Xuất khẩu thương hiệu gỗ, tại sao không?

27/04/2021 05:45
Xuất khẩu thương hiệu gỗ, tại sao không?

Sự kiện Grand Marina, Saigon đã bán những căn hộ hàng hiệu đầu tiên cho các khách hàng của câu lạc bộ Asia Bankers Club mua với mức giá khởi điểm là 1 triệu USD (khoảng 23,5 tỉ VNĐ) đã tạo ra một hiệu ứng lớn với không chỉ bất động sản Việt Nam, mà còn cho cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Sự xuất hiện của một mô hình bất động sản mới tại Việt Nam, bất động sản hàng hiệu trong đô thị, mặt bằng giá căn hộ hạng sang tại thị trường trong nước, cùng lúc được bảo chứng bởi thương hiệu Marriott International đã tạo niềm tin cho khách hàng thế giới. Điều đó cho thấy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn là nước duy trì được sự tăng trưởng GDP trong năm 2020 và được Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ tăng GDP ở mức 6,81% trong năm 2021 có thể mang lại những thuận lợi như thế nào cho mỗi ngành công nghiệp.

Sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố, những phương thức làm việc, với tầm vóc suy nghĩ và sự táo bạo trong hành động chiến lược đã đưa bất động sản Việt Nam ra bản đồ bất động sản thế giới, và sẽ là một ngành đầy tiềm năng để khai thác trong tương lai. Nó hẳn là một bài học về thương hiệu, cách tạo ra giá trị và thật sự vươn tới thế giới đối với ngành gỗ Việt Nam, nơi chúng ta có nhiều thuận lợi để có thể xuất khẩu được thương hiệu gỗ của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của cả ngành gỗ nói chung tới thị trường quốc tế một cách bài bản và chuẩn mực.

So với bất động sản, ngành gỗ có sự linh hoạt của các nhà sản xuất, có giá trị xuất khẩu tăng trưởng liên tục trong hai thập kỉ qua, đã xây dựng được nền tảng vững về năng lực sản xuất, chú trọng tới công nghệ hiện đại, đổi mới quản trị doanh nghiệp và đã được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ngành gỗ có nhiều thuận lợi về nền tảng để xây dựng được thương hiệu cho ngành, với những bài học cơ bản mà chúng ta đã nói đến nhiều năm qua để có thể tạo ra thương hiệu đó chính là thiết kế, sáng tạo, chiến lược tiếp thị, kết hợp với các đơn vị tư vấn có chuyên môn, hoặc các thương hiệu nổi tiếng thế giới như cách Grand Marina, Saigon kết hợp với Marriott International.

Ngành gỗ cần xây dựng được một đội ngũ thiết kế giàu ý tưởng, có kinh nghiệm, khả năng thiết kế cập nhật, có thể dự đoán xu hướng, tạo ra xu hướng, thích ứng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cộng với năng lực sản xuất và một đối tác hoàn hảo trên thế giới làm cầu nối cho thương hiệu gỗ Việt Nam được định hình. Chúng ta cần nhìn vào những bài học mà Grand Marina, Saigon đã tạo dựng trong những ngày vừa qua và mở ra một hướng đi thật sự có thể mang lại hiệu quả như chờ đợi, đó là xuất khẩu thương hiệu gỗ Việt Nam ra thế giới.

Cẩm Lê (Gỗ Việt số 132, tháng 04/2021)