Ngành gỗ Bình Định: Tiếp cận thị trường ở một góc độ mới
Hóa giải những thách thức xuất khẩu năm 2021, ngành gỗ Bình Định đang thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu dòng hàng theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng trong nhà.
Bình Định, thủ phủ của dòng hàng đồ gỗ ngoài trời, đang thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu dòng hàng theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng trong nhà. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định, cho biết, các DN lớn tại Bình Định đã đầu tư rất mạnh cho các mặt hàng mới – sản xuất hàng nội thất. Các nhà sản xuất lớn nhất, như Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến đạt, Công ty CP Công Nghệ Gỗ Đại Thành, Tổng Công ty Phú Tài, Công ty TNHH Thiên Phát, đã xây dựng các nhà máy sản xuất mặt hàng tủ bếp xuất khẩu sang Mỹ, đầu tư bài bản, có chiều sâu với công nghệ hiện đại để giảm sự phụ thuộc công nhân, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất của nhà máy.
Khó khăn mùa tới
Vượt lên những thách thức của dịch bệnh, ngành gỗ Bình Định vẫn giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2021, ước đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 890 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ, xuất khẩu gỗ đang chiếm 68% giá trị xuất khẩu của toàn tỉnh Bình Định. Nhưng tại Hội nghị giao ban ngành ngành gỗ, ngày 17/12 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định Ông Lê Minh Thiện cho biết, ngành gỗ Bình Định đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Các doanh nghiệp quan ngại tình trạng không xuất khẩu được đúng hạn, khiến chi phí kho bãi tăng cao, nguy cơ mất thị trường, mất khách hàng và đặt biệt một số khách hàng viện cớ không xuất kịp tiến độ, giao hàng không đúng hạn, dẫn tới khác hủy bỏ đơn hàng, kéo dài thời gian thanh toán theo thỏa thuận, gây áp lực cho DN xuất khẩu hàng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tình trạng tàu vận chuyển thiếu container và giá cước phí đường biển tăng quá cao, khiến nhiều DN tại Bình Định phải đương đầu với lượng hàng tồn kho lớn, trên 1000 container đã hàng nhưng chưa có container rỗng để đóng hàng. Việc tồn kho hàng của năm 2021 sẽ tạo ra hệ lụy kéo dài cho mua hàng của năm 2022, làm giảm năng suất lao động và công suất nhà máy trong thời điểm hiện tại.
Lợi thế cạnh tranh của DN đang suy giảm. Theo ông Thiện, giá nhân công Việt Nam không còn rẻ, trong khi giá vận chuyển tăng lên mức rất cao, từ 15 nghìn lên 20 nghìn USD/1 container sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, các đối thủ của ngành gỗ Việt Nam, như Mexico và Ba Lan, dù giá nhân cao hơn nhưng giá vận chuyển cạnh tranh hơn. Điều này có thể khiến một số nhà mua hàng cân nhắc dịch chuyển đơn hàng nhằm tránh giá logistics tăng cao.
Trong khi đó, giá gỗ nguyên liệu tăng cao, tăng từ 7-10% từ đầu năm cho tới nay, nhiều DN tại Quy Nhơn đã phải mua gỗ giá tăng cao từ 25-30 USD/m3, gây khó khăn cho việc chào giá đơn hàng cho mùa tới.
Đổi cơ cấu dòng hàng
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy Bình định có trên 183 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất kinh doanh ngành gỗ, trong đó có gần 150 DN chế biến đồ gỗ, 10 DN sản xuất dăm gỗ; 8 DN sản xuất ván ghép thanh; 3 DN sản xuất viên nén gỗ, 13 DN còn lại sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và ván bóc.
Cơ cấu các Doan nghiệp gỗ tại tỉnh Bình Định
Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp
Trong đó có 130/183 DN tham gia xuất khẩu gỗ, hàng năm giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Bình Định đóng góp trên 60% và tổng giá trị xuất khẩu của Bình Định. Số liệu của Hải quan chỉ ra giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Định tăng trưởng hàng năm, năm 2018 chỉ đạt 381,22 triệu USD thì năm 2019 đã đạt 3914,85 triệu USD tăng 4% so với năm 2018. Đến năm 2020 đạt 531,78 triệu USD tăng 35% so với năm trước đó. Trong 10 tháng đầu năm 2021 mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất vẫn tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 551,77 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Định gia tăng hàng năm (USD)
Nguồn: Gỗ việt phân tích từ số liệu Hải quan
Cơ cấu các sản phẩm xuất khẩu của ngành gỗ tại Bình Định năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn chiếm tới gần 55% tổng giá trị xuất của ngành gỗ Bình Định, tiếp tới là các loại sản phẩm gỗ khác như dăm mảnh, viên nén... chiếm gần 23%, các sản phẩm từ nhựa đan/hàng giả mây chiếm 22%.
