Ngành gỗ năm 2020: Phát triển chuỗi giá trị, tạo sức bền vững cho ngành gỗ
Trong 2 thập kỷ trở lại đây ngành gỗ đã có những bước phát triển đột phá. Từ giá trị kim ngạch xuất khẩu 219 triệu USD năm 2000, ngành đã đạt con số 11,31 tỉ USD năm 2019. Và năm 2020 là năm bản lề để hướng tới mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho ngành gỗ. Dưới đây là những nhận định của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam về những kế hoạch lớn của ngành trong năm 2020 để có thể đạt được mục tiêu sau 5 năm nữa.
Phát triển liên kết và tạo chuỗi giá trị
Để đạt được cột mốc 20 tỉ USD, ngành gỗ cần làm nhiều việc, một trong số đó là phát triển liên kết và tạo ra các chuỗi giá trị từ khâu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới khâu xuất khẩu. Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lâm nghiệp là một trong điều kiện sống còn cho ngành gỗ. Chuỗi giá trị trong lâm nghiệp bao gồm các khâu từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, thương mại và xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị này có các liên kết giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong các khâu khác nhau của chuỗi cung, ví dụ liên kết giữa các hộ dân trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ. Các liên kết này thường được gọi là liên kết dọc. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị cũng bao gồm các liên kết giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong cùng một khâu, ví dụ các doanh nghiệp cùng sản xuất một nhóm mặt hàng, hoặc các hộ trồng rừng nguyên liệu. Đây được gọi là liên kết ngang.
Vận hành của chuỗi giá trị, bao gồm cả việc hình thành và hoạt động của các liên kết được điều chỉnh bởi môi trường thể chế, chính sách và cung – cầu thị trường.
Đến nay, các liên kết trong chuỗi giá trị của ngành gỗ, bao gồm cả liên kết dọc và ngang còn rất hạn chế. Các liên kết theo chuỗi sản xuất khép kín còn rất nhiều hạn chế. Các liên kết được hình thành mới chỉ dừng lại ở quy mô còn nhỏ lẻ, giữa các hộ trồng rừng và một số công ty chế biến gỗ như Scancia Pacific, Woodsland, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT
Các doanh nghiệp FDI hiện đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu từ khối này chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành. Tuy nhiên liên kết giữa các khối này và các doanh nghiệp nội địa gần như không tồn tại. Điều này tạo ra một thực tế rằng ngành gỗ vẫn tồn tại 2 mảng – FDI và nội địa - riêng rẽ.
Hiện nay ngành còn thiếu các động lực cả mặt thể chế chính sách và nguồn lực cần thiết nhằm hình thành và thúc đẩy các chuỗi giá trị đi theo hướng phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu 20 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu đến 2025 – một con số gần gấp đôi so với con số kim ngạch hiện nay. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi ngành cần có những thay đổi căn bản cả về các hoạt động và chiến lược kinh doanh trong từng doanh nghiệp, và chiến lược phát triển trong tất cả các khâu của ngành. Môi trường thể chế và chính sách cũng cần phải thông thoáng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy kênh quảng bá thông tin về thương hiệu gỗ và ngành gỗ sạch của Việt Nam.
Chủ động nguyên liệu và lao động ngành gỗ
Mở rộng quy mô về ngành gỗ đòi hỏi sự mở rộng về nguồn cung nguyên liệu, với mục tiêu đạt 20 tỉ USD đồng nghĩa với việc ngành gỗ sẽ sử dụng gấp 1,5-2 lần tổng lượng nguyên liệu đầu vào hiện nay, ứng với trên 50 triệu m3 gỗ quy tròn. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề.
Cho đến lúc này, có thể khẳng định rằng ngành gỗ không sợ thiếu gỗ nguyên liệu. Nguồn cung gỗ nguyên liệu trong nước, đặc biệt từ nguồn gỗ cao su và rừng trồng ngày càng lớn, với tổng lượng cung năm 2018 đạt gần 28 triệu m3 gỗ quy tròn. Các nguồn cung gỗ nguyên liệu từ nguồn gỗ sạch nhập khẩu luôn sẵn có, với giá cả tương đối hợp lý. Hiện tại ở Việt Nam đã hình thành các mô hình chợ đầu mối gỗ nguyên liệu hợp pháp, với mô hình đã có như trung tâm phân phối gỗ nguyên liệu hợp pháp TAVICO tại Đồng Nai. Đồng thời, hạn chế nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng như cần sự giúp đỡ từ các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng và từ nguồn gỗ sạch nhập khẩu.
Đối với yếu tố lao động, hiện nay, lao động đang là một trong những vấn đề mà ngành gỗ cần giải quyết sớm, về cơ cấu trình độ trong ngành còn quá nhiều chênh lệch, cũng như thu nhập bình quân là khá thấp. Vì vậy, ngành gỗ cần sự hỗ trợ của chính phủ về thiết lập các chương trình đào tạo lao động nâng cao tay nghề cho ngành gỗ. Chương trình đào tạo cần dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Kết hợp/hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết kế các chương trình đào tạo dài hạn lao động tay nghề cao, đi vào các công đoạn như thiết kế, mẫu mã, xây dựng thương hiệu.
Thúc đẩy thị trường xuất khẩu
Đối với thị trường xuất khẩu, ngành gỗ và các doanh nghiệp luôn cần thông tin, những phân tích, đánh giá về thị trường nhằm định vị được chính xác vị thế của ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ cung – cầu gỗ thế giới. Bên cạnh đó, cần xác định rõ các đối thủ cạnh tranh, điểm mạnh điểm yếu của các đối thủ, từ đó đưa ra chiến lược cạnh tranh của ngành. Các cơ quan quản lý sẽ cần bắt tay với các doanh nghiệp để xác định xu hướng cung – cầu đồ gỗ của thế giới trong 10-20 năm tới, từ đó có những chính sách định hướng ngành nhằm phù hợp với xu hướng cung cầu.
Chính phủ cũng cần tài trợ cho các nghiên cứu, nhằm định dạng chính xác thị trường gỗ nội địa – nhu cầu sản phẩm, lượng cung, chủng loại mẫu mã, xu hướng, cạnh tranh. Chính phủ cũng cần ban hành chính sách công, sử dụng gỗ rừng trồng hợp pháp, khuyến khích/ưu tiên các doanh nghiệp trong nước sử dụng nguồn gỗ rừng trồng.
Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam
Gỗ Việt, số 119, tháng 1+2, 2020
- Gỗ sạch cho năm 2020: Vì một ngành gỗ bền vững
- Gỗ Việt với luồng đỏ: Cần giải pháp kiểm soát xuất xứ tốt hơn
- TẠO KÊNH THÔNG TIN ĐỂ KIỂM SOÁT RỦI RO
- Nguồn vốn FDI trong ngành gỗ: Đón nguồn vốn với sự thận trọng
- TAVICO: CHUỖI LIÊN KẾT CHẾ BIẾN GỖ - CƠ HỘI HỢP TÁC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
- Nhu cầu gỗ cứng Hoa Kỳ tiếp tục tăng tại thị trường trọng điểm Việt Nam
- Cải thiện năng suất lao động trong ngành gỗ
- Chứng nhận VFCS/PEFC tiếp bước đột phá cho xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam
- Bộ Tài chính kiến nghị lên Thủ tướng: Giữ nguyên mức thuế 2% đối với mặt hàng dăm gỗ
- Thành viên của Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) triển khai thí Điểm quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS)
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh