Nguyên liệu gỗ nhập khẩu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới?

07/12/2021 10:15
Nguyên liệu gỗ nhập khẩu sẽ thiết lập mặt bằng giá mới?

Cước vận tải tăng cao liên tục trong thời gian qua và không có dấu hiệu hạ nhiệt, cộng thêm “cú đấm bồi” khi giá nhiên liệu leo thang và có thời điểm giá dầu WTI vượt ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh và được dự báo sẽ thiết lập một mặt bằng mới. Tạp chí Gỗ Việt có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Phước- Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước tại Bình Định, đơn vị có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề nhập khẩu gỗ và sản xuất đồ gỗ.

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về những biến động thị trường nguyên liệu gỗ nhập khẩu, nhất là trước những tác động của giá cước tàu biển, giá nhiên liệu leo thang đặc biệt từ đầu tháng 10/2021 đến nay?

Trước tiên, tôi khẳng định, 2 yếu tố trên đã tác động rất lớn đến nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, cụ thể là ảnh hưởng về giá. Hiện nay, vấn đề vận chuyển ảnh hưởng toàn cầu. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng đẩy giá khai thác lên. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi chi phí vận chuyển tăng lên 30-40%. Giá lên quá cao, dẫn đến doanh nghiệp không nhập được nguồn hàng. Hiện, đa phần ở Bình Định các doanh nghiệp chế biến gỗ đã dữ trữ gỗ nguyên liệu trong kho nhưng cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất tới tháng 1/2022 và cùng lắm là đến tháng 2/2022. Với tình trạng này, dự báo sang tháng 2/2022 nguyên liệu sẽ thiếu cục bộ, tới tháng 3/2022 là đỉnh, sẽ thiếu nhiều.

Vậy phía đầu cung ứng nhập khẩu thì như thế nào thưa ông?

Ở đầu cung nguyên liệu nhập khẩu,khách hàng không tăng giá nguyên liệu tại rừng. Nhưng giá cước container đang rất cao, do đó, tác động rất lớn vào giá gỗ. Cộng với giá nhiên liệu tăng cao, càng khiến chi phí vận chuyển bị đội giá và khiến giá gỗ tăng rất mạnh.

Theo nhận định của tôi, hiện các đơn vị làm hàng xuất khẩu vẫn đang làm nguyên liệu nhập khẩu trước đó. Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng được đến hết tháng 1 và tháng 2/2022 cho những đơn hàng đã ký trước đó. Đơn vị nào gần như cũng vậy chứ không đơn vị nào đứt ngay nguồn nguyên liệu.

Là doanh nghiệp nhập nguyên liệu vừa để sản xuất và vừa cung ứng lại cho các doanh nghiệp khác tại thị trường trong nước, doanh nghiệp có những giải pháp như thế nào về cả trước mắt và lâu dài?

Do doanh nghiệp nhập khẩu theo giá CIF, nên phần chi phí vận chuyển, thuê tàu do phía xuất khẩu phụ trách. Trên thực tế, những đơn hàng nhập khẩu trước đó, đã có những lô hàng cước container tăng giá, chúng tôi cũng phải hỗ trợ, chia sẻ bớt phần chi phí với đối tác thì hàng mới về được. Thậm chí, chúng tôi đã phải tăng giá mua cho những đơn hàng về cuối năm 2021 này. Đối với mùa hàng mới, Tân Phước chưa báo giá cho khách hàng đồng thời ở khâu nhập khẩu gần 2 tháng nay chưa xác nhận các đơn đặt mua gỗ nguyên liệu mới theo hình thức container.

Hiện chúng tôi đang chờ giá cước container xem có giảm hay không? Nếu giảm thì sẽ tiếp tục nhập hàng, nhưng nếu không giảm và tiếp tục duy trì ở mức cao như vậy thì phía doanh nghiệp cần xem xét nhu cầu chào với khách hàng là đầu ra của mình như thế nào. Xem xét họ chấp nhận đầu ra ở khung giá nào thì chúng tôi mới bắt đầu nhập lại.

Còn nếu phía đối tác xuất khẩu báo giá cao quá và phía khách hàng đầu ra của mình không chấp nhận, họ chuyển sang nhập khẩu các loại gỗ khác thì đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ mất thị trường của mình.

Trong quá trình kinh doanh thì cũng có một vài trường hợp bị như vậy. Ví dụ, trước đây, gỗ Teak, gỗ dầu là gỗ đại trà được dùng ở Quy Nhơn, nhưng nay chỉ một số ít doanh nghiệp còn sử dụng gỗ Teak, còn lại đa phần sử dụng gỗ Bạch đàn.

Tình hình chung về nguyên liệu Bạch đàn tại Quy Nhơn như thế nào thưa ông?

Hiện tại, gỗ bạch đàn ở Quy Nhơn vẫn tiêu thụ bình thường, giá có tăng một chút nhưng chưa đến mức đứt gãy vẫn có nguồn để cung cấp. Trong khi đó giá gỗ Bạch đàn nhập theo hình thức container đang gặp nhiều khó khăn và đã tăng lên 32 USD/m3, nên không nhà nhập khẩu nào trong nước dám mua bán, xác nhận.

Chúng tôi là đơn vị nhập khẩu lớn và nhập tận gốc mà còn chưa xác nhận thì chắc chắn sẽ có một khoảng trống về nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Các đầu mối bán hàng của chúng tôi cũng đang mong ngóng tôi xác nhận để họ làm giá mới. Tuy nhiên, giá cao quá, bán không được nên tôi chưa quyết. Nếu Tân Phước xác nhận nhập hàng đồng nghĩa với việc chấp nhận mức giá mới.

Giá gỗ Bạch đàn nhập khẩu tăng cao. Ảnh minh họa, Nguồn: Công ty TNHH Thanh Hòa

Tồn tại và đứng được trong nghề hơn 20 năm, ông đánh giá như thế nào đối với nghề nhập khẩu gỗ này?

Đây là nghề rất nhiều rủi ro. Như Tân Phước, để nhập khẩu gỗ về theo container, chúng tôi phải tính toán kỹ lượng gỗ nhập khẩu, về là đưa vào xẻ và sấy trong 15 ngày là xong, tránh gây rủi ro cho mình. Việc nhập gỗ cũng được chúng tôi lên lịch trình cụ thể. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, những tác động trong vận chuyển hàng hóa do thiếu tàu biển và container khiến hàng hóa bị dồn vào một tàu. Nhiều rủi ro phát sinh cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề, đối tác xuất khẩu của chúng tôi là các công ty đa quốc gia, họ có những đánh giá về tiêu chuẩn rừng trồng rất bài bản. Còn với các lô gỗ nhập từ các khu rừng mới, chúng tôi sẽ nhập khẩu thử từ 5-10 container sau đó mới quyết định nhập nhiều hay không. Thông thường, đối với các lô gỗ mới này, chúng tôi sẽ xẻ, sấy thử nghiệm trước, sau đó đưa ra quy trình, từ đó tư vấn cho khách hàng trong nước. Việc này, thường mất thời gian khoảng 2 tháng để có thể đánh giá chất lượng gỗ từ khu rừng mới đó cũng như độ tin cậy.

Xin cám ơn ông! 

Hà Anh (Gỗ Việt, số 129 tháng 11 năm 2021)