Đồ nội thất bằng gỗ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Đức

30/11/2021 09:57
Đồ nội thất bằng gỗ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Đức

Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức vẫn tiếp tục tăng mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19. Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường này.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 9,8 triệu USD, giảm 21% so với tháng 10/2020, nhưng so với tháng 9/2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức tăng 60,4%. Tình hình sản xuất phục hồi từ cuối tháng 9/2021 thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng trong tháng 10/2021. Tính chung trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tới thị trường Đức đạt 101 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Đức. Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức vẫn tiếp tục tăng mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), bất chấp đại dịch Covid-19, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt 3,5 tỷ Eur (tương đương 3,95 tỷ USD), tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đức giảm thị phần nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường nội khối và tăng nhập khẩu từ các thị trường ngoài khối trong 8 tháng đầu năm 2021.

Đức tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường cung cấp lớn nhất ngoài khối EU là Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021, đạt 365 triệu Eur(tương đương 412,6 triệu USD), tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là thị trường Việt Nam đạt 79,8 triệu Eur (tương đương 90,1 triệu USD), tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 2,3% tổng trị giá nhập khẩu của Đức trong 8 tháng đầu năm 2021, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Ảnh minh họa, Sản xuất đồ gỗ tại Công ty CP Woodsland

 

Sau 1 năm Hiệp định Thương mại giữa EU và Việt Nam được thực thi, nhưng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tới Đức vẫn ở mức thấp. Cho thấy khả năng tận dụng của các doanh nghiệp ngành hàng này vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả. Vì vậy, còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam khai thác trong thời gian tới, bởi Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Đức cũng là thị trường sản xuất đồ nội thất lớn trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp đồ nội thất của Đức đã trải qua một quá trình tái cấu trúc sâu rộng. Hàng hóa nhập khẩu đang đẩy mạnh vào thị trường Đức, chủ yếu ở phân khúc giá từ thấp đến trung bình, do đó các nhà sản xuất của Đức đang phải chịu áp lực về giá. Hậu quả của đại dịch Covid-19 là việc đóng cửa thương mại đồ nội thất trong nước đã làm giảm khả năng tiếp cận thị trường bán hàng của ngành đồ nội thất và nhu cầu trên các thị trường quốc tế cũng giảm mạnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị gián đoạn, dẫn tới các nguồn cung sản phẩm trung gian đình trệ, khiến hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp đồ nội thất của Đức bị đình trệ.

Gỗ Việt