Kỳ tích 2020 của ngành gỗ
Trong khi phần lớn các ngành hàng lâm vào tình thế suy giảm kim ngạch xuất khẩu, thì lâm sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội. Một trong những “nước cờ” khôn ngoan là khi nhìn thấy những nước có dịch Covid không thể xuất khẩu được sản phẩm, thì các doanh nghiệp gỗ Việt đã tranh thủ thời cơ nhảy vào giành lấy thị trường từ tay các đối thủ.
Vượt qua sự đứt gãy chuỗi giao thương và vận chuyển hàng hóa do Covid trên thế giới, xuất khẩu lâm sản năm 2020 của Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục, bứt tốc vào nửa cuối năm, lập kỷ lục mới 13,17 tỉ USD. Với giá trị kim ngạch này, đã vượt 5,4% kế hoạch năm 2020 và tăng 16,4% so với năm 2019.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: kim ngạch xuất khẩu lâm sản đã đóng góp quan trọng trong nhiệm vụ xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp trong năm 2020. Đặc biệt, xuất siêu cả năm của ngành lâm nghiệp đạt 10,5 tỉ USD tăng 17,9% so với năm 2019; điều này cũng đồng nghĩa với việc góp phần tạo nên thành tích thặng dư thương mại hơn 10 tỉ USD của toàn khối nông lâm ngư nghiệp.
NỬA NĂM ĐẦU "BI ĐÁT"
Trong 3 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu chứng kiến sự suy giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, do các quốc gia này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid nên chính phủ các nước đều ban hành quy định giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng nên đã ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu. Theo khảo sát của các Hiệp hội và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thực hiện tại 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3/2020 cho thấy tất cả đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng. Trong số 124 doanh nghiệp này, 75% đơn vị cho biết thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỉ đồng, 50% phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Tại hội thảo bàn giải pháp “cứu” ngành gỗ do Viforest tổ chức vào đầu tháng 4/2020, đã có nhận định rằng, năm 2020, ngành gỗ đặt mục tiêu 12 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng với những tác động từ đại dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0%. Nguyên nhân, trong tình thế dịch Covid-19 hoành hành ở các nước châu Âu và Mỹ, rất đông người dân phải ở nhà, ngừng việc làm, thu nhập giảm nên các khoản chi tiêu dành cho những nhu cầu thiết yếu là lương thực thực phẩm, nên họ sẽ cắt giảm mua sắm những thứ không cần thiết. Trong đó, đồ gỗ nằm trong nhóm hàng hóa không thiết yếu, đã phải lâm vào cảnh “đóng băng” thương mại. Mặt khác, thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ tại một số thị trường châu Âu thay đổi từ sử dụng đồ mộc ngoại thất bằng các loại sản phẩm thay thế như nhựa, sắt thép và hướng tới các vật liệu thân thiện với môi trường. Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã nhận định, dịch bệnh Covid-19 gần như diễn ra trong cả năm 2020, khiến 6.000 doanh nghiệp ngành nông lâm ngư bị ảnh hưởng, đặc biệt là trên 1.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản. Ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, điểm đáng chú ý là một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp đã phải chịu rào cản thương mại, đối mặt những vụ kiện về chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế. Năm 2020, ngành Gỗ Việt Nam liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc. Đặc biệt, Cơ quan Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ đã cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm XK vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn.
CÚ LỘI NGƯỢC DÒNG NGOẠN NGỤC
Trong bối cảnh có nhiều bất lợi, khó khăn, nhờ những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nửa cuối năm xuất khẩu lâm sản lội ngược dòng ngoạn mục tạo nên một kỳ tích: tổng kim ngạch xuất khẩu đã vươn lên con số 13,17 tỉ USD –cao nhất từ trước tới nay, tăng 16,4% so với năm 2019, đóng góp 31% tổng giá trị xuất khẩu ngành nông lâm ngư nghiệp, đạt gần 5% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia. Trong đó, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ thiết lập mốc kỷ lục mới với giá trị kim ngạch 12,37 tỉ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020, chiếm 78,4% trong tổng giá trị xuất khẩu ngành hàng này. Năm vừa qua, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng mạnh tại các thị trường: Hoa Kỳ tăng 34%; Canada tăng 14,4%; Thái Lan tăng 20,4%; Bỉ tăng 13,7% so với năm 2019. Đặc biệt, trong nhóm các nước xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất vào thị trường EU, năm 2020 chỉ có Việt Nam giữ vững được giá trị xuất khẩu vào thị trường này Trong khi phần lớn các ngành công nghiệp khác lâm vào tình thế suy giảm kim ngạch xuất khẩu, do dịch Covid trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, thì ngành lâm sản của Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội. Một trong những “nước cờ” khôn ngoan của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đó là khi nhìn thấy những nước có dịch Covid không thể xuất khẩu được sản phẩm, thì các doanh nghiệp gỗ Việt đã tranh thủ thời tiếp cận giành lấy thị trường. Điển hình là trong những tháng dịch Covid bùng nổ tại Trung Quốc, Mỹ hạn chế giao thương với quốc gia có dịch, thì gỗ Việt đã từng bước vào thay thế nhiều thị phần của gỗ Trung Quốc tại Mỹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 5,13 tỉ USD, chiếm khoảng 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào tất cả các thị trường. Năm 2020, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 7,16 tỉ USD, tăng 34% so với 2019. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm khoảng 25% so với năm 2019. Động lực tăng trưởng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang của Việt Nam sang thị trường Mỹ chủ yếu đến từ nhóm hàng đồ gỗ nội, ngoại thất. Trong đó,các mặt hàng có mức tăng trưởng rất cao là: đồ nội thất phòng bếp (mã 940340) tăng 134%, đồ nội thất bằng gỗ khác (mã 9403.60) tăng 36% và bộ phận đồ gỗ (mã 9403.90) tăng 43%.
