Đồ nội thất tại Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng nhanh về đơn đặt hàng mới
Công việc kinh doanh đồ nội thất tại Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng khả quan với lượng đơn đặt hàng mạnh, tuy nhiên ngành công nghiệp này tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, giá nguyên vật liệu tăng và vận chuyển gặp khó khăn.
Dẫn nguồn woodworkingnetwork.com, bất chấp sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và các vấn đề về lao động, đồ nội thất là ngành tăng trưởng nhanh thứ hai trong số 15 ngành sản xuất hàng đầu được theo dõi bởi Viện Quản lý Cung ứng Hoa Kỳ.
Trong tháng 12/2021, đồ nội thất tại Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng nhanh về đơn đặt hàng mới và trong sản xuất, trong bối cảnh các nhà cung cấp đồ nội thất cho Hoa Kỳ giao hàng chậm và hàng tồn kho ở mức cao.
Công việc kinh doanh đồ nội thất tại Hoa Kỳ tiếp tục xu hướng khả quan với lượng đơn đặt hàng mạnh, tuy nhiên ngành công nghiệp này tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, giá nguyên vật liệu tăng và vận chuyển gặp khó khăn.
Theo Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đã phục hồi trở lại vào năm 2021, với mức tiêu thụ đồ nội thất cao hơn nhiều so với giá trị trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 và 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường chính nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất trên thế giới, hơn 75% hàng nội thất nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc từ châu Á chủ yếu từ Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia.
Trong đó, lợi thế các sản phẩm nội thất của Việt Nam đang tăng, do Mỹ giảm tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc bởi ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa 2 quốc gia này.
Xu hướng làm việc tại nhà vẫn đang phổ biến và có thể kéo dài thêm nên chi tiêu cho đồ gỗ, nội thất gia đình dự kiến tiếp tục tăng. Thị trường Mỹ còn rất nhiều dư địa cho sản phẩm từ gỗ và nội thất khi lĩnh vực xây dựng, nhà ở tại đây đang tăng trưởng tốt. Doanh thu của các hệ thống cửa hàng bán sản phẩm gỗ, nội thất trong tháng 11/2021 tại Mỹ đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân Mỹ đã phục hồi và sẽ gia tăng khi Chính phủ Mỹ thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ đang tìm kiếm đối tác có năng lực và đáng tin cậy, trong khi đó, Việt Nam có lợi thế tốt về lao động có tay nghề, nguồn nguyên liệu đảm bảo nhu cầu sản xuất ổn định, bền vững được nhiều thị trường công nhận, đánh giá cao.
Nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới, nhưng ngành công nghiệp gỗ, đặc biệt là ngành công nghiệp đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, Mỹ là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt đối với minh bạch thông tin và cạnh tranh thương mại công bằng. Mặc dù, Việt Nam – Mỹ đã đạt được thỏa thuận về kiểm soát nguồn gốc gỗ, song một số sản phẩm của Việt Nam như gỗ ván từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ hay gỗ thanh và viền dải gỗ vẫn có nguy cơ điều tra khi có dấu hiệu bất thường.
Vì vậy, nguy cơ phòng vệ thương mại là thách thức rất lớn đối với gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ trong thời gian tới. Dịch đã tác động tiêu cực lên ngành logistics toàn cầu, gây ùn tắc trên các tuyến vận tải container. Tình trạng thiếu container rỗng tiếp nối từ năm 2020 và đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam khi rủi ro dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn tại nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, khi xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp gặp khó khăn về phí logistics. Chi phí vận chuyển 1 container đồ gỗ sang Mỹ dao động từ 20.000 - 30.000 USD, tăng gấp 4 lần so với trước đây, điều này khiến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung gỗ nhập khẩu, gian lận thương mại, cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI có tính rủi ro cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, yêu cầu về tính năng sản phẩm nội thất đã thay đổi rất nhiều so với trước. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tích cực cập nhật thông tin nhu cầu cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng khốc liệt, cần thường xuyên đánh giá các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, chuyển tải hàng hóa để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.
Gỗ Việt
- 2022 - năm ‘leo giá’ của đồ gỗ nội thất
- Đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ 16 tỉ USD trong năm 2022 có quá thận trọng?
- Doanh nghiệp RCEP được miễn nhiều thuế kể từ ngày 1/1/2022
- Ngành gỗ Bình Định: Tiếp cận thị trường ở một góc độ mới
- Năm 2021, thị trường nội thất văn phòng thế giới ước tính đạt 50 tỷ USD
- Năm 2021, xuất khẩu ghế khung gỗ ước tính đạt 3,5 tỷ USD
- Ashley một lần nữa mở rộng sản xuất đồ nội thất
- Nguyên liệu gỗ nhập khẩu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới?
- Đồ nội thất bằng gỗ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Đức
- Phục hồi kéo tăng trưởng gỗ lên mức cao