Bất động sản, hay là câu chuyện về sự phát triển ngành gỗ

30/05/2021 14:35
Bất động sản, hay là câu chuyện về sự phát triển ngành gỗ

Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản, không phải bất động sản khu công nghiệp mà trọng tâm là bất động sản nhà ở”, ông Trần Đình Long, chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát mới chia sẻ với báo chí về hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Không ai có thể làm thép mãi được. Hoà Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản, không phải bất động sản khu công nghiệp mà trọng tâm là bất động sản nhà ở”, ông Trần Đình Long, chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát mới chia sẻ với báo chí về hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Trên thực tế, Hòa Phát cũng đã tham gia đầu tư bất động sản từ sớm với việc thành lập một công ty bất động sản có vốn điều lệ 2.000 tỉ và đang nắm trong tay quỹ đất khá lớn. Đầu tư bất động sản không còn là câu chuyện mới với các doanh nghiệp lớn trong nước nhưng nó thì có liên quan gì đến sự phát triển của ngành gỗ? Nhìn lại chặng đường hai thập kỉ phát triển của ngành gỗ vừa qua, chúng ta đã đạt được bước tiến lớn và lần đầu tiên vào tháng 8/2018, Chính phủ có hội nghị toàn quốc về ngành gỗ, đó là sự ghi nhận về vai trò và giá trị như một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Nhưng khi đã đạt giá trị xuất khẩu tới hai con số và cần một sự chuyển biến lớn hơn, ngành gỗ và các doanh nghiệp phải làm gì để khiến cho nền tảng phát triển đó thật sự vươn tới một tầng nấc mới, nghĩa là đạt tới giá trị cao nhất của thành công, không chỉ ở mặt thương hiệu, giá trị gia tăng, mà còn là lợi nhuận, lợi nhuận tối đa, và lợi nhuận chính là động lực để phát triển.

Muốn ngành gỗ phát triển bền vững thì phải có lợi nhuận và lợi nhuận càng ngày càng tốt. Nhưng có một thực tế cần nhìn nhận rằng, nếu một doanh nghiệp gỗ có điều kiện để đầu tư bất động sản (mang lại lợi nhuận nhiều hơn là chế biến gỗ trong ngắn hạn, trong khi sản xuất chế biến gỗ gặp nhiều rắc rối hơn), vậy doanh nghiệp gỗ có tiếp tục kinh doanh trong ngành gỗ nữa không? Đó không chỉ là câu hỏi đơn thuần, mà đã được đặt ra từ lâu trong ngành, vì doanh nghiệp luôn tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận ở lĩnh vực nào cao hơn thì đầu tư vào đó. Có thể mỗi doanh nhân có tâm huyết và bền bỉ với ngành gỗ nhưng con cái họ muốn đầu tư vào ngành khác với lợi nhuận tốt hơn. Nếu một doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư bất động sản, nó không phải câu chuyện cá biệt hoặc khác thường, khi chúng ta nhìn nhận ở khía cạnh đầu tư và kinh doanh. Nhưng đặt ngược lại câu hỏi, nếu chế biến gỗ không mang lại lợi nhuận cao thì tại sao doanh nghiệp FDI vẫn đầu tư vào ngành. Câu trả lời đơn giản, vì ngành gỗ vẫn mang lại lợi nhuận, và lợi nhuận là vô cùng quan trọng trong hoạt động đầu tư.

Đến đây, chúng ta quay trở lại với mục tiêu phát triển ngành gỗ trong thời gian tới, và muốn ngành gỗ phát triển tới mức cao nhất, và bước sang giai đoạn mới vẫn phải bắt đầu từ yếu tố cơ bản là lợi nhuận, và muốn có lợi nhuận thì phải có năng suất lao động cao, bằng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ, thiết kế, quản trị (doanh nghiệp và chính sách). Để tăng lợi nhuận cũng cần phải tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao. Và muốn ngành gỗ phát triển phải xây dựng được thế hệ tiếp nối theo ngành gỗ với những ý tưởng mới. 

Cẩm Lê (Gỗ Việt số 133, tháng 05/2021)