Tham dự vào dòng chảy chuyển đổi này, Công ty TNHH Hữu Thịnh đã chuyển sang sản xuất hàng trong nhà. Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt cũng đã chuyển tỷ trọng, xuất khẩu hàng trong nhà đã chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu của Tiến Đạt. Tương tự, ông Lê Văn Lương – TGĐ Công ty CP Công Nghệ Gỗ Đại Thành cho biết, công ty đã đầu tư mới dây chuyền sản xuất hàng trong nhà trên diện tích 10ha, song song với nhà máy sản xuất hàng ngoài trời, doanh thu do dòng hàng này mang lại chiếm tới 30% tổng doanh số xuất khẩu.
Sự thay đổi về cơ cấu nhóm hàng sản xuất đã nằm trong chiến lược phát triển của Xí nghiệp chế biến gỗ Thắng Lợi - đơn vị thuộc Tổng công ty Phú Tài, những năm trước đây giá trị xuất khẩu hàng ngoài trời chiếm 100% doanh thu về đồ gỗ của công ty này, đạt 60-70 triệu USD. Nhưng trong 3 năm gần đây đơn vị này đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu mặt hàng, bên cạnh nhà máy sản xuất đồ ngoài trời nằm trên diện tích 13ha, đơn vị đã đầu tư mở rộng một nhà máy với diện tích 17ha để sản xuất dòng hàng nội thất. Bên cạnh doanh thu đạt được từ dòng hàng ngoài trời, hàng nội thất đã dần chiếm 30-40% doanh thu của đơn vị này.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phú Tài, cho biết, doanh số xuất khẩu năm 2020 đạt 100 triệu USD/năm, trong đó 70 triệu USD mang lại từ hàng ngoài trời còn 30 triệu USD là hàng trong nhà. Nhưng năm 2021, giá trị xuất khẩu đồ nội thất đã chiếm tới 40% trong tổng doanh thu của công ty và các năm tiếp theo tỷ lệ xuất khẩu hàng trong nhà sẽ lớn hơn hàng ngoài trời.
Theo ông Hòe, sự khác biệt lớn của hai dòng hàng này là hàng trong nhà tính mùa vụ rất thấp, trong khi sản xuất hàng ngoài trời tính mùa vụ cao nhưng dễ làm. Hàng ngoài trời xuất khẩu cao điểm từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau, trong khi đó hàng nội thất bán quay năm. Thị trường truyền thống của hàng ngoài trời thường xuất khẩu đi EU, những năm gần đây có thêm Mỹ, thị trường hàng ngoài trời có thể bán được quay năm. Nước Mỹ có nửa miền Đông và miền Tây, tính mùa vụ tại Mỹ chỉ bán thấp điểm hơn, chứ không chia mua rõ ràng như là châu Âu.
Một thực tế, những người tiên phong trong việc thí điểm chuyển đổi sang dòng hàng mới, sẽ gặp không ít khó khăn ban đầu như hệ thống dịch vụ chưa đầy đủ, tìm kiếm và đánh giá nhà cung cấp nguyên liệu phù hợp với dòng sản phẩm mới. Thế nhưng, việc nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường ở một góc độ mới, phù hợp với nhu cầu sử dụng nội thất hiện đại của người tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn kiểm soát như hiện nay. Đồng thời giúp DN nắm bắt cơ hội tốt mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ, nơi có sức mua trên 80 tỷ USD/năm, chiếm gần 25% tổng nhu cầu tiêu dùng gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu.
Cao Cẩm (Gỗ Việt, số 140, tháng 12 năm 2021)
- Năm 2021, thị trường nội thất văn phòng thế giới ước tính đạt 50 tỷ USD
- Năm 2021, xuất khẩu ghế khung gỗ ước tính đạt 3,5 tỷ USD
- Ashley một lần nữa mở rộng sản xuất đồ nội thất
- Nguyên liệu gỗ nhập khẩu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới?
- Đồ nội thất bằng gỗ có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Đức
- Phục hồi kéo tăng trưởng gỗ lên mức cao
- Hàn Quốc giảm mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam
- Nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ châu Phi giảm nhẹ
- Hà Lan và Nhật Bản tăng lượng nhập viên nén gỗ trong năm 2021
- Thị trường nội thất của Trung Quốc ngày càng mở rộng
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR