Hi vọng mới, áp lực cũ

27/04/2021 06:17
Hi vọng mới, áp lực cũ

Quý I/2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 3,944 tỉ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,699 tỉ USD, tăng 41,5 %. Theo nguyên lý chung, khi càng phát triển thì rủi ro càng cao, đó là điều mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã nhận định, nhưng cũng không làm giảm sự lạc quan của các cơ quan quản lý nhà nước về sự tăng trưởng của ngành không chỉ trong năm 2021 mà còn cho các năm tiếp theo.

Những thành công đầu năm

Tiếp nối thành công của năm 2020, những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tiếp tục khẳng định vị thế với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Lợi thế của Việt Nam là có môi trường sản xuất an toàn nhờ kiểm soát dịch Covid-19 một cách chặt chẽ trong khi hàng loạt quốc gia phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy. Mặt khác, các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất Việt Nam có khả năng nhận diện thị trường tốt và tận dụng các cơ hội khá hiệu quả. Điều đó đã giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam có mặt ở các thị trường lớn thường xuyên là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đồng thời, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Italia để vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc trong số các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Theo ông Trần Lam Sơn, Công ty Thiên Minh Furniture, các nhà mua hàng quốc tế ngày càng đánh giá cao năng lực sản xuất, mẫu mã cũng như công nghệ của các doanh nghiệp chế biến gỗ và nội thất Việt Nam. Hơn nữa, trải qua cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch Covid-19, các nhà phân phối hàng đầu thế giới có xu hướng đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn cung an toàn hơn và Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu đó, nên chúng ta cần tận dụng tốt thời cơ này.

Trong bối cảnh giao thương hạn chế, kinh tế toàn cầu suy giảm, việc ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam vươn lên khẳng định vị thế mới không chỉ nhờ may mắn mà là kết quả của một quá trình nỗ lực thích ứng, đổi mới từ đầu tư sản xuất đến phương pháp tìm kiếm khách hàng của các doanh nghiệp sản xuât trong nước. Điển hình là việc khai thác các sản phẩm tủ bếp, đồ ngoại thất ở thị trường Hoa Kỳ, khi người dân nước này ở nhà nhiều hơn vì dịch bệnh Covid-19, đã giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này tăng tới 60% so với cùng kỳ trước đó. 

Bà Phạm Thị Hồng Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt cho biết, năm 2020 doanh thu của công ty tăng tới 40% dù nhiều thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng. Những tháng đầu năm 2021 đơn hàng vẫn tiếp tục tăng vì các nhà nhập khẩu nước ngoài đã bắt đầu mùa mua hàng mới phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm.

Theo các doanh nghiệp trong nước, khi dịch Covid-19 diễn ra tới đỉnh điểm ở hầu hết các nước trên thế giới, họ đã đánh giá đấy có thể là cơ hội cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất, nhiều công ty đã tiến hành cải tiến nhà máy sản xuất, đầu tư chuyên sâu về công nghệ để nâng cao năng suất. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đa chức năng, phù hợp với nhu cầu của các thị trường lớn trong thời dịch.

Kiểm soát rủi ro

"Giá trị xuất khẩu của ngành gỗ vẫn đang ở giai đoạn thăng hoa và nếu đà tăng trưởng này được duy trì, con số 14-14,5 tỉ USD là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, con số này vẫn ẩn chứa các khía cạnh chưa bền vững", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến những rủi ro của ngành, như trong suốt năm qua. Vì theo ông, như đã phân tích nhiều lần trước đó, ngành gỗ vẫn đang đối mặt với các vụ kiện và gian lận thương mại và xu hướng các vụ kiện ngày càng phức tạp và càng tăng. Cụ thể, mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đang bị Chính phủ Hoa Kỳ điều tra. Kết quả của điều tra này có thể sẽ có rất sớm. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang điều tra theo điều khoản 301 về cả ngành gỗ Việt Nam. Các tín hiệu về gỗ bất hợp pháp, về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng vẫn đang là những thách thức chưa thể giải quyết triệt để. 

Và tất cả những yếu tố đó khiến ngành gỗ tiếp tục phải vượt qua chính mình, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, đặc biệt lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới. Cũng như khiến các hiện tượng đầu tư núp bóng không còn chỗ dung thân.

Tiếp tục nắm lợi thế

Để đạt được mục tiêu đặt ra, theo thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngành gỗ phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu. Tuân thủ nghiêm ngặt và phải kiểm soát rất chặt chẽ để bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp. Cùng với đó, nâng cao chứng chỉ rừng bền vững trong nước.

Về phía doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn. Thiết lập các chương trình thị trường số, chỉ có như vậy mới kết nối được với thế giới và kết nối ngay với các doanh nghiệp ở trong nước. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị, theo dõi cả chuỗi chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp. Đa dạng thị trường và đa dạng phương thức bán hàng là rất cần thiết, đặc biệt chú trọng thương mại điện tử.

Trong khi để giảm thiểu những rủi ro trong các hoạt động đầu tư FDI vào ngành gỗ, hiện Ban chính sách của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đang phối hợp với các hiệp hội để xây dựng bản tiêu chí làm nền cho các hiệp hội trong cả nước tham gia góp ý vào các dự án đầu tư FDI vào ngành gỗ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh cần tham vấn. Việc này nhằm tránh tình trạng mỗi hiệp hội ở các địa phương tham vấn theo một tiêu chí khác nhau.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị Chính phủ thiết lập cơ chế kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng trốn xuất xứ, gian lận thương mại, đầu tư núp bóng. Nhóm hành động này gồm đại diện của Hải quan, Tổng cục Lâm nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, để xác định các công ty, mặt hàng có dấu hiệu rủi ro gian lận, từ đó kiến nghị các biện pháp xử lý. 

Trần Toản (Gỗ Việt số 132, tháng 04/2021)