Phân tích những giải pháp đã giúp cộng đồng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và đồ gỗ vượt qua gian nan để lập nên kỳ tích, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest cho hay, nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đã nỗ lực duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn kết người lao động. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm nghiệp và hiệp hội gỗ đã phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, linh hoạt, thay đổi hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trong lĩnh vực xuất khẩu từ trực tiếp sang online; thay đổi cơ cấu sản phẩm để thích ứng với nhu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã hình thành các ý tưởng, sáng kiến không những giúp doanh nghiệp tái hoạt động mà còn chuẩn bị để tăng tốc và bứt phá thời hậu dịch.
Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, qua thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn ngành đã thấy rõ và đã xác định cụ thể sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bứt phá của ngành gỗ. Sản phẩm chiến lược được nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ xác định để đột phá là tủ bếp, tủ nhà tắm, ván trang trí. Chuỗi cung ứng của mặt hàng này không bị đứt gãy ở đỉnh điểm của đại dịch. Để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam, vào tháng 11/2020, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Việc thành lập chi hội đã tạo ra chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang để đạt mục tiêu tạo ra mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho thị trường chiến lược để hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ nhìn thấy lợi thế, xuất khẩu nhóm các sản phẩm tủ bếp trong năm 2020 đã tăng trưởng tới 80% so với năm 2019.
KỲ VỌNG 25 TỈ USD VÀO NĂM 2020
“Có thể khẳng định, năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã vượt khó thành công. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hàng năm, thường ở mức 2 con số. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các khâu của chuỗi cung và một đội ngũ đông đảo các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường XK, đặc biệt từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest khẳng định.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, cách đây 10 năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đem về 1,5 tỉ USD/năm. Lúc đó, không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 10 tỉ USD. Nhưng chỉ trong 10 năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này tăng gấp 8 lần. Mục tiêu kim ngạch 14 tỉ USD trong năm 2021 và 20 tỉ USD vào năm 2025 là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa. Cùng với nỗ lực mở rộng, chiếm lĩnh thị trường, một trong những vấn đề trọng tâm là phải ngăn chặn gian lận thương mại để tránh lâm vào các vụ kiện. Để ngăn chặn gian lận thương mại, cuối năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2020/ NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Đây là công cụ để tiếp tục đưa sản xuất, thương mại đồ gỗ vào quy củ. ngăn chặn các rủi ro đe dọa đến sự tăng trưởng của ngành.
Theo đánh giá của ngành Lâm nghiệp, thị trường đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới rất lớn, khoảng 430 tỉ USD giá trị thương mại. Thế nhưng hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam tuy phát triển nhanh, nhưng thị phần xuất khẩu so với dư địa còn rất nhỏ, trong khi sự đa dạng hấp dẫn sản phẩm gỗ còn khiêm tốn. Quy mô phát triển, tầm cỡ doanh nghiệp, số lượng có nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề. Vậy đến năm 2030, làm sao để chúng ta có thể chiếm được 30% hay 50% thị phần toàn cầu, tức là đem về cả trăm tỉ USD từ xuất khẩu đồ gỗ- Thủ tướng nêu câu hỏi gợi mở.
Chu Minh Khôi (Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021)
- Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt 14 tỷ USD vào năm 2021
- Tầm nhìn quyết định giá trị ngành gỗ
- USTR mở phiên điều trần online với ngành gỗ lúc 9h30 PM ngày 28/12/2020
- Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS): Bước ngoặt trong thực hiện quản lý rừng bền vững
- Gỗ tròn tại bang Victoria Úc vị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do bọ vỏ cây
- Doanh nghiệp chế biến gỗ 'nói không' với gỗ bất hợp pháp
- Bản lề cho sự phát triển ngành gỗ
- Chuỗi sự kiện kết nối giao thương trực tuyến Việt Nam - Canada
- Không từ bỏ mục tiêu
- Bộ Nông Nghiệp và PTNT: Họp các bên liên quan về áp sai mã HS mặt hàng gỗ ghép thanh
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh