Năm 2021 Rừng xanh hơn, xuất khẩu gỗ cao hơn
Năm 2020, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 13,17 tỉ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỉ USD tăng 17,9% so với năm 2019. Năm 2021, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỉ USD, tuy nhiên mối lo lớn nhất của ngành này là nguy cơ đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt là kiện chống lẩn tránh thuế.
Đặt mục tiêu 14 tỉ USD
Thông tin kết quả nổi bật lĩnh vực lâm nghiệp năm 2020, ông Phạm Văn Điển - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, toàn ngành đã trồng 230.288 ha rừng, đạt 105% kế hoạch năm. Một số tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch trồng rừng là: Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình và Quảng Nam; Các tỉnh khoanh nuôi tái sinh hoàn thành và vượt kế hoạch là Khánh Hòa, Quảng Bình, Phú Yên, Sơn La và Nghệ An. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%. Năm 2020 cả số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm so với năm 2019. Khai thác khoảng 30 triệu m3 gỗ, đạt 105% kế hoạch năm, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến.
Về giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020 đạt khoảng 13,17 tỉ USD, vượt 5,4% kế hoạch năm 2020, tăng 16,4% so với năm 2019. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt 2,55 tỉ USD, tăng 0,6 % so với năm 2019. Xuất siêu ước cả năm đạt 10,5 tỉ USD tăng 17,9% so với năm 2019. Về chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến hết năm 2020, cả nước thu được 2.566,86 tỉ đồng, trong đó Trung ương thu 1.604,7 tỉ đồng; địa phương thu 962,16 tỉ đồng. Đặt mục tiêu cho năm 2021, ông Phạm Văn Điển cho biết, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; giảm tối thiểu 10% về số vụ vi phạm và 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 14 tỉ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng đạt 2.800 tỉ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những kết quả của ngành Lâm nghiệp đã đạt được trong năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, cùng với đó, hoạt động logistics gặp khó khăn do việc thiếu container khiến giá cước vận tải tăng cao. Biến đổi khí hậu, thời tiết dị thường khiến ngành này đối diện với cả mưa bão và cháy rừng. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hơn 10% trong những năm gần đây khiến ngành Lâm nghiệp đối diện với các cuộc cạnh tranh thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, toàn ngành đã đạt được mục tiêu đề ra. Năm 2020, xuất khẩu lâm sản không những duy trì mà vượt kế hoạch đặt ra, đây là cứu cánh cho toàn ngành Nông nghiệp.
Biểu dương kết quả tương đối toàn diện ở mức cao của toàn ngành Lâm nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý những tồn tại, nút thắt cần chú ý không chỉ trong năm 2021 và cả những năm tới. Theo đó, mặc dù tự hào về tăng hệ thống che phủ rừng lên 42%, nhưng nhìn sâu lại thì 3 khu vực trọng điểm hoàn toàn chưa yên tâm gồm: Tây Bắc,Tây Nguyên, rừng ven biển. 3 khu vực liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước đặc biệt cả yếu tố bền vững về mặt địa lý. Tây Bắc hiện độ che phủ chỉ đạt 46%, Tây Nguyên đạt 45%,rừng ven biển độ che phủ, chất lượng còn quá thấp. Do đó, kế hoạch trung, dài hạn, chiến lược, đề án cần tập trung cao độ vào khu vực này. Chính sách khoanh nuôi bảo vệ, hỗ trợ phát triển rừng rất nhiều nhưng đến nay chưa thỏa đáng, đủ sức tích cực để kích thích người tham gia, đối tượng tham gia, phục hồi phát triển rừng.
Đối với nhóm rừng trồng đến thời điểm này chúng ta không thể phủ nhận vai trò của cây keo nhưng chỉ tập trung vào cây keo cùng là vấn đề cần tính, cần tính đến cơ cấu cây trồng để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc khai thác non,không đúng chu kỳ phát triển bền vững còn phổ biến. Tình trạng vi phạm lâm luật, phá rừng và cháy rừng còn nhiều. Ngành chế biến gỗ đang mất cân đối vùng,tập trung chủ yếu ở miền Nam và tỉnh miền Đông, trong khi các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Bộ thì còn thiếu các nhà máy, khu công nghiệp ngành gỗ. Dẫn đến logistics cao, thu mua nguyên liệu của người dân thấp, không kích thích được tái tạo, phát triển rừng. Lâm sản ngoài gỗ và kinh tế rừng chưa nhiều, chưa phản ánh đúng tiềm năng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những thách thức đó là cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt. Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường mà ngành gỗ XK nhiều nhất giờ đều "giơ thẻ" (tức là điều tra chống lẩn tránh thuế). Đây là điều hết sức nguy hiểm cần phải lưu ý. Vì vậy, Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp cần phải tiếp tục đẩy nhanh việc trồng rừng, để tạo nguyên liệu bền vững cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ. Đồng thời “sát cánh” cùng cộng đồng ngành gỗ trong bối cảnh thị trường biến động.
Lo đầu tư 'chui, núp bóng'
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng lưu ý trong ngắn hạn ngành gỗ cần có một số việc phải cố gắng đó là kiên định phát triển sản xuất với tăng trưởng bền vững, dứt khoát phải bảo vệ rừng, phát triển rừng tốt hơn. Đặc biệt, ngành lâm nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ việc chặt cây trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, không thể nói việc này khó làm. Tuyệt đối không để đào cây từ trên rừng đem đi tiêu thụ. Liên quan đến các giải pháp ngăn chặn việc bị điều tra chống lẩn tránh thuế, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển cho rằng nhiều năm nay ngành lâm nghiệp đã đưa các giải pháp nói không với gỗ bất hợp pháp trong chiến lược, kịch bản chỉ đạo, phát triển của ngành. "Chúng tôi vận động doanh nghiệp, toàn dân thực hiện việc này. Điều này đã được thể hiện bằng hành động là Việt Nam ký Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với EU. Hiệp định này có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Ông Điển cho biết: Cách đây 3 tuần, trong một hội nghị hỗn hợp cấp Chính phủ giữa Việt Nam và EU, phía EU đã ghi nhận Việt Nam đang triển khai rất tốt Hiệp định VPA. Tuy vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp vẫn bày tỏ mối lo về việc DN nước ngoài đầu tư chui, núp bóng để giả mạo xuất xứ gỗ Việt Nam rồi XK. Theo ông, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... không tránh khỏi hàng nước ngoài trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để XK, hưởng thuế suất 0%. Tuy nhiên, đây là nguy cơ cực kỳ lớn, nếu bị đối tác phát hiện, ngành gỗ sẽ bị áp thuế từ vài chục tới hàng trăm lần. Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam tuyệt đối không "tiếp tay" cho hành động này, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn tận gốc vấn đề này.
Vũ Huy (Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021)
- Kỳ tích 2020 của ngành gỗ
- Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt 14 tỷ USD vào năm 2021
- Tầm nhìn quyết định giá trị ngành gỗ
- USTR mở phiên điều trần online với ngành gỗ lúc 9h30 PM ngày 28/12/2020
- Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS): Bước ngoặt trong thực hiện quản lý rừng bền vững
- Gỗ tròn tại bang Victoria Úc vị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do bọ vỏ cây
- Doanh nghiệp chế biến gỗ 'nói không' với gỗ bất hợp pháp
- Bản lề cho sự phát triển ngành gỗ
- Chuỗi sự kiện kết nối giao thương trực tuyến Việt Nam - Canada
- Không từ bỏ mục tiêu
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh