 3 quý đầu năm 2019 đạt 9,06 triệu tấn, đem về 1,27 tỉ USD. Ước tính xuất khẩu dăm gỗ cả năm 2019 đạt hơn 12 triệu tấn và gần 1,7 tỉ USD. Các thị trường nhập khẩu dăm gỗ của Việt Nam bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đồ gỗ nội thất và bộ phận nội thất là nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, đạt 4 tỉ USD trong năm 2018 (chiếm trên 47% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gỗ) và 3,37 tỉ USD trong 3 quý đầu năm 2019. Ước tính kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ nội thất và bộ phận nội thất của năm 2019 vào khoảng 4,5 tỉ USD.
Ghế ngồi là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ. Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng trên dưới 80 triệu chiếc ghế ngồi, với kim ngạch đạt trên 1,3 tỉ USD. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ghế ngồi của Việt Nam đạt 1,36 tỉ USD. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu ghế lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào tất cả các thị trường; tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ván ghép đồ mộc xây dựng cũng là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu tương đối, đạt 236,6 triệu USD trong năm 2018 và 199,7 triệu USD trong 3 quý đầu năm 2019.
KHÁT VỌNG 20 TỶ USD
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang có sự mở rộng rất nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu liên tục thiết lập những kỷ lục mới, tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng ở mức 2 con số trong suốt nhiều năm. Xu hướng hiện tại cho thấy ngành sẽ tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng, đặc biệt ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Động lực phát triển của ngành cũng thể hiện qua nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với lượng các dự án FDI đầu tư vào ngành tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Động lực phát triển và mở rộng của ngành là hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến các cơ chế chính sách thông thoáng trong xuất nhập khẩu và đầu tư, nguồn nhân công rẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, tiếp cận nguồn nguyên liệu thuận lợi và đặc biệt phải kể đến tính năng động và sáng tạo tuyệt vời của các doanh nghiệp. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đem lại những cơ hội vô cùng to lớn cho ngành trong việc mở rộng thị phần, tạo ra tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu. “Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam không giấu diếm những mục tiêu đầy tham vọng đưa tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ lên 20 tỉ USD vào năm 2025, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ Made in Việt Nam và tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm,mở rộng quy mô sản xuất hiện có và phát triển những công nghệ mới”, ông Trị nhấn mạnh.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends phân tích: Bức tranh thương mại gỗ toàn cầu hiện đang có nhiều thay đổi và điều này đang tác động trực tiếp đến ngành gỗ Việt Nam. Có một số nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi, bao gồm thay đổi trong các yêu cầu về tính pháp lý của các mặt hàng gỗ tại các thị trường tiêu lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện chưa có dấu hiện dừng lại cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra những dịch chuyển về cung – cầu về sản phẩm hàng hóa. Ngành gỗ Việt Nam đã và đang có những ứng phó tích cực nhằm đáp ứng với các thay đổi này. Các ứng phó bao gồm các cơ chế chính sách mới tại cấp quốc gia và các thay đổi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mở rộng sản xuất, nắm bắt các cơ hội mới của thị trường.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, cùng với những thuận lợi, ngành chế biến gỗ ở Việt Nam cũng đang đối mặt với những rủi ro, bao gồm rủi ro trong gian lận thương mại và trong nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, với một số dấu hiệu cho thấy một số mặt hàng đồ gỗ nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, lấy nhãn mác của Việt Nam và xuất khẩu vào Hoa Kỳ nhằm tránh các mức thuế mới mà Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ông Phúc khuyến cáo, để kiếm soát rủi ro, cơ quan quản lý cấp trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội gỗ địa phương để theo dõi, nắm bắt tình trạng đầu tư chui, đầu tư núp bóng, từ đó hình thành các cửa chốt quan trọng trong kiểm soát đầu tư FDI. Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra và xử lý vấn đề gian lận thương mại. Trong đó, các cơ quan quản lý trực tiếp có liên quan như cơ quan phụ trách xuất nhập khẩu, phòng vệ thương mại, hải quan, đầu tư nước ngoài, cơ quan cấp C/O và các hiệp hội gỗ tích cực phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình dịch chuyển về trình độ quản lý, lao động tay nghề cao, khoa học và công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa.
CHU KHÔI - GV 118
- Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán của Việt Nam
- Tân Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập: Đổi mới nhận thức, hướng tới tương lai
- HỘI THẢO: THỰC TRẠNG XUẤT NHẬP KHẨU VÀ CHUYỂN DỊCH FDI TRONG NGÀNH GỖ
- Ngành gỗ và bài toán lao động
- GIẢI GOLF VIFORES 2019: GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG GỖ VIỆT NAM
- ĐẠI HỘI BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN VIỆT NAM NHIỆM KỲ IV (2019 - 2024)
- Xuất khẩu gỗ 8 tháng đầu năm tăng nhanh
- Thêm một bước để đảm bảo gỗ Việt Nam hợp pháp
- Bộ Công thương cảnh báo gỗ dán nước ngoài núp bóng xuất xứ Việt Nam
- Gỗ cứng Hoa Kỳ tiếp tục tăng tại thị trường trọng yếu Việt Nam
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu