Phục hồi kéo tăng trưởng gỗ lên mức cao

29/11/2021 06:21
Phục hồi kéo tăng trưởng gỗ lên mức cao

Ngành gỗ Việt Nam đang đặt ra các kịch bản mới cho giai đoạn phục hồi, hàn gắn đứt gãy về nguyên liệu và lao động để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết đang tiến hành nghiên cứu các kế hoạch cho “một chu kỳ giá mới”. Để triển khai, họ đang tiến hành trao đổi để xây dựng chiến lược kinh doanh, khung giá mới, xác định nguồn nguyên liệu hợp lý, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Giá đơn hàng giao ngay và hợp đồng tương lai, những nội dung được một số nhà sản xuất bắt đầu tính toán từ tháng trước, khi Chính phủ Việt Nam chuyển từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn và linh hoạt” để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thậm chí, một vài nhà cung ứng đã sớm “đánh tiếng” về khả năng tăng giá bán sản phẩm gỗ trong các hợp đồng tương lai.

“Tốc độ phục hồi của doanh nghiệp nhanh hơn dự đoán đưa ra hồi tháng 8”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, nhận xét. Một cuộc khảo sát nhanh của Viforest trong tháng 10 với 131 doanh nghiệp thuộc 23 tỉnh và thành phố ghi nhận: có 67% doanh nghiệp ngành gỗ đang hoạt động trên 70% công suất, 20% hoạt động trên 50% công suất và 13% hoạt động dưới 50% công suất.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu gỗ duy trì đà tăng suốt tháng 10 vừa qua, nhờ các thông tin tích cực từ hoạt động xuất khẩu và kết quả kinh doanh 9 tháng của nhóm doanh nghiệp niêm yết. ACG của Công ty cổ phần Gỗ An Cường và PTB của Công ty cổ phần Phú Tài đã đạt thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 19/10.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Tổ chức Forest Trends, cho rằng, giá nguyên liệu gỗ có thể tiếp tục tăng trong suốt thời gian còn lại của năm nay, do nguồn cung vẫn thấp và nhu cầu tăng cao từ  các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm Việt Nam. Bình quân mỗi năm Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 5,5-6 triệu m3 gỗ nguyên liệu, số liệu của Tổ chức Forest Trends.

Ngoài gia tăng khai thác gỗ rừng trồng trong nước, Việt Nam đang mua thêm gỗ nguyên liệu từ nhiều nguồn. Gỗ nhập khẩu từ vùng ôn đới chiếm khoảng 56% tổng lượng gỗ nhập khẩu mỗi năm của Việt Nam, chủ yếu dùng chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Từ tháng 1 đến tháng 8, Việt Nam đã nhập khẩu 0,65 triệu m3 gỗ tròn ôn đới từ Mỹ, EU, New Zealand, Canada và Úc.

Đến nay, Mỹ và EU, vẫn là hai nguồn cung chính nguyên liệu gỗ ôn đới cho Việt Nam, nhưng cũng những nguồn cung nhiều biến động. Giá nhập khẩu trung bình gỗ óc chó và gỗ thông từ Mỹ tăng khoảng 22%, trong khi giá nhập khẩu gỗ sồi và tần bì từ EU tăng từ khoảng 6%.

 “Trong 1 năm tới, giá gỗ nhập từ Mỹ và EU vào Việt Nam có thể tiếp tục tăng cao”, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, nhà nghiên cứu chính sách lâm nghiệp của Forest Trends, đánh giá. Lượng nhập trong 8 tháng đầu 2021 từ EU và Mỹ đã giảm lần lượt ở các mức 24% và 13% so với cùng kỳ năm 2020, do lượng cung từ các nguồn này được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa, trong khi vẫn chịu những tác động của dịch Covid-19.

Tất nhiên, một phần giảm sút các nguồn cung này có thể được bù đắp từ New Zealand, Mỹ La Tinh và đặc biệt là từ Úc. Số liệu của Forest Trends cho thấy lượng gỗ tròn Việt Nam nhập từ Úc đang tăng mạnh, 8 tháng đầu 2021 tăng 25 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tần bì, Thông, Sồi, Dương và Óc chó là 5 loài gỗ tròn có lượng nhập lớn nhất. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào kết quả kiểm soát dịch bệnh và tiến trình tiêm vắc-xin cho người lao động ngành này.

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty CP Phú Tài - Chi nhánh Đồng Nai. Ảnh Gỗ Việt

Trong khi đó, vấn đề lao động cũng được các nhà sản xuất thúc đẩy, lấp dần những mảng thiếu hụt. Square Roots, một công ty thiết kế và sản xuất đồ nội thất có nhà máy ở tỉnh Long An, dự kiến tuyển dụng thêm 10% lao động để “đạt được 100% công suất trước Tết Nguyên đán”, ông Justin Wheatcroft, Giám đốc Công ty Square Roots cho biết. Việc 85% lao động quay trở lại làm việc đã giúp công ty đạt 75% công suất so trước tháng 4, khi dịch bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Justin Wheatcroft hi vọng 5% lao động nữa sẽ trở lại sau khi có đủ chứng nhận sức khỏe.

Vào tháng trước, Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam đã có hơn 60% lao động trở lại làm việc, phần còn lại đang được tuyển dụng thêm. “Chúng tôi hỗ trợ người lao động trở lại làm việc 1 triệu đồng/người, đồng thời ưu tiên với những lao động gắn bó với công ty, nhất là lao động làm việc “3 tại chỗ” thời điểm dịch căng thẳng”, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Nhật Nam cho biết.

Thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp đã có kế hoạch phục hồi sản xuất với việc thay đổi chiến lược kinh doanh; kiểm soát dịch hiệu quả trong sản xuất; tăng hiệu quả, quy mô chế biến. Nhật Nam đã chuyển sang sản xuất “3 xanh”, đồng thời đầu tư thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt.

Thị trường đang từng bước phục hồi, nhiều khả năng sẽ theo kịch bản thứ nhất về tăng trưởng xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm 2021 của Viforest và các hiệp hội gỗ đưa ra hồi tháng 8.

Kịch bản thứ nhất: Kim ngạch xuất khẩu quý III tiếp tục đà giảm như quý III nhưng kim ngạch xuất khẩu quý IV bắt đầu hồi phục nhưng mức hồi phục không thể tương đương với kim ngạch so với quý I và quý II (trước thời điểm áp dụng giãn cách) mà chỉ đạt khoảng 70% so với kim ngạch trung bình của 2 quý này. Với kịch bản này, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ năm 2021 đạt khoảng 13,55 tỷ USD. Kịch bản thứ hai: Kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối 2021 tiếp tục đà giảm như hiện nay do dịch không được kiểm soát hiệu quả thì đà suy giảm kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài hết quý IV với kim ngạch xuất khẩu của quý IV chỉ tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của quý III. Với kịch bản này, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt khoảng 12,69 tỷ USD.

Niềm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 tỷ USD năm 2021 đã nhanh chóng trở lại ngay khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương đã cho phép doanh nghiệp mở lại các hoạt động sản xuất, trong khi nhu cầu đồ gỗ tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Theo nhiều dự báo, Mỹ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu đồ gỗ và nội thất lớn nhất của Việt Nam dù có những khó khăn trong quý III. Bà Mary Tarnoka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho biết, quý IV là thời điểm doanh nghiệp gỗ Việt Nam khai thác tốt thị trường Mỹ khi nhu cầu mua sắm nội thất rất lớn cho dịp lễ Noel và năm mới. Hiện nay, có 60% các nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất theo các hợp đồng tại Việt Nam là đối tác của Mỹ.

Nguyễn Hoàng (Gỗ Việt số 139, tháng 11 năm 2021)