Lo ngại rủi ro từ nguồn cung gỗ nhiệt đới nhập khẩu
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, những rủi ro về tính pháp lý của nguồn cung gỗ nhiệt đới nhập khẩu đang đe dọa đến sự bền vững của toàn ngành.
Chiều ngày 20/4, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Đình và Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST - cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành gỗ tăng trưởng ở mức 2 con số tính về kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành đã đạt tương đương với 20% trong tổng kim ngạch của cả năm 2020. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, con số mục tiêu 14 - 14,5 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu mà Chính phủ đặt ra cho ngành trong năm 2021 là hoàn toàn có thể kỳ vọng.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây đâu là yếu tố có thể làm ảnh hưởng tới việc đạt được mục tiêu này trong 2021? Mở rộng về kim ngạch xuất khẩu của ngành có bền vững trong tương lai hay không? Một trong các tồn tại đó là việc kiểm soát rủi ro trong việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu là các loài gỗ tự nhiên.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, Nghị định 102/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào tháng 9/2020 và có hiệu lực vào tháng 10/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) trong đó đưa ra việc kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu là một trong những nội dung trọng tâm.
Theo Nghị định, gỗ rủi ro là gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực, và là các loài rủi ro. Nghị định quy định khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam các DN nhập khẩu cần phải bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Bên cạnh đó, các DN cần phải đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Bình quân mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Một con số rất lớn, tương đương 40-50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Theo tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu của Nghị định 102 đây là nguồn gỗ rủi ro cao.“Nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa. Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, gỗ thịt, đặc biệt là các loài gỗ quý vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen này đang gây ra những tổn hại về mặt môi trường và cho cả ngành gỗ’,ông Đỗ Xuân Lập nó.
Còn theo ông Tô Xuân Phúc- chuyên gia của tổ chức Forest Trends, nguy cơ gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam không tuân thủ được toàn bộ các yêu cầu của quốc gia khai thác và quốc gia xuất khẩu là rất lớn.
Nghiên cứu mà Forest Trends và VIFOREST đang thực hiện về sử dụng gỗ châu Phi tại Việt Nam cho thấy chỉ tính riêng cho nguồn gỗ nhập khẩu từ châu Phi, năm 2020 Việt Nam có khoảng 240 DN trực tiếp tham gia nhập khẩu. DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ đóng vai trò chủ đạo về số lượng DN tham gia khâu nhập khẩu gỗ châu Phi vào Việt Nam. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hầu hết các giao dịch giữa người mua (công ty nhập khẩu tại Việt Nam) và người bán (công ty xuất khẩu tại châu Phi) là các giao dịch online, chủ yếu thông qua việc trao đổi hình ảnh của gỗ qua mạng xã hội như Zalo hay Facebook. Các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, không có điều kiện và tài chính và con người hầu như không có các hoạt động kiểm tra thực địa về các hoạt động trong chuỗi cung xuất khẩu. Các loại giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất khẩu cũng không được kiểm chứng về tính xác thực.
Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu là gỗ tự nhiên cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong khâu nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu nhập khẩu đối với nguồn gỗ rủi ro theo tinh thần của Nghị định VNTLAS, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu cần được tăng cường và thực hiện hiệu quả.
Hội thảo kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu diễn ra ngày 20 tháng 04 năm 2021
Trong ngắn hạn, Chính phủ cần yêu cầu các DN nhập khẩu thực hiện bổ sung thông tin trong hồ sơ nhập khẩu nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây cần được xem là hoạt động bắt buộc đối với các DN nhập khẩu. Các DN cần đảm bảo, cam kết và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu như hiện nay.
Nhằm tăng cường tính xác thực của hồ sơ giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất/nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập kết nối chính thức với Chính phủ của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu rủi ro cho Việt Nam. Kết nối này giúp cho các cơ quan chức năng của Việt Nam nắm rõ được quy trình trong chuỗi cung xuất khẩu, các yêu cầu pháp lý có liên quan tới các hoạt động của chuỗi và tính xác thực của các giấy phép, tài liệu nằm trong bộ hồ sơ xuất khẩu. Kết nối này cũng có thể giúp cho Chính phủ Việt Nam tiếp cận đối với nguồn thông tin về các DN được phép khai thác, chế biến và được phép xuất khẩu tại quốc gia xuất khẩu.
“Mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra hành lang pháp lý để nhập khẩu gỗ về Việt Nam đặc biệt là gỗ rừng nhiệt đới phải là gỗ hợp pháp. Để thực hiện phát triển ngành gỗ về lâu dài đó là văn hóa trong việc sử dụng sản phẩm gỗ của người dân. Rõ ràng tìm giải pháp để thay thế nguồn cung gỗ rừng nhiệt đới là giải pháp cần phải xem xét của các bên”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Hạnh - Báo Công Thương
- 3 tháng đầu năm 2021: Trung Quốc vẫn dẫn đầu về số dự án đầu tư vào Việt Nam trong ngành Gỗ
- Xây dựng chiến lược và giải pháp cho ngành gỗ
- Mục tiêu kép cần quy trình thống nhất
- Hoa Kỳ áp thuế đối với sản phẩm gỗ đã được tạo khuôn hình và gia công tương tự nhập từ Trung Quốc
- TOP các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020
- Một mùa XANH đang về
- Năm 2021 Rừng xanh hơn, xuất khẩu gỗ cao hơn
- Kỳ tích 2020 của ngành gỗ
- Xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt 14 tỷ USD vào năm 2021
- Tầm nhìn quyết định giá trị ngành gỗ