Nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ châu Phi giảm nhẹ

18/11/2021 11:33
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ châu Phi giảm nhẹ

9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ từ châu Phi đạt 757,03 nghìn m3, với trị giá 276,46 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung gỗ nhập khẩu từ các nước châu Phi còn nhiều rủi ro đối với ngành gỗ Việt Nam.

 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi trong tháng 9/2021 đạt 67,87 nghìn m3, với trị giá 25,29 triệu USD, giảm 23,4% về lượng và giảm 23,1% về trị giá so với tháng 8/2021; giảm 16,3% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với tháng 9/2020. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ từ châu Phi đạt 757,03 nghìn m3, với trị giá 276,46 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 2,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các trường chủ chốt ở châu Phi như Cameroon, Nigiêria, Nam Phi. Trong đó, Cameroon vẫn là thị trường cung cấp nhiều nhất gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ từ Cameroon đạt 348,40 nghìn m3, với trị giá 146,33 triệu USD, giảm 19,0% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trái ngược với các thị trường trên, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường Angola lại tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2021. Theo đó, nhập khẩu gỗ từ Angola đạt 55,20 nghìn m3, với trị giá 14,23 triệu USD, tăng 137,4% về lượng và tăng 191,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ tròn từ châu Phi đạt 443,86 nghìn m3, với trị giá 162,20 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 9,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu gỗ xẻ từ châu Phi đạt 311,58 nghìn m3, với trị giá 113,19 triệu USD, tăng 11,3% về lường và tăng 9,1% về trị gái so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung gỗ nhập khẩu từ các nước châu Phi còn nhiều rủi ro đối với ngành gỗ Việt Nam. Việt Nam đưa ra lộ trình trong 2-3 năm tới hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) sẽ được vận hành, khi đó các sản phẩm gỗ cung ra tất cả các thị trường là các sản phẩm hợp pháp.

 

Ảnh minh họa

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS). Theo đó, quy định khi nhập khẩu gỗ có rủi ro cao, các nhà doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo hàng nhập khẩu được xác minh là có nguồn gốc hợp pháp. Để làm được điều này, các nhà nhập khẩu phải chứng minh các tài liệu chính thức do cơ quan Chính phủ có liên quan tại quốc gia xuất khẩu cấp để xác minh tính hợp pháp của nguồn hàng xuất khẩu, hoặc chứng nhận bền vững từ các bên thứ ba.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ đang gặp khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo Nghị định VNTLAS. Cụ thể, các doanh nghiệp chưa biết đâu là bằng chứng/giấy tờ được cấp bởi cơ quan quản lý của thị trường xuất khẩu để xác nhận gỗ nhập khẩu từ các quốc gia này là hợp pháp. Điều này hiện đang gây khó khăn rất lớn cho cả doanh nghiệp nhập khẩu lẫn cơ quan kiểm soát gỗ nhập khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các quy định của Nghị định VNTLAS.

Vừa qua, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã gửi thư chính thức tới Bộ Lâm nghiệp và Động vật hoang dã của Cameroon, đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về bằng chứng hợp pháp đối với gỗ xuất khẩu từ nguồn này. Đây là hoạt động quan trọng, thể hiện mong muốn của ngành gỗ trong việc giảm thiểu rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Gỗ Việt