Chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành gỗ: Nhanh tay bắt cơ hội

01/05/2020 09:57
Chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành gỗ: Nhanh tay bắt cơ hội

Mỗi cuộc cách mạng thường bắt đầu từ trong khủng hoảng, và khi dịch Covid-19 đang hoành hành và gây ra những tác động xấu tới sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam, rõ ràng, người ta cần một sự thay đổi lớn để có thể thích nghi với khó khăn và tận dụng cơ hội phát triển thị trường.

Sự lây lan của Covid-19 những ngày qua chắc chắn đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, họ ở nhà nhiều hơn, mua sắm trực tuyến nhiều hơn, và đã tạo ra áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các giai đoạn, từ thiết kế và sản xuất đến thương mại, trong đó chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa quan trọng.

Mô hình kinh doanh truyền thống theo chuỗi cửa hàng hiện đang gặp khó khăn vì chi phí vận hành lớn, nhân lực thiếu và thiếu tính năng động, cũng như đáp ứng được đòi hỏi cấp bách về sự an toàn và sức khỏe của cộng đồng.

Xây dựng gian hàng online giới thiệu sản phẩm mới là một trong những hướng đi của doanh nghiệp 

Vì vậy, có thể nói rằng dịch Covid-19 là động lực để chuyển đổi không gian kỹ thuật số nhanh hơn trong ngành gỗ. Ông Trần Quý Hiến, đồng sáng lập Công ty Ecomstone, một đối tác của Amazon tại Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã cản trở mọi hoạt động, nhưng đã mở ra một cơ hội để chuyển sang kinh doanh trực tuyến.

Đầu năm là mùa bán hàng quan trọng nhất, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị mẫu mã sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020, vì thế tìm kiếm giải pháp sản xuất kinh doanh thay thế các hội chợ triển lãm bị hoãn để giúp doanh nghiệp ứng phó với mùa dịch Covid-19 là ưu tiên với các nhà quản lý thời gian này.

Một trong số đó là Mô hình O2O, mô hình kinh doanh số trực tuyến (online) kết hợp đan xen với cách thức bán hàng truyền thống (offline) cũng như tiếp cận chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho ngành gỗ. Mục đích giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, tối ưu hóa cơ hội bán hàng, cũng như hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí từ 30 - 70% chi phí.

"Đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, một doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường. Sự chuyển đổi không gian số nhanh hơn bao giờ hết, động thái tiêu dùng thay đổi liên tục, dịch bệnh,… đang tạo ra áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, cải tiến các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại trong đó chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi”, ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA nhấn mạnh.

Ngành chế biến gỗ và nội thất với đặc thù cần các không gian có diện tích rộng để trưng bày,  giới thiệu và trải nghiệm sản phẩm của người tiêu dùng, nên để áp dụng thành công mô hình O2O này, cần có các công nghệ đáp ứng như công nghệ VR hay 3D để giúp khách hàng có thể tham quan showroom, nhà máy một cách trực quan từ xa.

Sự phát triển của các công cụ thương mại điện tử, nền tảng số cùng các thiết bị giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không nhất thiết cần đến mặt bằng quá rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24, xóa đi khoảng cách địa lý, tiếp cận và hiểu nhà sản xuất ở mức tốt nhất có thể, rút ngắn thời gian tiến trình đặt hàng. Mô hình O2O hứa hẹn là nền tảng kinh doanh vững chắc giúp doanh nghiệp đồ gỗ duy trì và tăng trưởng một cách bền vững.

“HAWA sẽ kết hợp với Ecomstone phân tích tiềm năng, xác định đối thủ cũng như khách hàng để đánh giá thị trường và dần dần xây dựng một cửa hàng tổng hợp trên Amazon, từ đó xây dựng một thương hiệu riêng cho đồ gỗ của Việt Nam thay vì giới thiệu sản phẩm có giá trị thấp và khách hàng không biết nhà sản xuất là ai”, ông Hiến nói về kế hoạch giúp doanh nghiệp gỗ tiếp cận rộng hơn và xa hơn tới từng khách hàng trên thế giới, “Nhưng chúng ta cần xác định thương mại điện tử là một giải pháp ngắn hạn và chuyển đổi kỹ thuật số là dài hạn”.

Trần Toản - Gỗ Việt số 121, tháng 4/2020